Trong xu hướng kinh tế toàn cầu hóa hiện nay, các doanh nghiệp Việt Nam ngày càng có nhiều đối tác quốc tế hợp tác kinh doanh trong nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên trong quá trình hợp tác, các bên sẽ không tránh khỏi những tranh chấp thương mại có thể phát sinh. Khi đó, các bên thông thường sẽ lựa chọn giải quyết tranh chấp tại Trọng tài, tùy thuộc vào quy định của Hợp đồng hợp tác kinh doanh mà Trọng tài giải quyết tranh chấp có thể là Trọng tài nước ngoài. Như vậy, trường hợp tranh chấp được giải quyết và đã được Trọng tài nước ngoài ban hành phán quyết, phán quyết này có được Tòa án tại Việt Nam công nhận và cho thi hành tại Việt Nam hay không? Trong bài viết này, luật sư của TNTP và các bạn đọc sẽ cùng tìm hiểu các quy định liên quan việc thẩm quyền của tòa án tại Việt Nam trong việc công nhận và cho thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài tại Việt Nam.

1. Trọng tài nước ngoài là gì

Theo quy định tại Khoản 11 Điều 4 Luật Trọng tài thương mại quy định: Trọng tài nước ngoài là Trọng tài được thành lập theo quy định của pháp luật trọng tài nước ngoài do các bên thỏa thuận lựa chọn để tiến hành giải quyết tranh chấp ở ngoài lãnh thổ Việt Nam hoặc trong lãnh thổ Việt Nam.

Như vậy, khác với Trọng tài thương mại tại Việt Nam, trọng tài nước ngoài được thành lập theo quy định của pháp luật trọng tài nước ngoài do các bên thỏa thuận, việc giải quyết tranh chấp bằng trọng tài nước ngoài có thể ở ngoài lãnh thổ Việt Nam hoặc trong lãnh thổ Việt Nam.

2. Thời hiệu yêu cầu công nhận và cho thi hành phán quyết của Trọng tài nước ngoài

Theo quy định tại Điều 432 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015, theo đó thời hiệu để công nhận và cho thi hành phán quyết của Trọng tài nước ngoài là 03 năm, kể từ ngày phán quyết của Trọng tài nước ngoài có hiệu lực pháp luật, trừ trường hợp người làm đơn chứng minh được vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan mà không thể gửi đơn đúng hạn nêu trên thì thời gian có sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan đó không tính vào thời hạn gửi đơn yêu cầu.

Như vậy, phán quyết của Trọng tài nước ngoài được Tòa án Việt Nam công nhận và cho thi hành tại Việt Nam “có hiệu lực pháp luật” sẽ như quyết định của Tòa án tại Việt Nam có hiệu lực pháp luật. Đồng thời, khi Tòa án được yêu cầu công nhận phán quyết của Trọng tài nước ngoài, Tòa án không chỉ được yêu cầu công nhận hiệu lực pháp lý của phán quyết, mà còn phải đảm bảo phán quyết đó được thi hành.

3. Điều kiện để công nhận và cho thi hành phán quyết của Trọng tài nước ngoài

Theo quy định tại Điều 424 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015, phán quyết của Trọng tài nước ngoài được xem xét công nhận và cho thi hành tại Việt Nam khi:

• Phán quyết của Trọng tài nước ngoài mà nước đó và Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam cùng là thành viên của điều ước quốc tế về công nhận và cho thi hành phán quyết của Trọng tài nước ngoài;

• Phán quyết của Trọng tài nước ngoài không thuộc trường hợp quy định trên này trên cơ sở nguyên tắc có đi có lại.

Phán quyết của Trọng tài nước ngoài theo quy định trên được xem xét công nhận và cho thi hành tại Việt Nam là phán quyết cuối cùng của Hội đồng trọng tài giải quyết toàn bộ nội dung vụ tranh chấp, chấm dứt tố tụng trọng tài và có hiệu lực thi hành.

Như vậy, có thể thấy Tòa án tại Việt Nam không được xét xử lại tranh chấp đã được Trọng tài nước ngoài ban hành phán quyết, mà chỉ được kiểm tra phán quyết của Trọng tài nước ngoài, giấy tờ, tài liệu kèm theo đơn yêu cầu một cách cẩn trọng và kỹ lưỡng để làm cơ sở cho việc ban hành quyết định công nhận hoặc không công nhận phán quyết đó.

4. Thủ tục yêu cầu công nhận và cho thi hành phán quyết của Trọng tài nước ngoài tại Việt Nam

(i) Người có quyền nộp đơn yêu cầu

Người được thi hành hoặc người đại diện hợp pháp của họ có quyền yêu cầu Tòa án Việt Nam công nhận và cho thi hành tại Việt Nam phán quyết của Trọng tài nước ngoài khi:

• Cá nhân phải thi hành cư trú, làm việc tại Việt Nam;
• Cơ quan, tổ chức phải thi hành có trụ sở chính tại Việt Nam;
• Tài sản liên quan đến việc thi hành phán quyết của Trọng tài nước ngoài có tại Việt Nam vào thời điểm yêu cầu.

(ii) Hình thức và nội dung đơn yêu cầu:

• Đơn yêu cầu công nhận và cho thi hành phán quyết của Trọng tài nước ngoài phải được làm bằng tiếng Việt hoặc nếu làm bằng tiếng nước ngoài thì phải gửi kèm bản dịch ra tiếng Việt được công chứng, chứng thực hợp pháp.
• Đơn yêu cầu phải có các nội dung sau:

– Họ, tên, địa chỉ nơi cư trú hoặc nơi làm việc của người được thi hành, người đại diện hợp pháp tại Việt Nam của người đó; nếu người được thi hành án là cơ quan, tổ chức thì phải ghi đầy đủ tên và địa chỉ trụ sở chính của cơ quan, tổ chức đó;
– Họ, tên, địa chỉ nơi cư trú hoặc nơi làm việc của người phải thi hành; nếu người phải thi hành là cơ quan, tổ chức thì ghi đầy đủ tên và địa chỉ trụ sở chính của cơ quan, tổ chức đó; trường hợp người phải thi hành là cá nhân không có nơi cư trú hoặc nơi làm việc tại Việt Nam, người phải thi hành là cơ quan, tổ chức không có trụ sở chính tại Việt Nam thì trong đơn yêu cầu phải ghi rõ địa chỉ nơi có tài sản và các loại tài sản liên quan đến việc thi hành phán quyết của Trọng tài nước ngoài tại Việt Nam;
– Yêu cầu của người được thi hành.

(iii) Giấy tờ, tài liệu kèm theo

• Gửi kèm theo đơn yêu cầu là giấy tờ, tài liệu quy định tại điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên; trường hợp không có điều ước quốc tế hoặc điều ước quốc tế không quy định thì kèm theo đơn yêu cầu phải có giấy tờ, tài liệu sau đây:

– Bản chính hoặc bản sao có chứng thực phán quyết của Trọng tài nước ngoài;
– Bản chính hoặc bản sao có chứng thực thỏa thuận Trọng tài giữa các bên.

• Giấy tờ, tài liệu kèm theo đơn yêu cầu bằng tiếng nước ngoài thì phải được gửi kèm theo bản dịch ra tiếng Việt, được công chứng, chứng thực hợp pháp.

Một lần nữa, người được thi hành phán quyết lưu ý rằng thời hạn nộp đơn yêu cầu công nhận và cho thi hành phán quyết của Trọng tài nước ngoài là 03 năm kể từ ngày phán quyết của Trọng tài nước ngoài có hiệu lực hoặc do sự kiện bất khả kháng hoặc cản trợ khách quan thì thời gian có sự kiện bất khả kháng hoặc cản trợ khách quan sẽ không được tính thời thời hạn nộp đơn. Trường hợp hết thời hạn theo quy định, người được thi hành án sẽ không được tiếp nhận đơn yêu cầu.

5. Tòa án tại Việt Nam có thẩm quyền công nhận và cho thi hành phán quyết của Trọng tài nước ngoài

Căn cứ Khoản 5 Điều 31, điểm c Khoản 2 Điều 35, điểm b Khoản 1 Điều 37 và điểm e Khoản 2 Điều 39 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 thì Tòa án có thẩm quyền thụ lý và giải quyết việc công nhận và cho thi hành phán quyết của Trọng tài nước ngoài tại Việt Nam là Tòa án nhân dân cấp tỉnh nơi doanh nghiệp Việt Nam có trụ sở hoặc Tòa án nhân dân cấp tỉnh nơi có tài sản liên quan đến việc thi hành phán quyết của Trọng tài nước ngoài.

Đối chiếu với quy định tại Bộ luật tố tụng dân sự 2015 về thẩm quyền của Tòa án có thể thấy việc Tòa án có thẩm quyền thụ lý và giải quyết việc công nhận và cho thi hành phán quyết của Trọng tài nước ngoài tại Việt Nam là Tòa án nhân dân cấp tỉnh là phù hợp. Vì theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự 2015, Tòa án nhân dân cấp tỉnh là tòa án có thẩm quyền giải quyết các tranh chấp có yếu tố nước ngoài. Điều này cũng phù hợp với nhu cầu và khả năng thực tiễn khi so với các Tòa án nhân dân cấp huyện thì các Tòa án nhân dân cấp tỉnh sẽ có đội ngũ cán bộ với khả năng chuyên môn và điều kiện cơ sở vật chất tốt hơn, giúp cho việc công nhận và cho thi hành phán quyết của Trọng tài nước ngoài tại Việt Nam được đảm bảo cả về mặt thời gian xử lý và cả nội dung của phán quyết có phù hợp hay không để được công nhận và thi hành tại Việt Nam.

Trên đây là chia sẻ của chuyên gia TNTP về “Thẩm quyền của tòa án tại Việt Nam trong việc công nhận và cho thi hành phán quyết của Trọng tài nước ngoài tại Việt Nam”. Hy vọng bài viết này sẽ giúp ích cho các bạn đọc.

Trân trọng,