Chế độ tài sản vợ chồng theo thỏa thuận cho phép vợ chồng tự do định đoạt về tài sản của mỗi cá nhân nhưng vẫn đảm bảo được lợi ích chung của gia đình. Tùy thuộc vào phong tục, tập quán, pháp luật của mỗi quốc gia, thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng trước khi kết hôn được gọi bằng nhiều thuật ngữ khác nhau, tuy nhiên phổ biến nhất là “thỏa thuận tài sản tiền hôn nhân”. Trong những năm gần đây tại Việt Nam, các thỏa thuận này có nhu cầu tiếp cận ngày càng lớn. Vì vậy, trong phạm vi bài viết này, chúng tôi đề cập, phân tích một số vấn đề về thỏa thuận tài sản tiền hôn nhân nhằm nâng cao hiệu quả áp dụng thỏa thuận này.
I. Khái niệm
Hiện nay, hệ thống văn bản pháp luật Việt Nam chưa có quy định cụ thể về khái niệm thỏa thuận tài sản tiền hôn nhân. Pháp luật hôn nhân và gia đình mới chỉ đưa ra một số quy định, nhưng chưa đầy đủ về quyền lựa chọn áp dụng chế độ tài sản theo thỏa thuận của vợ chồng (Khoản 1 Điều 28 Luật Hôn nhân và gia đình 2014).
Theo quan điểm của một số nhà nghiên cứu luật học, thỏa thuận tài sản tại giai đoạn tiền hôn nhân là sự thỏa thuận bằng văn bản được lập từ trước khi kết hôn, quy định về quan hệ sở hữu tài sản của vợ chồng gồm: căn cứ, nguồn gốc xác lập tài sản chung và tài sản riêng của vợ, chồng và nguyên tắc phân chia tài sản của vợ, chồng.
II. Quy định về căn cứ xác lập, phát sinh hiệu lực của thỏa thuận tài sản tiền hôn nhân
Theo Điều 47 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, điều kiện để vợ chồng được lựa chọn và áp dụng thỏa thuận tài sản tiền hôn nhân bao gồm:
- Thứ nhất, về mặt thời gian, thỏa thuận này nhân phải được lập trước khi kết hôn. Quy định này cũng được nhiều quốc gia có chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận áp dụng.
- Thứ hai, thỏa thuận này phát sinh hiệu lực kể từ ngày đăng ký kết hôn. Hay nói cách khác, việc đăng ký kết hôn là điều kiện bắt buộc nếu các bên muốn lựa chọn chế độ này. Những trường hợp kết hôn trái pháp luật hoặc đăng ký kết hôn tại cơ quan không đúng thẩm quyền, về nguyên tắc sẽ không thể áp dụng thỏa thuận tài sản tiền hôn nhân, dù đã xác lập văn bản thỏa thuận trước đó.
- Thứ ba, thỏa thuận này phải được lập bằng văn bản và được công chứng, chứng thực. Quy trình, thủ tục ký kết thỏa thuận tài sản tiền hôn nhân được thực hiện theo Luật công chứng năm 2014 và theo quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
III. Nội dung cơ bản của thỏa thuận tài sản tiền hôn nhân
Để tạo điều kiện thuận lợi cho các bên xác lập chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận, Điều 48 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 đã quy định những nội dung cơ bản của thỏa thuận tài sản tiền hôn nhân bao gồm:
Điều khoản về xác định tài sản chung, tài sản riêng của vợ, chồng
- Nội dung này quan trọng vì xác định phần quyền của vợ chồng đối với từng loại tài sản cụ thể là cơ sở phân chia tài sản sau khi chấm dứt chế độ tài sản theo thỏa thuận. Việc xác định tài sản chung, tài sản riêng của vợ chồng được hướng dẫn chi tiết tại Điều 15 Nghị định số 126/2014/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hôn nhân và gia đình (“Nghị định số 126/2014/NĐ-CP”). Cụ thể, vợ chồng có thể thỏa thuận về xác định tài sản theo một trong các nội dung sau đây:
a) Tài sản giữa vợ và chồng bao gồm tài sản chung và tài sản riêng của vợ, chồng;
b) Giữa vợ và chồng không có tài sản riêng của vợ, chồng mà tất cả tài sản do vợ, chồng có được trước khi kết hôn hoặc trong thời kỳ hôn nhân đều thuộc tài sản chung;
c) Giữa vợ và chồng không có tài sản chung mà tất cả tài sản do vợ, chồng có được trước khi kết hôn và trong thời kỳ hôn nhân đều thuộc sở hữu riêng của người có được tài sản đó;
d) Xác định theo thỏa thuận khác của vợ chồng.
- Như vậy, các bên có thể tự do thỏa thuận bất kỳ cách xác định tài sản chung, tài sản riêng nào, miễn là thỏa thuận đó không trái với quy định của pháp luật và thuần phong mĩ tục. Trường hợp phát sinh những vấn đề chưa được vợ chồng thỏa thuận hoặc thỏa thuận không rõ ràng thì những vấn đề này sẽ được áp dụng tương tự như chế độ tài sản theo pháp luật.
Điều khoản về quyền, nghĩa vụ của vợ chồng đối với tài sản chung, tài sản riêng và giao dịch có liên quan; tài sản để bảo đảm nhu cầu thiết yếu của gia đình
- Đối với điều khoản này, các bên có thể tự do thỏa thuận, tuy nhiên nội dung thỏa thuận phải phù hợp với quy định của pháp luật vào bảo đảm thực hiện nghĩa vụ, trách nhiệm của vợ, chồng.
- Vợ, chồng có nghĩa vụ bảo đảm điều kiện để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình (Nhu cầu thiết yếu được hiểu là nhu cầu sinh hoạt thông thường về ăn, mặc, ở, học tập, khám bệnh, chữa bệnh và nhu cầu sinh hoạt thông thường khác không thể thiếu cho cuộc sống của mỗi người, mỗi gia đình). Nếu thỏa thuận tài sản tiền hôn nhân vi phạm nội dung này có thể bị tuyên bố vô hiệu. Do vậy, các bên cần thỏa thuận để đảm bảo nhu cầu thiết yếu của các thành viên trong gia đình, đặc biệt là trong trường hợp các bên thỏa thuận chỉ có tài sản riêng, không có tài sản chung.
- Khi vợ chồng thỏa thuận về việc xác định quyền và nghĩa vụ đối với tài sản thì các quan hệ tài sản với người thứ ba liên quan phải căn cứ và thực hiện theo thỏa thuận đó. Khi xác lập, thực hiện giao dịch về tài sản đối với người thứ ba thì vợ chồng có nghĩa vụ cung cấp cho người này biết về những thông tin liên quan về tài sản; nếu vợ, chồng vi phạm nghĩa vụ này thì người thứ ba được coi là ngay tình và được bảo vệ quyền lợi theo quy định của Bộ luật Dân sự.
Trên đây là bài viết: “Một số vấn đề về thỏa thuận tài sản tiền hôn nhân (phần 1)”. Chúng tôi mong rằng bài viết này hữu ích với bạn.
Trân trọng.