Giai đoạn thi hành án dân sự đóng vai trò rất quan trọng đối với việc thu hồi nợ, vì khi đó, cơ quan thi hành án là cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ có đủ nguồn lực và nhân lực để thực hiện các biện pháp thi hành án buộc bên nợ phải thực hiện nghĩa vụ thanh toán khoản nợ theo đúng quyết định, bản án có hiệu lực pháp luật của Tòa án hoặc Trung tâm Trọng tài. Trong bài viết này, hãy cùng TNTP tìm hiểu trình tự thi hành án đối với bên nợ.
1. Hướng dẫn quyền yêu cầu thi hành án dân sự
Khi ra bản án, quyết định, Toà án, Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh, Trọng tài thương mại phải giải thích cho đương sự, đồng thời ghi rõ trong bản án, quyết định về quyền yêu cầu thi hành án, nghĩa vụ thi hành án, thời hiệu yêu cầu thi hành án.
Sau khi bản án, quyết định của tòa án có hiệu lực pháp luật phải được cơ quan, tổ chức và mọi công dân tôn trọng. Theo đó, doanh nghiệp, đặc biệt là bên nợ trong phạm vi trách nhiệm của mình phải chấp hành nghiêm chỉnh bản án, quyết định và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc thi hành án.
2. Cấp bản án, quyết định cho đương sự
Sau khi bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật thì Toà án, Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh, Trọng tài thương mại đã ra bản án, quyết định được quy định tại Điều 2 của Luật thi hành án dân sự phải cấp cho đương sự bản án, quyết định có ghi “Để thi hành”. Khi đó, nguyên đơn có thể tiến hành gửi bản án, quyết định này kèm theo Hồ sơ đề nghị cơ quan thi hành án thi hành bản án, quyết định.
3. Chuyển giao bản án, quyết định theo đúng trình tự thi hành án
Tùy từng loại bản án, quyết định mà Toà án đã ra bản án, quyết định phải chuyển giao cho cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền ngay sau khi ra quyết định hoặc trong thời hạn 15 – 30 ngày, kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật.
4.Thủ tục sau khi ra quyết định thi hành án
Thủ tục Thi hành án chủ động
Trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày nhận được bản án, quyết định, Thủ trưởng cơ quan thi hành án phải ra quyết định thi hành án đối với các trường hợp sau:
- Hình phạt tiền, truy thu tiền, tài sản thu lợi bất chính, án phí;
- Trả lại tiền, tài sản cho đương sự;
- Tịch thu sung quỹ nhà nước, tịch thu tiêu huỷ vật chứng, tài sản;
- Thu hồi quyền sử dụng đất và tài sản khác thuộc diện sung quỹ nhà nước;
- Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời.
Trong thời hạn 24 giờ, kể từ khi nhận được quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời do Toà án chuyển giao hoặc do đương sự giao trực tiếp, Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự phải ra quyết định thi hành án và phân công Chấp hành viên tổ chức thi hành.
Thủ tục Thi hành án theo yêu cầu
Thời hạn tự nguyện thi hành án là 10 ngày kể từ ngày người phải thi hành án nhận được hoặc được thông báo hợp lệ quyết định thi hành án. Hết thời hạn trên nhưng người phải thi hành án có điều kiện thi hành án nhưng không tự nguyện thi hành án sẽ bị cưỡng chế thi hành án.
Trong trường hợp người phải thi hành án không thực hiện nghĩa vụ của mình theo nội dung bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật thì người có được thi hành án có quyền nộp Đơn đề nghị thi hành án. Khi đó, thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự sẽ ra quyết định thi hành án, cơ quan thi hành án sau đó sẽ thực hiện việc xác định điều kiện thi hành án, và cưỡng chế thi hành án theo đúng trình tự thi hành án pháp luật quy định.
Pháp luật hiện hành không quy định cụ thể thời gian thi hành xong một vụ tranh chấp nợ, bởi vì tùy trường hợp mà khả năng thu hồi nợ sẽ tiến hành nhanh hoặc chậm. Doanh nghiệp muốn việc thu hồi nợ diễn ra nhanh chóng, hiệu quả cần chủ động thu thập thông tin, điều kiện thi hành án của bên nợ và cung cấp cho cơ quan thi hành án. Bên cạnh đó cần tìm sự tư vấn của các đơn vị có chuyên môn pháp luật để đảm bảo quyền lợi của mình.
Trân trọng,