Biện pháp khẩn cấp tạm thời là biện pháp do tòa án quyết định áp dụng nhằm giải quyết các tình thế cấp bách trong vụ việc dân sự. Thủ tục áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trong tố tụng dân sự được hiểu là việc tòa án tiến hành trình tự theo đúng quy định pháp luật để đưa ra quyết định áp dụng biện pháp này. Trong phạm vi bài viết này, TNTP sẽ tập trung phân tích thủ tục áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trong tố tụng dân sự.
1. Áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trong giai đoạn chuẩn bị xét xử
Tại giai đoạn này, thủ tục áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời được thực hiện như sau:
Bước 1: Người yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời (sau đây gọi tắt là “người yêu cầu”) nộp đơn yêu cầu và tài liệu, chứng cứ kèm theo cho Tòa án có thẩm quyền
Khi nhận thấy cần có sự can thiệp ngay của Tòa án bằng việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, người đại diện hợp pháp của đương sự hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện vụ án cần nộp đơn yêu cầu đến Tòa án có thẩm quyền.
Đơn yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời (sau đây gọi tắt là “đơn yêu cầu”) cần cung cấp các thông tin cơ bản sau:
– Thời gian viết đơn;
– Tên và địa chỉ của người yêu cầu, người bị yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, người có quyền và lợi ích hợp pháp cần được bảo vệ (nếu có).
– Nội dung đơn phải tóm tắt tranh chấp hoặc hành vi xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, đồng thời nêu rõ lý do cần thiết áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời.
– Biện pháp khẩn cấp tạm thời đề nghị được áp dụng.
Cùng với đơn yêu cầu, người yêu cầu cần nộp đầy đủ các tài liệu, chứng cứ liên quan nhằm chứng minh tính cần thiết và hợp pháp của việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời.
Bước 2: Tòa án tiếp nhận, xem xét yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời
a. Trường hợp người yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời nộp đơn yêu cầu cùng thời điểm nộp đơn khởi kiện, kể cả trường hợp Tòa án nhận đơn yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời ngoài thời gian làm việc hành chính
– Ngay sau khi tiếp nhận đơn yêu cầu, cán bộ tiếp nhận đơn phải báo cáo ngay để Chánh án Tòa án phân công 01 Thẩm phán thụ lý, xem xét, giải quyết đơn yêu cầu.
– Trong thời hạn 48 giờ kể từ thời điểm được phân công, Thẩm phán có trách nhiệm thụ lý, xem xét đơn yêu cầu và các tài liệu, chứng cứ kèm theo để xác định các vấn đề sau:
– Nếu xác định Tòa án không có thẩm quyền giải quyết vụ án thì phải trả lại đơn khởi kiện, đơn yêu cầu và chứng cứ kèm theo người khởi kiện.
– Nếu xác định Tòa án nơi nhận đơn khởi kiện không có thẩm quyền thụ lý đơn khởi kiện thì phải chuyển ngay đơn khởi kiện, đơn yêu cầu và chứng cứ kèm theo cho Tòa án có thẩm quyền.
– Nếu xác định Tòa án nơi nhận đơn khởi kiện có thẩm quyền thụ lý đơn khởi kiện thì Thẩm phán tiếp tục xem xét giải quyết đơn yêu cầu.
b. Trường hợp người yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời nộp đơn yêu cầu trong quá trình giải quyết vụ án
– Trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày tiếp nhận đơn yêu cầu, Thẩm phán được phân công thụ lý, giải quyết vụ án phải xem xét đơn và các chứng cứ kèm theo chứng minh cho sự cần thiết phải áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đó.
– Thẩm phán phải yêu cầu người có yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn yêu cầu nếu hình thức, nội dung đơn chưa tuân thủ quy định pháp luật.
– Thẩm phán phải yêu cầu người có yêu cầu bổ sung chứng cứ để xác định các điều kiện áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời.
– Trong trường hợp cần thiết, Thẩm phán có thể tiến hành các hoạt động xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đối với yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời.
Bước 3: Buộc người yêu cầu thực hiện biện pháp bảo đảm
Nếu người yêu cầu thuộc trường hợp phải thực hiện biện pháp bảo đảm thì Thẩm phán phải thông báo ngay bằng văn bản cho người yêu cầu biết để thực hiện biện pháp bảo đảm. Người yêu cầu phải thực hiện ngay biện pháp bảo đảm và gửi cho Tòa án các tài liệu, chứng cứ chứng minh đã thực hiện đúng biện pháp bảo đảm theo yêu cầu của Tòa án. Thời hạn thực hiện biện pháp bảo đảm không được vượt quá thời hạn xem xét, giải quyết yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của Thẩm phán.
Nếu người yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời thuộc trường hợp không phải thực hiện biện pháp bảo đảm thì Thẩm phán phải xem xét, giải quyết áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời.
Bước 4: Quyết định áp dụng hoặc không áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời
Sau khi xem xét các điều kiện áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, Thẩm phán phải ban hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời và gửi ngay cho cơ quan thi hành án dân sự, viện kiểm sát cùng cấp và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời. Trường hợp không chấp nhận yêu cầu thì Thẩm phán phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do cho người yêu cầu.
2. Áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời tại phiên tòa
Trường hợp Hội đồng xét xử nhận đơn yêu cầu tại phiên tòa, ngay khi tiếp nhận đơn yêu cầu thì Hội đồng xét xử phải xem xét, thảo luận, giải quyết ngay tại phòng xử án, giải quyết theo các trường hợp như sau:
– Nếu chấp nhận yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời và người yêu cầu không phải thực hiện biện pháp bảo đảm thì Hội đồng xét xử ra ngay quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời;
– Nếu có căn cứ áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời và người yêu cầu phải thực hiện biện pháp bảo đảm thì Hội đồng xét xử ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời ngay sau khi người đó xuất trình chứng cứ đã thực hiện xong biện pháp bảo đảm;
– Nếu tài liệu, chứng cứ chứng minh cho sự cần thiết áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời chưa đầy đủ, Hội đồng xét xử tạm ngừng phiên tòa trong thời hạn 02 ngày làm việc và đề nghị người yêu cầu cung cấp bổ sung chứng cứ;
– Nếu không chấp nhận yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời thì Hội đồng xét xử phải thông báo ngay cho người yêu cầu tại phòng xử án và phải được ghi vào biên bản phiên tòa.
Trên đây là bài viết “Quy định về thủ tục áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời trong tố tụng dân sự” mà TNTP gửi đến độc giả. Hy vọng bài viết này sẽ có ích với bạn.
Trân trọng.