Trong vài năm trở lại đây, hàng loạt các hành vi lừa đảo của các đối tượng, tổ chức nước ngoài đã xảy ra các doanh nghiệp Việt Nam khi giao thương tại mọi thị trường, từ châu Phi, Ấn Độ đến các nước phát triển như Mỹ, Hà Lan, hay gần đây nhất là việc các doanh nghiệp Việt Nam bị lừa đảo 100 container hạt điều tại Italia. Việc này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình khôi phục kinh tế sau Covid-19 của nước ta và đồng thời là bài học đắt giá cho các doanh nghiệp Việt Nam khi bán hàng hóa cho các đối tác nước ngoài. Do đó, trong bài viết này, chúng tôi sẽ phân tích về hành vi lừa đảo trong các thương vụ quốc tế thông qua hình thức thanh toán D/P (Document against Payment).

1. Hình thức thanh toán D/P là gì?

Hình thức thanh toán D/P (Document against Payment) là hình thức mua bán mang các đặc điểm như sau:

  • Sau khi Bên mua và Bên bán ký kết Hợp đồng, Bên bán sẽ thực hiện giao hàng cho Bên mua thông qua bên vận chuyển trung gian, tuy nhiên, hàng hoá sẽ chỉ được giao về cảng tại quốc gia của Bên mua và do chưa có Bộ hồ sơ chứng từ hàng hoá nên Bên mua không thể lấy được hàng khi chưa thực hiện thanh toán.
  • Bên Bán sau đó sẽ bàn giao Bộ hồ sơ chứng từ hàng hoá cho Ngân hàng của Bên Bán, sau đó Ngân hàng Bên bán sẽ chuyển Bộ hồ sơ chứng từ hàng hoá từ Bên Bán cho Ngân hàng của Bên mua.
  • Sau khi Bên mua thanh toán đầy đủ giá trị Hợp đồng, Ngân hàng của Bên mua sẽ giao cho Bên mua bộ Hồ sơ chứng từ hàng hoá để Bên mua có thể sử dụng để làm thủ tục nhập hàng từ cảng.

Có thể thấy hình thức D/P có tính bảo mật cao khi quá trình thanh toán và giao Bộ hồ sơ chứng từ hàng hoá đều được thực hiện qua các Ngân hàng trung gian uy tín, tuy nhiên, hình thức thanh toán D/P cũng có những rủi ro nhất định. Vụ lừa đảo 100 container hạt điều thời gian gần đây là một ví dụ điển hình

2. Vụ lừa đảo 100 container hạt điều của doanh nghiệp Việt Nam tại Italia

Đối với vụ việc này, các bên đã thực hiện mua bán và thanh toán D/P. Hình thức lừa đảo của Bên mua được thực hiện như sau:

Về nguyên tắc của hình thức thanh toán D/P, sau khi Ngân hàng của Bên mua nhận được Bộ hồ sơ chứng từ hàng hoá từ Ngân hàng Bên Bán, nhưng nếu họ không thể liên hệ với Bên mua, hoặc khi Bên mua không thực hiện việc thanh toán tiền hàng đúng thời gian thanh toán tại Hợp đồng, thì Ngân hàng Bên Bán sẽ phải chuyển phát lại Bộ hồ sơ chứng từ thanh toán cho Ngân hàng Bên Bán. Sau đó, Bên Bán sẽ sử dụng Bộ hồ sơ chứng từ hàng hoá để đưa hàng trở lại Việt Nam.

Tuy nhiên, đối với vụ việc này, Ngân hàng Bên mua sau khi nhận được Bộ hồ sơ chứng từ hàng hoá từ Ngân hàng Bên Bán đã không liên hệ được với Bên mua tại Italia để đề nghị thanh toán giá trị lô hàng. Do đó, Ngân hàng Bên mua đã liên hệ với Bên Bán tại Việt Nam để hoàn trả lại Bộ hồ sơ chứng từ hàng hoá. Tuy nhiên sau khi nhận được Bộ hồ sơ chứng từ hàng hoá từ phía Ngân hàng Bên Bán, Bên mua xác định được rất nhiều Bộ hồ sơ chứng từ mà họ nhận được chỉ là bản sao hoặc thậm chí là giấy trắng, còn Bộ hồ sơ chứng từ hàng hoá gốc đã biến mất. Sau khi nhận ra các dấu hiệu lừa đảo tư Bên mua, các doanh nghiệp tại Việt Nam đã ngừng ngay việc xuất hàng sang Italia, tuy nhiên, 36 trên 100 container đã được các đơn vị vận tải giao thành công đến cảng Genova và Napoli tại Italia.

Có thể xác định rằng Bên mua đã thực hiện trót lọt các thủ đoạn để lừa đảo Ngân hàng Bên mua và thành công chiếm đoạt Bộ hồ sơ chứng từ hàng hoá kể cả khi họ chưa thanh toán tiền hàng. Việc lừa đảo nhiều khả năng có sự liên quan của các bộ phận chuyển phát và nội bộ nhân viên của Ngân hàng Bên mua.

Do đó, toàn bộ hàng hoá của Bên Bán đều đứng trước nguy cơ bị Bên mua chiếm đoạt, vì khi có Bộ hồ sơ chứng từ hàng hoá thì Bên mua hoàn toàn có thể rút lô hàng ra khỏi cảng.

Nhận thấy sự nghiêm trọng của vụ việc, Bộ Công Thương đã nhanh chóng chỉ đạo Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Italy đề nghị Cảnh sát Italia và Các cơ quan có thẩm quyền tại Italia hỗ trợ phong toả, không cho bất kỳ bên nào lấy 36 lô hàng ra khỏi cảng. Hiện nay, cơ quan chức năng của Việt Nam và Italia vẫn đang phối hợp để điều tra về vụ việc.

3. Bài học cho các doanh nghiệp Việt Nam

Vụ việc lừa đảo lần này tuy đã được kịp thời ngăn chặn, nhưng qua đó thể thấy sự “ngây thơ” của các doanh nghiệp Việt Nam trong môi trường kinh doanh toàn cầu có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng và khó lường.

Bằng kinh nghiệm trong quá trình làm việc, chúng tôi cho rằng những điều các doanh nghiệp Việt Nam cần thực hiện để hạn chế tối đa rủi ro trong hoạt động mua bán với các đối tác nước ngoài thông qua hình thức D/P bao gồm:

  • Xác minh chính xác năng lực của các bên môi giới, đồng thời cũng cần xác minh chính xác thông tin đối tác nước ngoài mà bên môi giới cung cấp. Và quan trọng nhất, các doanh nghiệp Việt Nam phải xác minh chính xác các thông tin của Bên mua trước khi tiến hành giao kết Hợp đồng để tránh việc sa vào các âm mưu lừa đảo tương tự vụ việc trên.
  • Doanh nghiệp Việt Nam nên cử người trực tiếp giao Bộ hồ sơ chứng từ thanh toán đến quốc gia Bên Mua và làm thủ tục tại Ngân hàng Bên Mua để hạn chế rủi ro bị mất Bộ hồ sơ chứng từ thanh toán.
  • Cuối cùng, khi có những dấu hiệu như: Ngân hàng Bên Mua không thể liên hệ với Bên Mua, Bên mua không thanh toán đúng thời hạn, hoặc Bên bán xác định được có khả năng bị lừa đảo, Bên bán cần trực tiếp sử dụng Bộ hồ sơ chứng từ thanh toán để rút lô hàng tại cảng nước ngoài về Việt Nam trong thời gian sớm nhất để tránh việc Bên mua lừa đảo có cơ hội chiếm đoạt lô hàng.

Trên đây là bài phân tích và cảnh báo về hình thức lừa đảo thông qua phương thức thanh toán D/P. Hy vọng bài viết này có ích cho hoạt động của các doanh nghiệp.

Trân trọng.

Có thể bạn chưa đọc Dịch vụ pháp lý thu hồi nợ đối với bên nợ là doanh nghiệp nước ngoài

Công ty Luật TNHH Quốc tế TNTP và Các Cộng sự

Luật sư: Nguyễn Thanh Hà

Email: ha.nguyen@tntplaw.com