Hoạt động thu hồi nợ là việc cá nhân hoặc tổ chức đại diện bên có quyền sử dụng các giải pháp của mình để bên nợ thanh toán khoản nợ quá hạn. Tuy nhu cầu thu hồi nợ là rất lớn nhưng xã hội lại có những hiểu lầm đầy tiêu cực đối với hoạt động này. Bằng bài viết pháp lý này, TNTP sẽ nêu ra và phân tích những hiểu lầm về hoạt động thu hồi nợ.
1. Hiểu lầm về hoạt động thu hồi nợ đều là bất hợp pháp và bị pháp luật cấm
Trước khi Luật Đầu tư 2020 có hiệu lực, dịch vụ đòi nợ vẫn là một ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Vì cho phép loại hình dịch vụ đòi nợ nhưng quy định của pháp luật lại không rõ ràng, các cơ quan có thẩm quyền không quản lý chặt chẽ nên các hành vi đòi nợ bị biến tướng và gây ra nhiều tác động xấu. Vì vậy, khi dịch vụ đòi nợ chính thức bị cấm, nhiều người đã cho rằng mọi hành vi, hoạt động nhằm mục đích thu hồi nợ đều trở thành bất hợp pháp và bị pháp luật cấm. Điều này là không chính xác và trái ngược với quyền và lợi ích hợp pháp của chủ nợ hay bên có quyền.
Trường hợp bên nợ không trả nợ đầy đủ và đúng hạn, bên có quyền hoàn toàn được phép tự mình hoặc ủy quyền cho cá nhân, tổ chức khác sử dụng các biện pháp hợp pháp để thu hồi khoản nợ. Các biện pháp thu hồi nợ vẫn được áp dụng đến hiện tại là gặp mặt trực tiếp, liên lạc bằng điện thoại hoặc gửi văn bản để yêu cầu bên nợ thanh toán khoản nợ, khởi kiện tại Tòa án, hoặc tố giác tội phạm tại Cơ quan có thẩm quyền nếu bên nợ trốn khỏi nơi cư trú và có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản hay lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
Như vậy, không phải hành vi nào nhằm thu hồi nợ cũng là bất hợp pháp và bị pháp luật cấm. Luật Đầu tư 2020 chỉ cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê. Bên có quyền vẫn có thể tự thương lượng với bên nợ hoặc ủy quyền cho cá nhân hoặc các công ty luật để thu hồi nợ một cách hợp pháp và hiệu quả nhất.
2. Hiểu lầm về hoạt động thu hồi nợ là “xã hội đen”
Cho đến nay, vẫn có quan điểm cho rằng những người thu hồi nợ đều là “xã hội đen”. Nhắc đến “thu hồi nợ” là sẽ đi kèm với những thứ như “lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm”, “gây thương tích cho bên nợ”, “thiệt hại về tính mạng và sức khỏe”, “đập phá đồ đạc”, “ngăn cản không cho bên nợ kinh doanh làm ăn”, … Chính những điều này khiến nhiều người có ấn tượng xấu với người thu hồi nợ và luôn cho rằng người thu hồi nợ đồng nghĩa với “xã hội đen”.
Điều này là không hề đúng, hình thức thu hồi nợ kiểu “Xã hội đen” chưa bao giờ được xã hội và pháp luật công nhận. Các tổ chức “xã hội đen” thực hiện đòi nợ trái pháp luật đều đã bị các cơ quan có thẩm quyền xử lý để đảm bảo trật tự xã hội. Còn những người thu hồi nợ hợp pháp chỉ áp dụng các biện pháp trong giới hạn cho phép để tạo áp lực cho bên nợ. Các biện pháp này tuyệt đối không gây thương tích hay thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, tài sản của bên nợ. Ngoài ra, nhân viên thu hồi nợ cũng là một vị trí được người sử dụng lao động tuyển dụng và được pháp luật công nhận. Đây là sự khác biệt rõ nét giữa người thu hồi nợ và “xã hội đen”. Nếu phân biệt được hai đối tượng này, hoạt động thu hồi nợ sẽ không còn tiêu cực như xã hội vẫn nghĩ nữa.
3. Hiểu lầm hoạt động thu hồi nợ ảnh hưởng xấu đến kinh tế và xã hội
Vì e ngại những hành vi trái pháp luật cũng như hậu quả mà sự biến tướng trong hoạt động thu hồi nợ mang lại, người dân lo rằng thu hồi nợ có ảnh hưởng xấu đến kinh tế và xã hội.
Tuy nhiên, bản chất của thu hồi nợ xuất phát từ quyền hợp pháp của chủ nợ. Bên nợ phải vi phạm thỏa thuận trước, không thanh toán nợ đúng hạn và đầy đủ thì nhu cầu thu hồi nợ mới phát sinh. Có hoạt động thu hồi nợ thì tỷ lệ nợ xấu mới được kiểm soát, giúp nền kinh tế ổn định. Có hoạt động thu hồi nợ, các bên mới ngăn chặn được các hành vi vi phạm pháp luật, giúp đảm bảo an ninh cho xã hội. Nếu hoạt động thu hồi nợ có thể được giám sát và quản lý bằng những quy định cụ thể thì sẽ mang lại những lợi ích lớn cho kinh tế và xã hội.
Qua đây có thể thấy rõ thu hồi nợ không nguy hiểm và đáng sợ như nhiều người vẫn nghĩ. Việc xử lý các hành vi đòi nợ trái pháp luật, các tổ chức “xã hội đen” vẫn được cơ quan có thẩm quyền làm tốt. Hoạt động thu hồi nợ cũng ngày càng lành mạnh hơn. Bên có quyền có thể yên tâm ủy quyền cho các cá nhân và tổ chức thực hiệc việc thu hồi khoản nợ. Hy vọng bài viết này có ích với các độc giả
Trân trọng.