Trong quá trình thực hiện hợp đồng xây dựng, do một hoặc hai bên không thực hiện đúng quy định tại hợp đồng mà tranh chấp có thể diễn ra. Các loại tranh chấp thường xảy ra do tăng chi phí dự án, không đảm bảo tiến độ thi công, thay đổi thiết kế, thanh toán không đúng hạn và không đảm bảo các nội dung về an toàn trong quá trình thực hiện hợp đồng. Khi tranh chấp phát sinh, sau khi các bên thương lượng, hòa giải không hiệu quả, các bên có thể áp dụng một trong hai phương pháp sau để giải quyết các tranh chấp: Tòa án hoặc Trọng tài. Trong bài viết này, TNTP sẽ phân tích về ưu điểm và nhược điểm của hai phương pháp này, từ đó các bên có thể xác định phương pháp nào là phù hợp trong việc giải quyết tranh chấp hợp đồng xây dựng.
1. Về tính hiệu quả
Đối với việc giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài thương mại, các bên có thể tự do lựa chọn Trọng tài viên để giải quyết tranh chấp. Trọng tài viên có thể là những chuyên gia trong lĩnh vực xây dựng mà không cần phải là người làm việc trong lĩnh vực pháp luật. Do am hiểu về lĩnh vực xây dựng nên những chuyên gia này có thể hiểu và đánh giá vấn đề tranh chấp một cách chính xác và tường tận, giúp giải quyết tranh chấp một cách thấu tình, đạt lý.
Ngoài ra, Tòa án tại Việt Nam có thể gặp khó khăn trong việc giải quyết các tranh chấp hợp đồng có yếu tố nước ngoài. Các khó khăn đến từ ngôn ngữ, pháp luật dùng để giải thích và điều chỉnh hợp đồng không phải là pháp luật Việt Nam, sự khác biệt về tập quán thực hiện công việc, giải thích hợp đồng và về kiến thức chuyên môn đối với lĩnh vực xây dựng. Trong khi đó, do được lựa chọn Trọng tài viên giải quyết tranh chấp nên việc giải quyết bằng Trọng tài thương mại có thể giúp tranh chấp được giải quyết chính xác và nhanh chóng hơn.
2. Về vấn đề thủ tục và thuận tiện
Thủ tục tố tụng trong Trọng tài đơn giản và linh hoạt hơn tại Tòa án, ví dụ như thời gian tổ chức phiên họp giải quyết tranh chấp có thể được sắp xếp để thuận tiện cho các bên. Sự linh hoạt này cho phép tranh chấp được giải quyết nhanh hơn, giảm thiểu được sự gián đoạn trong quá trình kinh doanh của các bên, cũng như các chi phí liên quan khi vụ kiện bị kéo dài quá lâu.
3. Về chi phí
Chi phí tố tụng tại Trọng tài lớn hơn so với Tòa án. Phí Trọng tài không chỉ bao gồm chi phí để trả thù lao cho các Trọng tài viên giải quyết vụ tranh chấp mà còn bao gồm chi phí đi lại, ở và các chi phí có liên quan khác của các Trọng tài viên giải quyết,… (các loại chi phí mà khi giải quyết tranh chấp tại Tòa án sẽ không phải nộp). Trong khi đó, nếu tranh chấp được giải quyết ở Tòa án, các bên chỉ cần trả án phí, lệ phí và chi phí tố tụng khác theo quy định của pháp luật (thường thấp hơn so với phí tại Trọng tài). Tuy nhiên, do Trọng tài thường giải quyết tranh chấp nhanh hơn so với Tòa án nên các bên sẽ giảm được công sức, thời gian, tiền bạc khi khởi kiện tại Tòa án.
4. Về vấn đề bảo mật và giải quyết tranh chấp riêng tư
So với Tòa án, cơ chế giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài thương mại có tính bảo mật và riêng tư hơn. Tại Việt Nam, Tòa án hầu hết xét xử công khai và bản án/quyết định của Tòa án có thể được công khai trên Cổng thông tin điện tử của Tòa án nhân dân tối cao. Ngược lại, khi giải quyết tại Trọng tài, tất cả các thông tin, tài liệu liên quan đến tranh chấp, phán quyết của Trọng tài được giữ bí mật, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác. Trong lĩnh vực xây dựng, việc đảm bảo các bí mật thương mại sẽ bảo vệ được lợi thế cạnh tranh và duy trì các mối quan hệ của các bên tranh chấp với khách hàng, cũng như giảm thiểu được các rủi ro ảnh hưởng về uy tín của các bên tranh chấp.
5. Về tính chung thẩm của phán quyết trong Trọng tài
Trường hợp không đồng ý với một phần hoặc toàn bộ bản án/quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm, các bên có quyền kháng cáo để tiếp tục xét xử theo cấp phúc thẩm. Trường hợp không đồng ý với bản án/quyết định của Tòa án cấp phúc thẩm, các bên có thể tiếp tục yêu cầu Tòa án có thẩm quyền giám đốc thẩm, tái thẩm bản án/quyết định khi có căn cứ.
Trong khi đó, phán quyết Trọng tài là chung thẩm và có hiệu lực kể từ ngày ban hành. Tương tự với bản án/quyết định của tòa án, bên được thi hành phán quyết Trọng tài có quyền làm đơn yêu cầu Cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền thi hành phán quyết Trọng tài. Tuy nhiên, khi có đơn yêu cầu của một bên, phán quyết Trọng tài có thể bị Tòa án có thẩm quyền tuyên hủy nếu thuộc một trong các trường hợp quy định trong Luật Trọng tài thương mại 2010 như: Không có thoả thuận Trọng tài hoặc thỏa thuận Trọng tài vô hiệu, Thành phần Hội đồng Trọng tài, thủ tục tố tụng Trọng tài không phù hợp với thoả thuận của các bên hoặc trái với các quy định của Luật Trọng tài thương mại 2010,… Khi phán quyết Trọng tài bị hủy, các bên buộc phải tiếp tục giải quyết tranh chấp lại từ đầu bằng các phương thức như thương lượng, hòa giải, Tòa án hoặc Trọng tài, tùy vào sự thỏa thuận của các bên.
Như vậy, tùy vào hoàn cảnh của các bên tranh chấp, mục đích giải quyết tranh chấp,… các bên có thể lựa chọn phương pháp giải quyết phù hợp với mình. Trên đây là bài viết của TNTP về chủ đề: “Tòa án hay Trọng tài thương mại – phương pháp nào tối ưu trong việc giải quyết tranh chấp hợp đồng xây dựng?”. Mong rằng bài viết này đem lại giá trị cho các cá nhân, tổ chức trong quá trình thực hiện hợp đồng xây dựng.
Trân trọng,