Hợp đồng vận chuyển tài sản là một trong những hợp đồng dân sự thông dụng, được sử dụng phổ biến hiện nay. Loại hợp đồng này cũng có những đặc điểm chung giống như nhiều loại hợp đồng khác, điểm khác biệt chủ yếu nằm ở đối tượng của hợp đồng vận chuyển là các tài sản có thể di dời được. Trong bài viết dưới đây, TNTP sẽ phân tích một số nội dung cơ bản cần biết về loại hợp đồng này.
I. Khái niệm hợp đồng vận chuyển tài sản
Điều 530 Bộ luật Dân sự 2015 quy định, hợp đồng vận chuyển tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên vận chuyển có nghĩa vụ chuyển tài sản đến địa điểm đã định theo thỏa thuận và giao tài sản đó cho người có quyền nhận, bên thuê vận chuyển có nghĩa vụ trả cước phí vận chuyển.
Từ khái niệm trên, có thể thấy, hợp đồng vận chuyển tài sản cũng mang đặc trưng của những hợp đồng dân sự thông dụng khác đó là việc tự nguyện, tự do và bình đẳng của các bên trong khi xác lập một giao dịch dân sự.
II. Đặc điểm pháp lý của hợp đồng
Thứ nhất, hợp đồng này có đối tượng là công việc, cụ thể là công việc vận chuyển. Các chủ thể hướng tới việc thực hiện công việc liên quan đến tài sản, không hướng trực tiếp đến tài sản được vận chuyển. Theo đó, trong quan hệ hợp đồng vận chuyển, các bên hướng tới mục đích là “chuyển tài sản đến địa điểm đã định”, hay nói cách khác là công việc di chuyển một tài sản từ vị trí này đến một vị trí nhất định nào đó theo yêu cầu của bên thuê vận chuyển. Mặt khác, vì là công việc nên tiêu chuẩn, chất lượng dịch vụ thường không có thước đo cụ thể. Thông thường, trong hợp đồng vận chuyển tài sản, công việc sẽ được dựa trên tài sản, quãng đường, loại phương tiện để tính giá trị công việc.
Thứ hai, hợp đồng này là hợp đồng song vụ và có tính đền bù. Hai bên trong hợp đồng bao gồm bên vận chuyển và bên thuê vận chuyển đều có nghĩa vụ tương ứng với nhau. Theo đó, bên vận chuyển có nghĩa vụ vận chuyển tài sản đến đúng địa điểm như đã thỏa thuận, bảo quản tài sản đúng chỉ dẫn. Còn bên thuê vận chuyển có nghĩa vụ thanh toán cước phí và nhận tài sản hoặc chỉ định bên thứ ba nhận tài sản đúng thời hạn và địa điểm đã thỏa thuận. Cước phí mà bên thuê vận chuyển thanh toán cho bên vận chuyển chính là số tiền đền bù trong hợp đồng vận chuyển tài sản.
Thứ ba, hợp đồng vận chuyển tài sản là hợp đồng không làm tăng thêm khối lượng và không làm thay đổi tính chất của tài sản được vận chuyển, không làm thay đổi quyền sở hữu đối với tài sản mà chỉ làm thay đổi vị trí của tài sản. Vì vậy, hợp đồng vận chuyển tài sản là được hiểu là loại hợp đồng cung ứng dịch vụ, trong đó đối tượng của hợp đồng là hoạt động vận chuyển hàng hóa từ địa điểm này đến địa điểm khác.
Thứ tư, về chủ thể của hợp đồng: hợp đồng vận chuyển tài sản được ký kết giữa người vận chuyển và người thuê vận chuyển, hay được gọi là người gửi hàng. Người vận chuyển được hiểu là người tự mình hoặc ủy quyền cho người khác giao kết hợp đồng vận chuyển với người thuê vận chuyển. Như vậy, người vận chuyển có thể thực hiện toàn bộ hoặc một phần việc vận chuyển tài sản, nhưng cũng có thể ủy thác cho người khác thực hiện toàn bộ hay một phần việc vận chuyển, người vận chuyển được ủy thác này gọi là người vận chuyển thực tế.
Người thuê vận chuyển là người tự mình hoặc ủy quyền cho người khác tham gia ký kết hợp đồng với người vận chuyển. Trong trường hợp hợp đồng vận chuyển theo chứng từ vận chuyển, người thuê vận chuyển được gọi là người gửi hàng. Trong từng loại hợp đồng vận chuyển khác nhau, người thuê vận chuyển được định danh với các tên gọi khác nhau. Các chủ thể này có thể tự mình hoặc ủy quyền cho người khác thực hiện nghĩa vụ giao hàng và có quyền nhận hàng.
III. Hình thức hợp đồng
Theo quy định tại Điều 531 Bộ luật Dân sự 2015, hợp đồng vận chuyển tài sản có thể được giao kết bằng lời nói, bằng văn bản hoặc được xác lập bằng hành vi cụ thể. Ngoài ra, Bộ luật Dân sự 2015 còn quy định thêm về một loại chứng từ được coi là bằng chứng của việc giao kết hợp đồng giữa các bên, đó chính là “vận đơn” hoặc “chứng từ vận chuyển”, cụ thể: “Vận đơn hoặc chứng từ vận chuyển tương đương khác là bằng chứng của việc giao kết hợp đồng giữa các bên”.
Tuy nhiên, đối với những loại hợp đồng vận chuyển đặc thù, hình thức loại hợp đồng này phải tuân theo quy định pháp luật chuyên ngành, có thể kể đến hai ví dụ sau:
Hợp đồng vận chuyển hàng hóa bằng đường biển được điều chỉnh bởi Bộ luật Hàng hải năm 2015. Theo đó, Hợp đồng vận chuyển theo chứng từ vận chuyển được giao kết theo hình thức do các bên thỏa thuận, Hợp đồng vận chuyển theo chuyến phải được giao kết bằng văn bản. Hợp đồng vận chuyển theo chứng từ vận chuyển là hợp đồng vận chuyển hàng hóa bằng đường biển được giao kết với điều kiện người vận chuyển không phải dành cho người thuê vận chuyển nguyên tàu hoặc một phần tàu cụ thể mà chỉ căn cứ vào chủng loại, số lượng, kích thước hoặc trọng lượng của hàng hóa để vận chuyển. Hợp đồng vận chuyển theo chuyến là hợp đồng vận chuyển hàng hóa bằng đường biển được giao kết với điều kiện người vận chuyển dành cho người thuê vận chuyển nguyên tàu hoặc một phần tàu cụ thể để vận chuyển hàng hóa theo chuyến.
Hình thức của hợp đồng vận chuyển hàng hoá bằng đường hàng không là vận đơn hàng không (the air waybill) hoặc biên lai hàng hoá (the cargo receipt). Các chứng từ này được xem là chứng cứ đầu tiên về việc giao kết hợp đồng vận chuyển hàng hoá bằng đường hàng không, việc chấp nhận hàng hoá để vận chuyển và các điều kiện vận chuyển. Theo nội dung này, Khoản 1 Điều 129 Luật Hàng không dân dụng Việt Nam 2006 quy định: “Vận đơn hàng không là chứng từ vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không và là bằng chứng của việc giao kết hợp đồng, việc đã tiếp nhận hàng hóa và các điều kiện của hợp đồng.”
Trên đây là nội dung bài viết “Những nội dung cơ bản cần biết về hợp đồng vận chuyển tài sản” mà TNTP gửi đến bạn đọc. Nếu có bất kỳ vấn đề nào cần hỗ trợ, vui lòng liên hệ với TNTP để được hỗ trợ tốt nhất.
Trân trọng,