Hợp đồng là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự. Hợp đồng bao gồm rất nhiều loại như hợp đồng mua bán tài sản, hợp đồng vay tài sản, hợp đồng hợp tác, hợp đồng dịch vụ, hợp đồng nhượng quyền thương mại,… Tùy thuộc vào mong muốn của các bên trong quan hệ hợp đồng, thông tin thực tế, loại hợp đồng dự định giao kết,… mà nội dung trong các hợp đồng sẽ khác nhau. Tuy nhiên, khi soạn thảo bất kỳ loại hợp đồng nào, người soạn thảo cần dựa trên quy trình nhất định để người soạn thảo lường trước được những rủi ro và không bỏ sót những nội dung cần có trong hợp đồng. Trong bài viết dưới đây, TNTP sẽ trình bày những nội dung cơ bản về quy trình soạn thảo hợp đồng mà các bên có thể tham khảo áp dụng.
1. Tìm hiểu chi tiết về nội dung cần soạn thảo
Một hợp đồng tốt là hợp đồng có thể triển khai trên thực tế. Do vậy, trước khi soạn thảo hợp đồng, việc đầu tiên người soạn thảo cần thực hiện là trao đổi để khai thác thông tin từ người đề xuất, người yêu cầu soạn thảo hoặc người trực tiếp đàm phán, ký kết, thực hiện hợp đồng, người hiểu rõ về nội dung cần soạn thảo (Gọi chung là “khách hàng”). Thông tin cần trao đổi bao gồm i) Thông tin về khách hàng và bên còn lại trong quan hệ hợp đồng; ii) Vị trí trong hợp đồng của khách hàng (bên bán hay bên mua; bên cung ứng dịch vụ hay bên sử dụng dịch vụ;…); iii) Mong muốn, mục đích của khách hàng về tổng thể của hợp đồng và những yêu cầu cụ thể trong từng điều khoản; iv) Các thông tin về đối tượng của hợp đồng; v) Quá trình triển khai hợp đồng trên thực tế;… Quá trình trao đổi thông tin này sẽ bắt đầu từ thời điểm người soạn thảo bắt đầu triển khai công việc và chỉ kết thúc khi khách hàng đồng ý với toàn bộ nội dung trong hợp đồng.
2. Xác định loại hợp đồng cần soạn thảo
Sau khi trao đổi và biết được các thông tin từ khách hàng, người soạn thảo sẽ xác định loại hợp đồng cần soạn thảo và đặc trưng của loại hợp đồng này. Việc xác định chính xác loại hợp đồng cần soạn thảo rất quan trọng, bởi lẽ mỗi loại hợp đồng có những đặc trưng riêng và có những điều khoản khác biệt. Khi xác định được loại hợp đồng cần soạn thảo, người soạn thảo sẽ xác định được khung hợp đồng cơ bản, những điều khoản bắt buộc, những điều khoản nên có, những điều khoản mấu chốt và ảnh hưởng chủ đạo đến toàn bộ hợp đồng, những rủi ro có thể gặp phải,…
3. Xác định đối tượng của hợp đồng
Đối tượng của hợp đồng là những gì các bên hướng tới để đạt được thông qua hợp đồng. Ví dụ, trong hợp đồng mua bán, đối tượng của hợp đồng là hàng hóa mà bên bán muốn bán và bên mua muốn mua; trong hợp đồng dịch vụ, đối tượng của hợp đồng là dịch vụ của bên cung ứng cho bên sử dụng dịch vụ. Nếu không xác định chính xác và đầy đủ về đối tượng của hợp đồng thì người soạn thảo khó có thể tạo lập được hợp đồng vì không thể xác định được quyền và nghĩa vụ của các bên trong quan hệ đó. Người soạn thảo phải ghi rõ đối tượng của hợp đồng để đảm bảo việc thực hiện hợp đồng theo đúng thỏa thuận. Cùng là hợp đồng mua bán nhưng loại hàng hóa khác nhau thì mối quan tâm của các bên trong hợp đồng mua bán cũng khác nhau, dẫn đến nội dung trong hợp đồng sẽ có sự khác biệt. Ví dụ, đối với loại hàng hóa là thực phẩm, bên mua thường sẽ quan tâm đến nguồn gốc, xuất xứ của hàng hóa; vệ sinh, an toàn của hàng hóa; cách thức bảo quản hàng hóa;… đối với loại hàng hóa là phần mềm, bên mua thường sẽ quan tâm đến yếu tố sở hữu trí tuệ, cách thức sử dụng, bảo mật thông tin,…
4. Phân tích pháp luật điều chỉnh hợp đồng
Sau khi xác định được loại hợp đồng và đối tượng của hợp đồng, người soạn thảo phải kiểm tra các quy định của pháp luật có liên quan. Việc tìm hiểu và phân tích các quy định pháp luật sẽ giúp người soạn thảo hiểu các vấn đề như: tính hiệu lực của hợp đồng, các quyền và nghĩa vụ của các bên trong quan hệ hợp đồng;… Người soạn thảo cần đối chiếu yêu cầu của khách hàng với quy định pháp luật để xác định yêu cầu này có phù hợp với quy định pháp luật hay không, từ đó điều chỉnh các yêu cầu này phù hợp với quy định pháp luật. Người soạn thảo cần lưu ý việc tuân thủ quy định pháp luật không đồng nghĩa với việc “copy” toàn bộ điều khoản trong luật vào hợp đồng. Người soạn thảo cần điều chỉnh quy định pháp luật để phù hợp với thực tế ký kết của các bên.
Trên đây là bài viết “Quy trình soạn thảo hợp đồng”. Chúng tôi hi vọng bài viết sẽ có ích đối với các bạn.
Trân trọng,