Trong thời gian gần đây, dự luận đặc biệt quan tâm đến sự kiện Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (“UBCKNN”) đã ban hành quyết định thu hồi 9 đợt phát hành trái phiếu của 3 công ty con thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh. Ngay sau khi có Quyết định này, Tân Hoàng Minh đã phản hồi rằng trường hợp một trong các đợt phát hành này phải hủy bỏ theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước thì Tân Hoàng Minh sẽ làm việc với doanh nghiệp phát hành trái phiếu, cơ quan quản lý nhà nước để hoàn trả lại số tiền đã huy động cho khách hàng theo đúng quy định pháp luật. Vậy nhà đầu tư có thể làm gì để thu hồi khoản tiền đầu tư từ việc mua trái phiếu của Tân Hoàng Minh?

1. Trước tiên, chúng ta cần xem xét liệu rằng việc 09 đợt phát hành trái phiếu bị hủy có dẫn đến hợp đồng bảo đảm giữa Tân Hoàng Minh và các đơn vị quản lý tài sản bảo đảm có bị vô hiệu hay không?

Về bản chất, trái phiếu là giống như một dạng hợp đồng vay, doanh nghiệp phát hành trái phiếu để huy động vốn vay từ những người mua trái phiếu (nhà đầu tư) với mục đích tài trợ cho hoạt động kinh doanh của mình. Đổi lại, doanh nghiệp sẽ phải trả lãi cho nhà đầu tư trong khoảng thời gian định kỳ được xác định trước (thường là hàng năm hoặc nửa năm một lần) và trả lại khoản gốc vào ngày đáo hạn để chấm dứt việc nợ. Việc doanh nghiệp phát hành trái phiếu có tài sản bảo đảm sẽ đảm bảo được rủi ro khi doanh nghiệp không thanh toán được lãi và khoản gốc cho nhà đầu tư.

Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp phát hành trái phiếu nhưng không có tài sản bảo đảm. Căn cứ theo quy định tại Khoản 1 Điều 5 Nghị định 153/2020/NĐ-CP quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế, theo đó, doanh nghiệp huy động vốn trái phiếu riêng lẻ theo nguyên tắc tự vay, tự trả, tự chịu trách nhiệm, cơ quan quản lý nhà nước không cấp phép phát hành. Từ đó có thể thấy rằng Luật Chứng khoán 2019 cùng với Nghị định 153/2020/NĐ-CP hiện vẫn còn nhiều “lỗ hổng” trong quy định liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ không có tài sản đảm bảo hay tài sản bảo đảm có chất lượng không cao.

Có thể dễ dàng nhận thấy, đối với trường hợp của Tân Hoàng Minh, hầu hết số tiền thu được từ các đợt huy động trái phiếu có khả năng cao đã được Tân Hoàng Minh sử dụng cho việc đầu tư vào các dự án của mình. Do đó, việc xử lý dòng tiền hoàn trả cho các nhà đầu tư đã mua trái phiếu trong 09 đợt trái phiếu bị hủy sẽ phụ thuộc vào việc xử lý tài sản bảo đảm của Tân Hoàng Minh khi phát hành trái phiếu.

Đối với các đợt phát hành trái phiếu, Tân Hoàng Minh đều có tài sản bảo đảm và có đơn vị đứng ra tổ chức, quản lý tài sản bảo đảm. Trong trường hợp này, hợp đồng về việc quản lý tài sản bảo đảm sẽ được coi là hợp đồng phụ đối với giao dịch mua bán trái phiếu giữa Tân Hoàng Minh và nhà đầu tư. Căn cứ theo Khoản 2 Điều 407 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về Hợp đồng vô hiệu, theo đó, sự vô hiệu của hợp đồng chính làm chấm dứt hợp đồng phụ, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận hợp đồng phụ được thay thế hợp đồng chính. Quy định này không áp dụng đối với biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ. Do đó, mặc dù 09 đợt phát hành trái phiếu của Tân Hoàng Minh bị hủy bỏ nhưng hợp đồng về tổ chức, quản lý tài sản bảo đảm giữa Tân Hoàng Minh và đơn vị tổ chức, quản lý tài sản bảo đảm vẫn còn hiệu lực. Như vậy, việc 09 đợt trái phiếu của Tân Hoàng Minh bị hủy bỏ không dẫn đến việc hợp đồng bảo đảm giữa Tân Hoàng Minh và các đơn vị quản lý tài sản bảo đảm bị vô hiệu.

2. Vậy nhà đầu tư có thể làm gì để thu hồi khoản tiền đầu tư từ việc mua trái phiếu của Tân Hoàng Minh? Có 02 phương án nhà đầu tư có thể áp dụng.

– Thứ nhất, trường hợp tài sản bảo đảm của Tân Hoàng Minh là những tài sản rất khó đoán định khả năng thanh toán như cổ phần, quyền sử dụng đất, quyền tài sản phát sinh từ hợp đồng hợp tác đầu tư,… hoặc khả năng thanh toán của tài sản bảo đảm của Tân Hoàng Minh là không cao.

Trong trường hợp này, sau khi hết thời hạn 60 ngày kể từ ngày UBCKNN quyết định áp dụng thu hồi 9 đợt phát hành trái phiếu, Tân Hoàng Minh chưa tiến hành thanh toán khoản lãi và gốc cho nhà đầu tư thì nhà đầu tư có quyền yêu cầu toà án mở thủ tục phá sản căn cứ theo quy định tại Khoản 1 Điều 5 Luật phá sản 2014. Tuy nhiên, trường hợp này chỉ áp dụng khi nhà đầu tư không có bảo đảm hoặc chỉ được bảo đảm một phần. Sau khi được toà án chấp nhận yêu cầu mở thủ tục phá sản, tài sản của doanh nghiệp sẽ được phân chia theo thứ tự như chi phí phá sản, khoản nợ lương, trợ cấp, khoản nợ phát sinh sau khi mở thủ tục phá sản nhằm mục đích phục hồi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, nghĩa vụ tài chính đối với nhà nước, khoản nợ không có bảo đảm phải trả cho chủ nợ, khoản nợ có bảo đảm chưa được thanh toán do giá trị tài sản không đủ thanh toán nợ. Như vậy, trường hợp hết thời hạn thanh toán khoản nợ theo quy định, Tân Hoàng Minh không thực hiện việc thanh toán khoản nợ và nhà đầu tư không có bảo đảm hoặc có bảo đảm một phần thì nhà đầu tư có quyền yêu cầu toà án mở thủ tục phá sản.

– Thứ hai, yêu cầu các đơn vị tổ chức, quản lý tài sản bảo đảm xử lý tài sản bảo đảm của Tân Hoàng Minh đối với từng đợt phát hành trái phiếu. Trường hợp tài sản thế chấp thuộc sở hữu của Tân Hoàng Minh và có thể xử lý được thì khi đó, nhà đầu tư có thể yêu cầu đơn vị tổ chức, quản lý tài sản bảo đảm xử lý tài sản bảo đảm của Tân Hoàng Minh để thanh toán khoản lãi và gốc tiền đầu tư.

Như vậy, việc nắm rõ thông tin về trái phiếu là cách duy nhất để hạn chế rủi ro cho các nhà đầu tư khi tham gia thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Nhà đầu tư cần hết sức lưu ý nguyên tắc cơ bản là lãi suất càng cao thì rủi ro càng lớn. Do đó, nhà đầu tư cần phải hết sức thận trọng khi đánh giá rủi ro trước khi quyết định mua trái phiếu doanh nghiệp nhằm hạn chế những tình huống có thể xảy ra trong việc phải “chạy theo” xử lý hậu quả của các doanh nghiệp phát hành trái phiếu sai quy định. Đồng thời, nhà đầu tư có thể đảm bảo được quyền và lợi ích của mình khi tham gia giao dịch mua bán trái phiếu.

Trên đây là chia sẻ kiến thức pháp lý của TNTP trả lời cho câu hỏi “Trái phiếu Tân Hoàng Minh bị hủy bỏ: Làm thế nào để thu hồi khoản tiền đầu tư?. Hy vọng bài viết sẽ giúp ích cho công việc của các độc giả.

Trân trọng.

Có thể bạn chưa đọc Lối đi nào cho cổ phiếu hag của hoàng anh gia lai?

Công ty Luật TNHH Quốc tế TNTP và Các Cộng sự

Tầng 6, Số 200 Nguyễn Lương Bằng, Phường Quang Trung, Quận Đống Đa, Hà Nội

Luật sư Nguyễn Thanh Hà

Email: ha.nguyen@tntplaw.com