Trong quá trình thực hiện giao dịch dân sự, hợp đồng, một bên có thể phát sinh nợ đối với bên còn lại. Khi đó, bên còn lại có quyền yêu cầu bên nợ thực hiện nghĩa vụ thanh toán khi khoản nợ đó đến hạn. Tuy nhiên, trên thực tế, việc yêu cầu một bên trả nợ không dễ dàng. Do đó, trong bài viết dưới đây, TNTP sẽ phân tích bài viết với nội dung “Quyền yêu cầu trả nợ và các biện pháp để chủ nợ thực hiện quyền yêu cầu trả nợ”.

1. Quyền yêu cầu trả nợ là gì?

Trước khi đi sâu tìm hiểu quyền yêu cầu trả nợ, chúng ta cần hiểu rõ khái niệm nợ. Về cơ bản, nợ được hiểu là khoản tiền mà một bên phải thanh toán hoặc hoàn trả cho bên kia, phát sinh từ các giao dịch dân sự hoặc hợp đồng mà hai bên đã xác lập.

Quyền yêu cầu trả nợ là một dạng quyền yêu cầu trong quan hệ nghĩa vụ dân sự. Quyền yêu cầu trả nợ là quyền pháp lý của chủ nợ nhằm yêu cầu bên nợ thực hiện nghĩa vụ thanh toán dựa trên thỏa thuận hoặc quy định pháp luật.

2. Một số biện pháp để chủ nợ thực hiện quyền yêu cầu trả nợ

Trong quá trình thu hồi nợ, phía chủ nợ có thể chủ động thực hiện một số biện pháp sau để thực hiện quyền yêu cầu trả nợ của mình:

2.1. Chủ nợ đôn đốc và nhắc nhở bên nợ

• Khi đối tác có dấu hiệu vi phạm nghĩa vụ trả nợ, chủ nợ có thể liên hệ nhắc nhở và yêu cầu họ thực hiện nghĩa vụ trả nợ theo thỏa thuận. Nội dung thông báo nên nêu rõ: Tổng số tiền cần thanh toán; Thời hạn phải thực hiện nghĩa vụ; Hậu quả pháp lý nếu không trả nợ theo thỏa thuận.

• Nếu bên nợ gặp khó khăn tài chính nhưng thể hiện thiện chí, chủ nợ có thể xem xét, cân nhắc gia hạn thời gian trả nợ hoặc giảm lãi suất. Động thái này có thể khuyến khích bên nợ trả một phần hoặc toàn bộ khoản nợ trong thời gian ngắn hơn.

2.2. Chủ nợ lựa chọn và tiến hành các biện pháp giải quyết tranh chấp

Khi xảy ra tranh chấp trong quá trình thu hồi nợ, chủ nợ có thể lựa chọn các phương thức giải quyết tranh chấp sau:

• Thương lượng: Các bên có thể thảo luận và giải quyết trực tiếp thông qua việc trao đổi công văn hoặc tổ chức họp trực tiếp.

• Hòa giải: Đây là phương thức giải quyết tranh chấp với sự tham gia của bên thứ ba làm trung gian hỗ trợ, thuyết phục để các bên cùng tìm kiếm điểm chung về lợi ích và thống nhất phương án giải quyết.

• Tòa án, Trọng tài: Chủ nợ có thể yêu cầu Tòa án/Trọng tài giải quyết tranh chấp cũng như yêu cầu bên nợ thanh toán khoản nợ. Sau khi có Bản án/Quyết định hoặc Phán quyết, bên nợ không thực hiện nghĩa vụ trả nợ thì sẽ bị cưỡng chế bằng quyền lực nhà nước.

Lưu ý: Để giải quyết tranh chấp tại Trọng tài, các bên phải có thỏa thuận trước trong hợp đồng hoặc thỏa thuận bằng văn bản trước hoặc sau khi tranh chấp phát sinh.

3. Các yếu tố tác động tới kết quả thu hồi nợ

Quá trình thu nợ và kết quả thu hồi nợ bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố, bao gồm:

• Khả năng tài chính và khả năng thanh toán khoản nợ của bên nợ: Nếu bên nợ không có doanh thu, tài sản và không có khả năng thanh toán khoản nợ, quá trình thu hồi nợ có thể tốn nhiều thời gian và công sức hơn.

• Thái độ của bên nợ: Trường hợp bên nợ không hợp tác, thiếu thiện chí, chủ nợ cũng sẽ khó khăn để yêu cầu họ tuân thủ nghĩa vụ trả nợ.

• Năng lực của tổ chức thu hồi nợ: Năng lực của tổ chức thu hồi nợ cũng ảnh hưởng tới kết quả thu hồi nợ. Một tổ chức thu hồi nợ chuyên nghiệp có thể hỗ trợ chủ nợ nhanh chóng thu hồi khoản nợ.

Ngoài ra, chính sách pháp lý và việc áp dụng thống nhất các quy định của các cơ quan nhà nước cũng đóng vai trò quyết định hiệu quả thu hồi nợ.

4. Lưu ý khi chủ nợ thực hiện quyền yêu cầu trả nợ

• Tài liệu chứng minh nghĩa vụ nợ: Chủ nợ cần lưu giữ đầy đủ các tài liệu như hợp đồng, biên bản giao nhận, hóa đơn hoặc văn bản, công văn trao đổi làm căn cứ pháp lý.

• Tuân thủ pháp luật: Sử dụng biện pháp pháp luật cho phép như xử lý tài sản thế chấp, yêu cầu người bảo lãnh thực hiện bảo lãnh,… Đồng thời, chủ nợ không được xâm phạm tới tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của bên nợ.

Tóm lại, quyền yêu cầu trả nợ là quyền hợp pháp của chủ nợ phát sinh khi bên nợ không thực hiện đúng nghĩa vụ trả nợ. Tuy nhiên, để quá trình thu hồi nợ diễn ra hiệu quả, chủ nợ cần áp dụng các biện pháp thu hồi nợ được pháp luật cho phép một cách phù hợp và linh hoạt.

Trên đây là nội dung bài viết “Quyền yêu cầu trả nợ và các biện pháp để chủ nợ thực hiện quyền yêu cầu trả nợ” mà TNTP gửi đến quý độc giả. Hi vọng bài viết hữu ích đối với những ai đang quan tâm đến vấn đề này.

Trân trọng,