Việc khởi kiện ra tòa án thường là biện pháp được các chủ nợ lựa chọn. Khi hầu hết các phương pháp áp dụng để thu nợ không mang lại kết quả như mong muốn, doanh nghiệp sẽ tiến hành khởi kiện đối với bên vay ra toà án. Tuy nhiên, thực tế việc khởi kiện bên nợ không dễ dàng và đơn giản. Sau đây là một số khó khăn khi thu hồi nợ bằng việc khởi kiện tại Tòa án.
1. Việc khởi kiện bên nợ chậm do không tống đạt được tài liệu tố tụng cho khách hàng, bị đơn và người liên quan đến vụ việc
Trong quá trình khởi kiện bên nợ, để có cơ sở giải quyết vụ việc, Tòa án thường phải gửi các văn bản tố tụng đến các nguyên đơn, bị đơn, người có quyền và nghĩa vụ liên quan đối với vụ việc. Tuy nhiên, nhiều bị đơn hoặc người có quyền và nghĩa vụ liên quan thường cố tình trốn tránh, không hợp tác giải quyết vụ việc… Có thể các thông tin liên quan đến tài sản, quyền lợi, nghĩa vụ của các bên liên quan đã được thỏa thuận rất chi tiết, cụ thể trong hợp đồng tín dụng, hợp đồng tài chính và các văn bản thỏa thuận khác, nhưng do quá trình tống đạt các tài liệu của Tòa án đến bị đơn hoặc người liên quan bị chậm, hoặc không tống đạt được đã dẫn đến việc giải quyết vụ việc bị trì trệ tại tòa án khi TCTD đi khởi kiện khách hàng, bên thế chấp.
2. Giải quyết vụ án của Tòa án bị kéo dài
Trong quá trình khởi kiện bên nợ, sự bất hợp tác của người bị kiện và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong trường hợp này sẽ làm cho việc giải quyết vụ án của Tòa án bị kéo dài. Tòa án phải tiến hành xác minh, niêm yết văn bản tố tụng theo quy định của Bộ luật Tố tụng Dân sự mới có thể xét xử vắng mặt họ. Ngoài ra, có người bị kiện còn ủy quyền cho Luật sư tham gia tố tụng với mục đích kéo dài thời hạn giải quyết vụ án càng lâu càng tốt (đề nghị thu thập thêm tài liệu, chứng cứ, tiến hành trưng cầu giám định tài liệu…). Đối với những vụ án phức tạp có nhiều người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan thì phiên tòa xét xử bị hoãn nhiều lần là điều khó tránh khỏi, gây bức xúc mệt mỏi cho TCTD trong việc tham gia tố tụng.
3. Về thời gian khởi kiện bên nợ
Theo quy định tại Điều 179 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, đối với các vụ án dân sự, kinh doanh thương mại là tranh chấp liên quan đến Hợp đồng tín dụng thì thời hạn chuẩn bị xét xử là 02 tháng kể từ ngày thụ lý vụ án (đối với những vụ án có tính chất phức tạp thì Chánh án Tòa án có thể gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử nhưng không quá 02 tháng), tuy nhiên trên thực tế nhiều Tòa án không thực hiện đúng quy định về thời hạn chuẩn bị xét xử mà Bộ Luật tố tụng dân sự quy định.
4. Quá trình thi hành án nhiều khó khăn
Sau khi có quyết định, bản án của Tòa án, chủ nợ có quyền cơ quan thi hành án có thẩm quyền thi hành quyết định, bản án của Tòa án bằng các biện pháp theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, nhiều trường hợp bản án, quyết định hoàn toàn có lợi cho chủ nợ, nhưng quá trình thi hành án có thể diễn ra chậm, không thể thi hành vì nhiều lý do như: Quá trình xác minh tài sản thi hành án mất nhiều thời gian, bên nợ không còn tài sản để thi hành án; hoặc bên nợ không còn hoạt động để có thể trả nợ,… Điều này dẫn đến việc chủ nợ phải mất nhiều thời gian mới có thể thu lại được khoản nợ, hoặc thậm chí không thể thu hồi được khoản nợ mặc dù đã có quyết định, bản án rõ ràng và hợp pháp của Tòa án.
Có thể thấy việc khởi kiện ra tòa để thu hồi nợ không hề đơn giản bởi nhiều nguyên nhân khác nhau. Tuy nhiên không thể phủ nhận mức độ phổ biến, và giá trị mà việc khởi kiện đem lại trong hoạt động thu hồi nợ. Các chủ nợ nên cân nhắc lựa chọn dựa trên tình tình thực tế, khả năng tài chính của bên nợ, và quỹ thời gian, ngân sách của chính mình để đưa ra quyết định sáng suốt.
Trân trọng,