Trong lĩnh vực xây dựng, quá trình thực hiện hợp đồng có thể gặp phải nhiều yếu tố không lường trước được, đặc biệt là các sự kiện bất khả kháng như thiên tai, chiến tranh, dịch bệnh, hoặc các sự kiện ngoài tầm kiểm soát của con người. Khi một sự kiện bất khả kháng xảy ra, các bên tham gia hợp đồng xây dựng có thể gặp khó khăn trong việc tiếp tục thực hiện nghĩa vụ, dẫn đến khả năng vi phạm hợp đồng. Bài viết này sẽ phân tích các khía cạnh pháp lý của việc xử lý vi phạm hợp đồng xây dựng trong trường hợp gặp điều kiện bất khả kháng, bao gồm định nghĩa, quy định pháp luật hiện hành, các biện pháp xử lý và hậu quả pháp lý liên quan.
1. Khái niệm và đặc điểm của sự kiện bất khả kháng
Theo quy định tại Điều 156 Bộ luật Dân sự 2015 sự kiện bất khả kháng là các sự kiện xảy ra một các khách quan ngoài tầm kiểm soát của các bên tham gia hợp đồng và không thể lường trước hoặc ngăn ngừa được, ngay cả khi đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết. Trong pháp luật về lĩnh vực xây dựng, bất khả kháng được quy định tại Khoản 2 Điều 21 Thông tư 02/2023-TT-BXD, các yếu tố bất khả kháng có thể bao gồm: Thiên tai, sự cố môi trường, địch họa, hỏa hoạn, và các yếu tố bất khả kháng khác.
Dựa trên định nghĩa trên và theo quy định của pháp luật có thể xác định đặc điểm của sự kiện bất khả kháng trong hợp đồng xây dựng bao gồm:
• Sự kiện xảy ra một cách khách quan: Các bên không thể lường trước sự kiện này trong quá trình ký kết hợp đồng.
• Hậu quả không thể dự đoán trước: Tại thời điểm giao kết hợp đồng các bên không thể lường trước được hậu quả xảy ra.
• Không thể khắc phục: Hậu quả của sự kiện không thể khắc phục mặc dù các bên đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết trong khả năng.
2. Quy định pháp luật về bất khả kháng trong hợp đồng xây dựng
Khi xảy ra sự kiện bất khả kháng, bên bị ảnh hưởng phải thông báo bằng văn bản cho bên kia trong thời gian sớm nhất có thể. Đồng thời, theo quy định tại Điều 141 Luật Xây dựng 2014 và Khoản 4 Điều 51 Nghị định 37/2015/NĐ-CP quy định về việc các bên phải thỏa thuận về nội dung xử lý bất khả kháng trong hợp đồng đã giao kết.
Luật Xây dựng 2015 và các văn bản pháp luật trong lĩnh vực xây dựng không quy định về việc được miễn trừ trách nhiệm khi xảy ra sự kiện bất khả kháng. Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Nghị định 37/2015/NĐ-CP thì hợp đồng xây dựng là hợp đồng dân sự. Do đó, có thể xem xét áp dụng quy định tại Khoản 2 Điều 351 Bộ luật Dân sự 2015, bên có nghĩa vụ thực hiện hợp đồng không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho bên còn lại khi xủa ra sự kiện bất khả kháng. Tuy nhiên, để có thể miễn trừ trách nhiệm do bất khả kháng, bên bị ảnh hưởng phải chứng minh được rằng:
• Sự kiện bất khả kháng thực sự là nguyên nhân dẫn đến việc không thể thực hiện nghĩa vụ.
• Đã thông báo cho bên còn lại về sự kiện bất khả kháng và tác động của nó đến việc thực hiện hợp đồng.
Ngoài ra, trong một số hợp đồng xây dựng mẫu cũng có các điều khoản về xử lý bất khả kháng, quy định rõ thời gian gia hạn hoặc các biện pháp khắc phục khi xảy ra sự kiện này. Các điều khoản này thường là một phần quan trọng trong hợp đồng, đảm bảo các bên hiểu rõ trách nhiệm và quyền lợi của mình trong trường hợp có sự cố bất khả kháng xảy ra.
3. Các biện pháp xử lý vi phạm hợp đồng trong trường hợp bất khả kháng
Trong lĩnh vực xây dựng, khi gặp phải điều kiện bất khả kháng dẫn đến việc vi phạm hợp đồng, các bên có thể thỏa thuận về việc điều chỉnh hợp đồng xây dựng. Tuy nhiên, nguyên tắc của việc điều chỉnh hợp đồng xây dựng đó là chỉ được áp dụng trong thời gian thực hiện hợp đồng bao gồm vả thời gian được gia hạn thực hiện hợp đồng theo quy định pháp luật. Các phương án xử lý khi xảy ra vi phạm hợp đồng dựng do sự kiện bất khả kháng như sau:
• Điều chỉnh thời gian thực hiện hợp đồng: Các bên có thể thỏa thuận để gia hạn thời gian thực hiện hợp đồng trong thời gian sự kiện bất khả kháng diễn ra. Việc này đảm bảo rằng hợp đồng sẽ tiếp tục sau khi sự kiện chấm dứt.
• Điều chỉnh phạm khối lượng: Trong một số trường hợp, các bên có thể thỏa thuận điều chỉnh lại khối lượng công việc sao cho phù hợp với điều kiện thực tế sau khi sự kiện bất khả kháng xảy ra.
• Điều chỉnh tiến độ thực hiện hợp đồng: Trong trường hợp sự kiện bất khả kháng ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ thực hiện của dự án, các bên có thể thỏa thuận điều chỉnh lại tiến độ nhằm phù hợp với tình hình thực tế.
• Điều chỉnh giá hợp đồng: Trong trường hợp điều kiện bất khả kháng gây ra sự thay đổi lớn về chi phí thực hiện dự án, các bên có thể thỏa thuận điều chỉnh lại giá hợp đồng để phản ánh chi phí thực tế phát sinh.
• Chấm dứt hợp đồng: Trong trường hợp sự kiện bất khả kháng kéo dài quá lâu và không thể khắc phục, các bên có quyền chấm dứt hợp đồng. Việc này thường được thực hiện khi không còn cách nào khác để đảm bảo quyền lợi và nghĩa vụ của các bên. Quy trình chấm dứt cần tuân thủ quy định pháp luật và các điều khoản trong hợp đồng để tránh phát sinh các tranh chấp.
4. Hậu quả pháp lý khi chấm dứt hợp đồng do bất khả kháng
Khi hợp đồng xây dựng bị chấm dứt do điều kiện bất khả kháng, các bên cần tiến hành thanh toán các khoản đã hoàn thành theo đúng điều khoản hợp đồng trước khi sự kiện bất khả kháng xảy ra. Đồng thời, việc giải quyết các tài sản, công việc dở dang, và bồi thường cho chi phí phát sinh trong thời gian thực hiện hợp đồng cần được thực hiện theo thỏa thuận.
• Trách nhiệm về thiệt hại: Trong hầu hết các trường hợp, các bên không có trách nhiệm bồi thường thiệt hại khi có sự kiện bất khả kháng dẫn đến chấm dứt hợp đồng.
• Giải quyết tranh chấp: Nếu có bất đồng về cách thức xử lý bất khả kháng, các bên có thể đưa vụ việc ra tòa án hoặc trọng tài để được giải quyết.
Xử lý vi phạm hợp đồng xây dựng trong trường hợp điều kiện bất khả kháng đòi hỏi sự linh hoạt và tuân thủ chặt chẽ các quy định pháp luật cũng như các điều khoản đã thỏa thuận trong hợp đồng. Các bên cần chủ động thông báo, ghi nhận và thống nhất biện pháp xử lý nhằm giảm thiểu rủi ro phát sinh. Trong mọi trường hợp, một hợp đồng rõ ràng, chặt chẽ về quyền lợi và trách nhiệm của các bên khi gặp bất khả kháng sẽ là nền tảng vững chắc giúp giải quyết tranh chấp một cách hiệu quả.
Trên đây là bài viết “Xử lý vi phạm hợp đồng xây dựng trong trường hợp gặp sự kiện bất khả kháng” mà TNTP gửi đến Quý độc giả. TNTP hi vọng bài viết này giúp ích cho Quý độc giả.
Trân trọng,