Giao kết hợp đồng được diễn ra một cách phổ biến, thường xuyên và liên tục. Tuy nhiên không phải cá nhân, tổ chức nào cũng đều thực hiện đúng và đầy đủ các quy định của pháp luật về nội dung và hình thức của hợp đồng. Để hợp đồng có hiệu lực và đảm bảo được quyền và lợi ích của các bên có liên quan, từ lúc soạn thảo hợp đồng, các bên cần lưu ý một số nội dung sau:
1. Về nội dung của hợp đồng
Bộ luật Dân sự 2015 quy định rằng nội dung của hợp đồng trái với điều cấm của luật và đạo đức xã hội thì hợp đồng sẽ bị vô hiệu. Do vậy, các bên cần xác định chính xác nguồn pháp luật điều chỉnh quan hệ hợp đồng để làm cơ sở xác định điều cấm liên quan. Nguồn pháp luật điều chỉnh quan hệ hợp đồng bao gồm pháp luật trực tiếp như Bộ luật Dân sự 2015, Luật Thương mại 2005,… và pháp luật chuyên ngành căn cứ vào đối tượng hàng hóa mua bán, dịch vụ cung cấp.
Bên soạn thảo cần tìm hiểu về đối tượng của hợp đồng, nhu cầu, yêu cầu của các bên,… để từ đó xác định được loại hợp đồng, các điều khoản cần có trong hợp đồng. Một số nội dung cơ bản thường có trong hợp đồng bao gồm:
- Thông tin của các bên;
- Đối tượng của hợp đồng;
- Giá trị hợp đồng và phương thức thanh toán;
- Thực hiện hợp đồng như thời gian, địa điểm bàn giao hàng hóa, cung cấp dịch vụ;
- Chấm dứt hợp đồng và hậu quả do chấm dứt hợp đồng;
- Vi phạm hợp đồng và chế tài xử lý vi phạm;
- Sự kiện bất khả kháng;
- Giải quyết tranh chấp (cơ quan giải quyết tranh chấp);
- Hiệu lực hợp đồng.
Đối với hợp đồng mua bán tài sản, đối tượng của hợp đồng phải thỏa mãn các điều kiện sau:
- Phải là tài sản được phép giao dịch;
- Phải được xác định cụ thể. Nếu là vật thì phải xác định rõ thông qua số lượng, đặc điểm,… Nếu là quyền tài sản thì phải có giấy tờ hoặc các bằng chứng khác chứng minh thuộc quyền sở hữu của bên bán;
- Không phải là tài sản đang bị tranh chấp về quyền sở hữu;
- Không phải là tài sản đang bị kê biên để thi hành án;
- Không phải là tài sản đang được dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác hoặc các bên có thỏa thuận khác;
- Nếu đối tượng của hợp đồng mua bán là tài sản hạn chế giao dịch thì việc mua bán phải tuân theo quy định của pháp luật về trình tự, thủ tục chuyển giao quyền sở hữu tài sản đó.
2. Về hình thức của hợp đồng
Trường hợp pháp luật không quy định về hình thức của hợp đồng mà các bên dự định ký kết, các bên vẫn nên lựa chọn hình thức văn bản để có căn cứ thực hiện và chứng cứ khi có tranh chấp. Trường hợp pháp luật có những quy định đặc thù về hình thức của hợp đồng, các bên cần tuân thủ để hợp đồng không bị tuyên bố vô hiệu. Hình thức của hợp đồng được quy định trong các văn bản pháp luật, sau đây là một số quy định về hình thức của một số loại hợp đồng cụ thể:
Hợp đồng bắt buộc phải lập thành văn bản
- Luật Khoa học và công nghệ năm 2013: Hợp đồng nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; Hợp đồng chuyển giao công nghệ; Hợp đồng dịch vụ khoa học và công nghệ.
- Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi bổ sung năm 2009: Hợp đồng chuyển nhượng quyền tác giả, quyền liên quan; Hợp đồng sử dụng quyền tác giả, quyền liên quan; …
Hợp đồng bắt buộc phải công chứng, chứng thực
- Luật Đất đai năm 2013: Hợp đồng chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất, trừ trường hợp kinh doanh bất động sản.
- Luật Nhà ở năm 2014: Hợp đồng mua bán, tặng cho, đổi, góp vốn, thế chấp nhà ở, chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở thương mại trừ trường hợp quy định tại Khoản 2 Điều 122 Luật Nhà ở …
3. Việc cần làm khi nội dung và hình thức của hợp đồng trái pháp luật
- Các bên cần thỏa thuận và sửa đổi nội dung trái pháp luật với sự tư vấn, hỗ trợ từ cá nhân/tổ chức có hiểu biết về pháp luật/cung cấp dịch vụ pháp lý;
- Thay đổi hình thức của hợp đồng để phù hợp quy định của pháp luật, ví dụ nếu pháp luật yêu cầu phải lập thành văn bản có công chứng/chứng thực thì sẽ thực hiện theo hình thức này;
- Khi hợp đồng đã được giao kết, các bên mới phát hiện sai sót thì các bên chỉ có thể thỏa thuận và sửa đổi hợp đồng khi các bên có thiện chí. Trường hợp một trong các bên không có thiện chí thì việc thỏa thuận không thực hiện được. Do vậy, ngay từ khi soạn thảo và trước khi giao kết hợp đồng, các bên nên liên hệ với tổ chức cung cấp dịch vụ pháp lý để được hỗ trợ, đảm bảo quyền lợi của mình một cách tối đa.
Việc các bên tuân thủ quy định pháp luật về nội dung, hình thức của hợp đồng, cũng như thỏa thuận chi tiết, dự liệu về các tranh chấp có thể xảy ra sẽ đảm bảo được quyền và lợi ích của các bên. Trên đây là bài viết “Lưu ý về nội dung, hình thức của hợp đồng khi soạn thảo hợp đồng”. Hy vọng các bạn sẽ thu được giá trị hữu ích khi đọc bài viết.
Trân trọng,