Tiếp nối bài viết “Một số vấn đề về thỏa thuận tài sản tiền hôn nhân (phần 1). Sau đây hãy cùng TNTP tiếp tục tìm hiểu về những nội dung cơ bản của một thỏa thuận tài sản tiền hôn nhân.
III. Nội dung cơ bản của thỏa thuận tài sản tiền hôn nhân
Điều khoản về điều kiện, thủ tục, nguyên tắc phân chia khi chấm dứt chế độ tài sản
- Đây cũng là nội dung được xác lập dựa trên ý chí tự nguyện của các bên. Thỏa thuận tài sản tiền hôn nhân có thể chấm dứt vào bất kỳ thời điểm nào khi vợ chồng đồng thuận hoặc chấm dứt khi xảy ra sự kiện vợ/chồng chết hoặc bị Tòa án tuyên bố đã chết, khi ly hôn, khi thỏa thuận tài sản bị vô hiệu.
- Việc các bên thỏa thuận cụ thể về điều kiện, thủ tục, nguyên tắc phân chia tài sản khi thỏa thuận chấm dứt sẽ hạn chế các tranh chấp, giúp Tòa án giải quyết vụ việc nhanh chóng, hiệu quả; đồng thời cũng tiết kiệm thời gian và chi phí cho các bên khi phân chia tài sản.
Điều khoản về việc sửa đổi, bổ sung thỏa thuận
- Vấn đề sửa đổi, bổ sung nội dung của thỏa thuận được quy định tại Điều 49 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, hướng dẫn chi tiết tại Điều 17 Nghị định 126/2014/NĐ-CP. Theo đó, vợ chồng có thể sửa đổi một phần hoặc toàn bộ nội dung thỏa thuận, hoặc thay đổi từ chế độ tài sản theo thỏa thuận sang chế độ tài sản theo luật định. Việc sửa đổi, bổ sung nội dung thỏa thuận phải được lập thành văn bản có công chứng, chứng thực. Thỏa thuận sửa đổi, bổ sung có hiệu lực từ ngày được công chứng hoặc chứng thực.
- Khi sửa đổi, bổ sung nội dung của thỏa thuận thì vợ, chồng vẫn phải cung cấp thông tin liên quan đến tài sản của vợ chồng cho người thứ ba biết. Điều này có thể hiểu là khi xác lập, thực hiện giao dịch thì vợ, chồng có nghĩa vụ cung cấp cho người thứ ba biết về những thông tin liên quan; nếu vợ, chồng vi phạm nghĩa vụ này thì người thứ ba được coi là ngay tình và được bảo vệ quyền lợi theo quy định của Bộ luật Dân sự.
Điều khoản về hậu quả pháp lý khi chấm dứt chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận
- Trường hợp thứ nhất, do một bên vợ/chồng đã chết hoặc bị Tòa án tuyên bố vợ/chồng đã chết: Khoản 2 Điều 66 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định “Khi có yêu cầu về chia di sản thì tài sản chung của vợ chồng được chia đôi, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận về chế độ tài sản. Phần tài sản của vợ, chồng chết hoặc bị Tòa án tuyên bố là đã chết được chia theo quy định của pháp luật về thừa kế”. Theo quy định trên, trong trường hợp vợ chồng có thỏa thuận tài sản tiền hôn nhân, việc chia di sản sẽ áp dụng theo thỏa thuận đã xác lập từ trước. Do vậy, các bên cần quy định chi tiết về cách thức phân chia tài sản khi chấm dứt chế độ tài sản theo thỏa thuận.
- Trường hợp thứ hai, do ly hôn: Trường hợp thỏa thuận có điều khoản về nguyên tắc phân chia tài sản sau khi ly hôn và thỏa thuận không vô hiệu thì áp dụng các nội dung này để chia tài sản của vợ chồng khi ly hôn. Trường hợp thỏa thuận không có điều khoản về phân chia tài sản sau ly hôn hoặc thỏa thuận bị Tòa án tuyên bố vô hiệu toàn bộ hoặc nội dung điều khoản phân chia tài sản sau ly hôn bị Tòa án tuyên bố vô hiệu thì áp dụng chế độ tài sản của vợ chồng theo luật định để phân chia tài sản của vợ chồng khi ly hôn. Đối với những vấn đề không được vợ chồng thỏa thuận hoặc thỏa thuận không rõ ràng hoặc bị vô hiệu theo từng phần thì áp dụng Điều 59 và Điều 61 đến Điều 64 của Luật Hôn nhân và gia đình để giải quyết.
- Trường hợp thứ ba, do thỏa thuận tài sản tiền hôn nhân bị vô hiệu: Điều 6 Thông tư liên tịch số 01/2016/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP quy định rằng: i) Trường hợp thỏa thuận tài sản tiền hôn nhân bị Tòa án tuyên bố vô hiệu toàn bộ thì chế độ tài sản của vợ chồng theo luật định được áp dụng; ii) Trường hợp thỏa thuận tài sản tiền hôn nhân bị tuyên bố vô hiệu một phần thì các nội dung không bị vô hiệu vẫn được áp dụng; đối với phần nội dung bị vô hiệu thì các quy định tương ứng về chế độ tài sản của vợ chồng theo luật định được áp dụng.
IV. Thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng bị vô hiệu
Các trường hợp thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng bị vô hiệu được quy định tại Điều 50 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014.
- Trường hợp thứ nhất: “Không tuân thủ điều kiện có hiệu lực của giao dịch được quy định tại Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan”. Theo đó, đối chiếu với Điều 117 Bộ luật Dân sự năm 2015, điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự bao gồm vợ, chồng phải hoàn toàn tự nguyện khi xác lập thỏa thuận; việc thỏa thuận là do ý chí của các bên, các bên không bị lừa dối, ép buộc, đe dọa, nhầm lẫn; mục đích cũng như nội dung của thỏa thuận không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.
- Trường hợp thứ hai: “Vi phạm một trong các quy định tại các điều 29, 30, 31 và 32 của Luật Hôn nhân và gia đình”. Theo đó, nội dung của thỏa thuận tài sản tiền hôn nhân không được vi phạm: Nguyên tắc chung về chế độ tài sản giữa vợ và chồng; Quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng trong việc đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình; Giao dịch liên quan đến nhà là nơi ở duy nhất của vợ chồng; Giao dịch với người thứ ba ngay tình liên quan đến tài khoản ngân hàng, tài khoản chứng khoán và động sản khác mà theo quy định của pháp luật không phải đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng.
- Trường hợp thứ ba: “Nội dung của thỏa thuận vi phạm nghiêm trọng quyền được cấp dưỡng, quyền được thừa kế và quyền, lợi ích hợp pháp khác của cha, mẹ, con và thành viên khác của gia đình”. Quy định này nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các thành viên khác trong gia đình. Trường hợp thỏa thuận nhằm trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng quy định từ Điều 110 đến Điều 115 của Luật hôn nhân và gia đình hoặc để tước bỏ quyền thừa kế của những người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc theo quy định của Bộ luật dân sự hoặc vi phạm các quyền, lợi ích hợp pháp của cha, mẹ, con và các thành viên khác của gia đình đã được Luật hôn nhân và gia đình và pháp luật khác có liên quan quy định thì thỏa thuận này được coi là vô hiệu.
Trên đây là bài viết: “Một số vấn đề về thỏa thuận tài sản tiền hôn nhân (phần 2)”. Chúng tôi mong rằng bài viết này hữu ích với bạn.
Trân trọng.