Nghĩa vụ đóng bảo hiểm xã hội là bắt buộc đối người sử dụng lao động (“NSDLĐ”). Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều doanh nghiệp không đóng hoặc đóng không đúng mức bảo hiểm xã hội cho người lao động khiến các tranh chấp bảo hiểm xã hội xảy ra ngày càng nhiều và khá phức tạp. Đâu là lưu ý cho các bên khi xảy ra tranh chấp bảo hiểm xã hội? Hãy cùng TNTP làm rõ với chủ đề: Tranh chấp Bảo hiểm xã hội, lưu ý nào cho các bên?
1. Khái quát về Tranh chấp bảo hiểm xã hội
-
Khái niệm
Tranh chấp bảo hiểm xã hội (“BHXH”) là sự xung đột, mâu thuẫn, bất đồng giữa các chủ thể trong quan hệ BHXH .
Theo Khoản 1 Điều 3 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 thì BHXH là “là sự đảm bảo thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi họ bị giảm hoặc mất khả năng thu nhập do ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hết tuổi lao động hoặc chết, trên cơ sở đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội”. BHXH hai loại là BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện. Dưới góc độ kinh tế, xã hội, thuật ngữ BHXH còn bao gồm bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế, cứu trợ xã hội,…
-
Đặc điểm
Chủ thể của tranh chấp BHXH; Một là, chủ thể được hưởng chế độ BHXH cần đủ điều kiện và thực hiện đúng thủ tục thì mới được hưởng quyền lợi BHXH; Hai là, chủ thể tham gia BHXH, kể cả người tham gia BHXH nhưng không được hưởng quyền lợi trực tiếp (VD: Người sử dụng lao động); Ba là, chủ thể thực hiện chế độ BHXH.
Nội dung của tranh chấp BHXH là các vấn đề liên quan tới quyền, nghĩa vụ của các chủ thể trong quan hệ BHXH. Quyền lợi BHXH là những lợi ích vật chất cụ thể và liên quan trực tiếp (VD: tranh chấp trong tính toán, thực hiện chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp). Ngoài ra có thể có các tranh chấp về thực hiện chủ trương, chính sách BHXH.
2. Lưu ý khi giải quyết tranh chấp bảo hiểm xã hội
2.1 Đối với người sử dụng lao động
- Doanh nghiệp vi phạm nghĩa vụ đóng bảo hiểm, không đóng hoặc đóng không đúng mức BHXH cho Người lao động (“NLĐ”) là nguyên nhân tạo ra các tranh chấp, dẫn đến NLĐ khiếu nại, tố cáo và khởi kiện tại tòa án.
- Ngoài chịu trách nhiệm trước pháp luật và bị xử phạt theo Nghị định Số 24/2018/NĐ-CP quy định về giải quyết khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực lao động, giao dục nghề nghiệp, hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng việc làm, an toàn, vệ sinh lao động và các quy định pháp luật khác. Doanh nghiệp còn phải gánh chịu những ảnh hưởng về uy tín kinh doanh, uy tín trên thị trường lao động.
- Theo đó, để hạn chế tranh chấp về BHXH, Người sử dụng lao động (“NSDLĐ”) cần lưu ý tuân thủ đúng pháp luật về lao động và BHXH; tuyển dụng bộ phận nhân sự có đủ năng lực phụ trách; xây dựng quy chế thực hiện nghĩa vụ lao động, đóng BHXH để kiểm tra giám sát bộ phận nhân sự.
2.2 Đối với người lao động
- NLĐ nên chủ động theo dõi thường xuyên quá trình đóng BHXH của NSDLĐ. Bên cạnh đó, NLĐ liên hệ cơ quan chức năng bảo hiểm hoặc công đoàn cơ sở để yêu cầu các tổ chức hỗ trợ giám sát quá trình đóng BHXH của NSDLĐ; và
- NLĐ có dấu hiệu bị xâm phạm quyền liên quan đến BHXH thì nên liên hệ với cơ quan chức năng hoặc các tổ chức hỗ trợ xã hội khác yêu cầu hỗ trợ giải quyết tranh chấp.
2.3 Đối với tổ chức công đoàn
Công đoàn với vai trò là đại diện, bảo vệ quyền lợi cho NLĐ. Trường hợp, NLĐ bị xâm hại về các quyền liên quan đến BHXH, công đoàn có thể liên hệ công đoàn cơ sở hoặc quận huyện liên hệ với NSDLĐ để tìm hiểu nguyên nhân, đưa ra giải pháp tạo ra sự đồng thuận khi giải quyết tranh chấp. Nếu các bên hòa giải không thành công thì NLĐ có thể ủy quyền cho công đoàn khởi kiện NSDLĐ tại tòa án.
3. Phương pháp giải quyết tranh chấp bảo hiểm xã hội
Khi xảy ra tranh chấp bảo hiểm xã , thương lượng là biện pháp được khuyến khích, coi trọng. Thương lượng được các bên tự thực hiện với mọi tranh chấp bảo hiểm xã hội. Trong quá trình thương lượng, các bên giải trình ý kiến của mình về các nguyên nhân dẫn tới tranh chấp cũng như cách thức khắc phục hậu quả. Tuy nhiên, sự thành công của việc thương lượng phụ thuộc rất nhiều vào thái độ hợp tác, xây dựng giữa hai bên tranh chấp.
Khi biện pháp thương lượng không thành, mâu thuẫn và tính chất vụ việc phức tạp hơn thì các bên lựa chọn biện pháp tiếp là Hòa giải, đối thoại; Khiếu nại và Tố tụng. Tuy nhiên, đối với các biện pháp này thì trình tự, thủ tục thực hiện mất nhiều thời gian và phức tạp hơn.
Trên đây là bài viết của TNTP về “Tranh chấp bảo hiểm xã hội, lưu ý cho các bên”. Hy vọng bài viết trên cung cấp cho bạn những thông tin hữu ích cho bạn.
Trân trọng.