Doanh nghiệp xã hội là một loại hình doanh nghiệp đặc thù, có các hoạt động kinh doanh nhằm thực hiện các mục tiêu mang tính xã hội, lợi nhuận thu được sử dụng để tái đầu tư cho mục tiêu đó hoặc cho cộng đồng, thay vì tối đa hóa lợi nhuận cho thành viên công ty, cổ đông hoặc chủ sở hữu. Trong bài viết này, chúng tôi sẽ phân tích về tiêu chí, quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp xã hội tại Việt Nam.
1. Tiêu chí trở thành doanh nghiệp xã hội
Theo quy định tại Điều 10 Luật Doanh nghiệp năm 2020, các tiêu chí để trở thành doanh nghiệp xã hội bao gồm:
- Là doanh nghiệp được đăng ký thành lập theo quy định của Luật doanh nghiệp. Tùy vào loại hình của doanh nghiệp xã hội là doanh nghiệp tư nhân, công ty hợp danh, công ty TNHH hoặc công ty cổ phần, doanh nghiệp thực hiện thủ tục đăng ký thành lập tương ứng với loại hình doanh nghiệp.
- Mục tiêu hoạt động nhằm giải quyết vấn đề xã hội, môi trường vì lợi ích cộng đồng. Đây là điểm khác biệt cơ bản so với doanh nghiệp thông thường. Mục tiêu chủ yếu mà hầu hết chủ doanh nghiệp và những thành viên góp vốn hướng đến là tạo ra lợi nhuận. Còn doanh nghiệp xã hội được thành lập với mục tiêu giải quyết các vấn đề xã hội, môi trường vì lợi ích chung của toàn xã hội, mục tiêu tạo ra lợi nhuận không phải mục tiêu chính mà các doanh nghiệp này hướng đến.
- Sử dụng ít nhất 51% tổng lợi nhuận sau thuế hằng năm của doanh nghiệp để tái đầu tư nhằm thực hiện mục tiêu đã đăng ký. Khác với doanh nghiệp thông thường, được sử dụng toàn bộ lợi nhuận sau thuế theo ý chí của doanh nghiệp (miễn là ý chí này phù hợp với quy định pháp luật) thì doanh nghiệp xã hội phải trích ra hơn một nửa lợi nhuận sau thuế (không ít hơn 51%) để đầu tư nhằm thực hiện mục giải quyết vấn đề xã hội, môi trường đã đăng ký.
2. Quyền của doanh nghiệp xã hội
Doanh nghiệp xã hội trước hết là doanh nghiệp, nên đương nhiên có là đầy đủ quyền của doanh nghiệp quy định tại Điều 7 Luật doanh nghiệp năm 2020. Bên cạnh đó, vì là loại hình đặc thù nên doanh nghiệp xã hội còn có thêm một số quyền sau:
- Chủ sở hữu, người quản lý doanh nghiệp xã hội được xem xét, tạo thuận lợi và hỗ trợ trong việc cấp giấy phép, chứng chỉ và giấy chứng nhận có liên quan theo quy định của pháp luật.
- Được huy động, nhận tài trợ từ cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức phi chính phủ và tổ chức khác của Việt Nam, nước ngoài để bù đắp chi phí quản lý, chi phí hoạt động của doanh nghiệp.
- Được Nhà nước ban hành các chính sách khuyến khích, hỗ trợvà thúc đẩy phát triển doanh nghiệp xã hội.
3. Nghĩa vụ của doanh nghiệp xã hội
Doanh nghiệp xã hội phải thực hiện đầy đủ quy định chung về nghĩa vụ của doanh nghiệp tại Điều 8 Luật Doanh nghiệp năm 2020 và các nghĩa vụ đặc thù, bao gồm:
- Duy trì mục tiêu hoạt động và điều kiện quy định trong suốt quá trình hoạt động.
- Không được sử dụng các khoản tài trợ huy động được cho mục đích khác ngoài bù đắp chi phí quản lý và chi phí hoạt động để giải quyết vấn đề xã hội, môi trường mà doanh nghiệp đã đăng ký.
- Trường hợp được nhận các ưu đãi, hỗ trợ, doanh nghiệp xã hội phải định kỳ hằng năm báo cáo cơ quan có thẩm quyền về tình hình hoạt động của doanh nghiệp.
- Doanh nghiệp xã hội phải thông báo với cơ quan có thẩm quyền khi chấm dứt thực hiện mục tiêu xã hội, môi trường hoặc không sử dụng lợi nhuận để tái đầu tư theo quy định.
Doanh nghiệp xã hội ở Việt Nam hoạt động dưới nhiều hình thức tổ chức và địa vị pháp lý khác nhau. Do mục đích chủ yếu hướng tới xã hội như cung ứng dịch vụ công, bảo vệ môi trường, cung cấp việc làm cho cộng đồng yếu thế,… nên doanh nghiệp xã hội được hưởng các chính sách ưu đãi liên quan tùy thuộc vào lĩnh vực, địa bàn hay đối tượng mà doanh nghiệp lựa chọn. Điều này góp phần khuyến khích các doanh nghiệp lựa chọn hoạt động dưới danh nghĩa là doanh nghiệp xã hội.
Trên đây là bài viết “Tiêu chí, quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp xã hội”. Chúng tôi hi vọng bài viết này có ích với các bạn.
Trân trọng,