Các chủ thể có năng lực pháp luật dân sự khác nhau thì có các quyền dân sự khác nhau. Khi tham gia vào quan hệ pháp luật, các chủ thể có quyền tự mình thực hiện những hành vi nhất định, quyền yêu cầu người có nghĩa vụ thực hiện nghĩa vụ, quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình khi bị xâm phạm về quyền. Vậy quyền dân sự được xác lập dựa trên các căn cứ nào? Trong bài viết này, chúng tôi sẽ phân tích 09 căn cứ về xác lập quyền dân sự theo Điều 8 Bộ luật Dân sự 2015.
1. Hợp đồng
Quyền dân sự được xác lập thông qua hợp đồng, được thể hiện cụ thể thành các điều khoản trong hợp đồng và được bảo đảm bởi nghĩa vụ đối ứng của bên còn lại. Khi có sự kiện một bên thực hiện nghĩa vụ thì bên kia sẽ được xác lập quyền và ngược lại. Ví dụ, đối với hợp đồng mua bán, khi bên mua đã thanh toán đầy đủ tiền cho bên bán, bên mua có quyền được nhận tài sản và có quyền sở hữu tài sản đúng với số lượng, chất lượng mà hai bên đã thỏa thuận.
2. Hành vi pháp lý đơn phương
Hành vi pháp lý đơn phương là hoạt động thể hiện ý chí của một bên nhằm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự mà không phụ thuộc vào ý chí của bên còn lại. Người có hành vi pháp lý đơn phương phải là người có quyền nhất định, và người này thực hiện hành vi với mục đích trao cho người khác quyền của mình. Hành vi pháp lý đơn phương là căn cứ xác lập quyền dân sự trong quan hệ hứa thưởng (Điều 570 BLDS 2015), thi có giải (Điều 573 BLDS 2015), di chúc (Điều 624 BLDS 2015). Tuy nhiên, hành vi pháp lý đơn phương chỉ làm phát sinh quyền dân sự khi ý chí thể hiện không trái pháp luật và đạo đức xã hội.
3. Quyết định của Tòa án, cơ quan có thẩm quyền khác theo quy định của luật
Đây là căn cứ xác lập quyền dân sự khá đặc trưng, bởi quyết định của Tòa án, cơ quan có thẩm quyền khác là kết quả của quá trình giải quyết tranh chấp, yêu cầu của đương sự,… có tính bắt buộc với các bên và được Nhà nước bảo đảm thực hiện.
Ví dụ: Tòa án ra bản án, theo đó buộc A phải trả cho B 500 triệu đồng, bản án là căn cứ để xác lập quyền sở hữu của B đối với 500 triệu đồng mà A phải trả. Trường hợp A không tự nguyện trả, B có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự thực hiện thi hành án.
4. Kết quả của lao động, sản xuất, kinh doanh; kết quả của hoạt động sáng tạo ra đối tượng quyền sở hữu trí tuệ
Căn cứ xác lập trên chủ yếu là xác lập quyền của chính chủ sở hữu đối với tài sản mình làm ra, đó là các quyền được pháp luật ghi nhận về chiếm hữu, sử dụng, định đoạt. Đây là căn cứ xác lập quyền dân sự điển hình và ít khả năng tranh chấp (trừ quyền sở hữu trí tuệ).
5. Chiếm hữu tài sản
Chiếm hữu tài sản là việc chủ thể nắm giữ, chi phối tài sản một cách trực tiếp hoặc gián tiếp như chủ thể có quyền đối với tài sản. Quyền dân sự chỉ được xác lập trong trường hợp chiếm hữu hợp pháp, đối với chiếm hữu không có căn cứ pháp luật hoặc chiếm hữu bất hợp pháp thì cá nhân chiếm hữu phải thực hiện nghĩa vụ thay vì có quyền. Thông thường, người chiếm hữu tài sản có căn cứ pháp luật sẽ được hưởng các quyền từ tài sản mang lại, như quyền được sử dụng, khai thác để sản sinh hoa lợi, lợi tức.
6. Sử dụng tài sản, được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật
Tại Điều 236 Bộ luật Dân sự 2015, người chiếm hữu, người được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật nhưng ngay tình, liên tục, công khai trong thời hạn 10 năm đối với động sản, 30 năm đối với bất động sản thì trở thành chủ sở hữu tài sản đó, kể từ thời điểm bắt đầu chiếm hữu, trừ trường hợp pháp luật quy định khác. Vì vậy, nếu chủ thể đáp ứng điều kiện trên thì việc sử dụng tài sản, được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật cũng được coi là một trường hợp xác lập quyền dân sự.
7. Bị thiệt hại do hành vi trái pháp luật
Khi chủ thể thực hiện hành vi trái pháp luật xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản của người khác thì chủ thể gây thiệt hại có nghĩa vụ phải bồi thường thiệt hại do mình gây ra cho bên bị gây thiệt hại. Tuy nhiên, để yêu cầu bên gây thiệt hại bồi thường, bên bị gây thiệt hại có nghĩa vụ chứng minh về hành vi vi phạm của bên kia và thiệt hại mà mình phải chịu. Lúc này, bên bị gây thiệt hại có quyền được nhận bồi thường, xác lập quyền sở hữu đối với tài sản bồi thường từ bên gây thiệt hại.
8. Thực hiện công việc không có ủy quyền
Theo quy định tại Điều 574 Bộ luật Dân sự 2015, thực hiện công việc không có ủy quyền là việc một người không có nghĩa vụ nhưng đã tự nguyện thực hiện công việc vì lợi ích của người có công việc được thực hiện khi người này không biết hoặc biết mà không phản đối. Vì vậy, người thực hiện công việc được thanh toán các chi phí hợp lí mà mình đã bỏ ra để thực hiện công việc.
9. Căn cứ khác do pháp luật quy định
Để đảm bảo không liệt kê thiếu căn cứ xác lập quyền dân sự, pháp luật dự trù và mở rộng thêm quy định tại Khoản 9: “Căn cứ khác do pháp luật quy định”.
Trên đây là bài viết “Các căn cứ xác lập quyền dân sự theo Bộ luật Dân sự 2015”. Chúng tôi hi vọng bài viết này có ích với các bạn.
Trân trọng,