Khi dịch Covid-19 bùng nổ, các nước trên thế giới đã có nhiều biện pháp khác nhau để đối phó. Tại Việt Nam, kể từ khi Thủ tướng Chính phủ công bố dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona gây ra ngày 01/02/2020, các biện pháp đã được áp dụng nhằm phòng tránh sự lây lan của dịch trong cộng đồng là đeo khẩu trang tại nơi công cộng, khuyến khích làm việc tại nhà và hạn chế đi ra ngoài đường, tránh tụ tập đông người, thực hiện rửa tay và sát khuẩn thường xuyên … Tuy nhiên, các ca nhiễm mới của Việt Nam vẫn tiếp tục xuất hiện. Do đó, để có thể phòng, chống dịch một cách triệt để, ngày 31/3/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg Về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 (“Chỉ thị 16”). Bài viết này sẽ đề cập đến trách nhiệm pháp lý của người dân khi ra ngoài đường trong khi cách ly xã hội để phòng, chống dịch Covid-19.
Theo chỉ thị này, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu mọi người dân ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết, thực hiện nghiêm việc giữ khoảng cách tối thiểu 2m khi giao tiếp, không tập trung quá 2 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và tại nơi công cộng. Ngoài ra, trong cuộc họp Thường trực Chính phủ, Thủ tướng đã nêu rõ mọi người dân phải thực hiện nghiêm Chỉ thị 16, ai không thực hiện sẽ bị xử phạt nghiêm, phê phán cá nhân, tập thể vi phạm. Thực hiện yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, trên thực tế đã có những trường hợp bị xử phạt do đi ra ngoài đường khi không cần thiết, vi phạm các quy định tại Chỉ thị 16. Tuy nhiên, có không ít người thắc mắc về cơ sở pháp lý để xử phạt hành vi ra ngoài khi không thật sự cần thiết.
Theo Điểm a Khoản 1 Điều 11 Nghị định số 176/2013/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế (“Nghị định 176”), người vi phạm quy định về áp dụng biện pháp chống dịch sẽ bị cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với hành vi: không thực hiện biện pháp bảo vệ cá nhân đối với người tham gia chống dịch và người có nguy cơ mắc bệnh dịch theo hướng dẫn của cơ quan y tế.
Trong đó, có thể hiểu người tham gia chống dịch là những cá nhân, cơ quan, tổ chức trực tiếp hoặc gián tiếp tham gia vào quá trình chống dịch như công an, cảnh sát, lực lượng vũ trang, các nhân viên y tế, các cán bộ lãnh đạo tại trung ương và địa phương, các đoàn thể và cá nhân, doanh nghiệp. Người có nguy cơ mắc bệnh dịch là bất kỳ người nào chưa mắc bệnh dịch nhưng có khả năng bị lây nhiễm và mắc bệnh, kể cả có tiếp xúc với người mắc bệnh dịch hay không, có cư trú, đi lại tại vùng dịch hay không, có các triệu chứng mắc bệnh dịch hay không. Như vậy, bất kỳ người nào không thực hiện đúng biện pháp bảo vệ cá nhân theo hướng dẫn của cơ quan y tế, cụ thể là ra ngoài đường khi không cần thiết và không thuộc các trường hợp quy định tại Chỉ thị 16 thì sẽ bị cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng.
Dựa vào những quy định trên, các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền hoàn toàn có căn cứ pháp lý để xử phạt vi phạm hành chính đối với những người ra ngoài đường trong khi cách ly xã hội mà không có lý do chính đáng như quy định trong Chỉ thị 16. Do đó, mỗi cá nhân và các tổ chức, doanh nghiệp cần phổ biến rõ các quy định cho người lao động trong tổ chức, doanh nghiệp của mình để thực hiện đúng Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, tránh để dịch bùng phát và lây lan trong cộng đồng.
Trân trọng.
Có thể bạn quan tâm đến: Các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng do dịch COVID-19 được hưởng sự hỗ trợ của Ngân hàng như thế nào?
Tham gia Fanpage Giải quyết tranh chấp và Thu hồi nợ để có thêm thông tin pháp lý bổ ích.
Công ty Luật TNHH Quốc tế TNTP và Các Cộng sự
Tầng 4, Số 200 Phố Nguyễn Lương Bằng, Phường Quang Trung, Quận Đống Đa, Hà Nội
Luật sư Nguyễn Thanh Hà
Email: ha.nguyen@tntplaw.com