Tổ chức lại doanh nghiệp không chỉ là hoạt động của doanh nghiệp nhằm tái cơ cấu, mà còn là công cụ để doanh nghiệp đáp ứng mục tiêu và định hướng phát triển của mình. Tuy nhiên, để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người lao động, đối tác và các bên liên quan, việc tổ chức lại doanh nghiệp phải tuân thủ các quy định pháp luật cụ thể. Điều này đảm bảo rằng quá trình tái cấu trúc không gây tổn hại hoặc xâm phạm quyền lợi của những bên liên quan. Căn cứ theo Điều 4.31 Luật Doanh nghiệp 2020 (“LDN 2020”), tổ chức lại doanh nghiệp bao gồm các hình thức tổ chức lại như chia, tách, hợp nhất, sáp nhập hoặc chuyển đổi loại hình doanh nghiệp. Trong phạm vi bài viết này, để giúp doanh nghiệp hiểu rõ và lựa chọn hình thức phù hợp nhất, TNTP sẽ tập trung phân tích quy định Pháp luật điều chỉnh về hình thức tổ chức lại doanh nghiệp: chia và tách doanh nghiệp.

1. Chia doanh nghiệp

Chia doanh nghiệp là hình thức tổ chức lại doanh nghiệp, theo đó, một doanh nghiệp được chia thành hai hay nhiều doanh nghiệp mới và chấm dứt sự tồn tại của doanh nghiệp cũ hay doanh nghiệp bị chia.

Hiện nay, LDN 2020 không quy định về chia doanh nghiệp mà chỉ quy định về chia công ty. Theo đó, khoản 1 Điều 198 LDN 2020 quy định công ty trách nhiệm hữu hạn (“công ty TNHH”), công ty cổ phần (“CTCP”) có thể chia các tài sản, quyền và nghĩa vụ, thành viên, cổ đông của công ty hiện có để thành lập hai hoặc nhiều công ty mới.

Theo quy định hiện hành thì chỉ công ty TNHH và CTCP mới có thể chia công ty. Điều 198 LDN 2020 quy định về chia công ty như sau:

– Về cách thức tiến hành: Công ty TNHH, CTCP sẽ tiến hành chia các tài sản, quyền và nghĩa vụ, thành viên, cổ đông của công ty hiện có để thành lập hai hoặc nhiều công ty mới.

Theo đó, dựa vào cách thức phân chia, chuyển đổi phần vốn góp, cổ phần của công ty bị chia sang các công ty mới tại Nghị quyết, Quyết định chia công ty, số lượng thành viên, cổ đông và số lượng, tỷ lệ sở hữu cổ phần, phần vốn góp của thành viên, cổ đông và vốn điều lệ của các công ty mới sẽ được quyết định.

– Về thời điểm công ty bị chia chấm dứt tồn tại: Là sau khi các công ty mới được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

– Về kế thừa, chuyển giao các quyền và nghĩa vụ pháp lý: Các công ty mới đương nhiên kế thừa toàn bộ quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp được phân chia theo Nghị quyết, Quyết định của doanh nghiệp.

Đồng thời, đối với các nghĩa vụ đã phát sinh trước khi chia công ty, các công ty mới phải cùng liên đới chịu trách nhiệm (về nghĩa vụ, các khoản nợ chưa thanh toán, hợp đồng lao động và nghĩa vụ tài sản khác) hoặc thỏa thuận với chủ nợ, khách hàng và người lao động để một trong số các công ty mới đại diện thực hiện nghĩa vụ.

2. Tách doanh nghiệp

Về khái niệm, tách doanh nghiệp là việc một doanh nghiệp được tách thành hai hay nhiều doanh nghiệp mà không chấm dứt sự tồn tại của doanh nghiệp bị tách.

Khác với hình thức chia doanh nghiệp, khi tách doanh nghiệp, doanh nghiệp mới ra đời, song song tồn tại và độc lập với doanh nghiệp bị tách. Đồng thời, một bộ phận vốn, tài sản, thành viên được chuyển sang công ty được tách nhưng doanh nghiệp cũ vẫn tiếp tục tồn tại, song có giảm về quy mô.

LDN 2020 và các văn bản hướng dẫn cũng không quy định về tách doanh nghiệp mà chỉ quy định với tách công ty. Theo đó, khoản 1 Điều 199 LDN 2020 quy định công ty TNHH, CTCP có thể tách bằng cách chuyển một phần tài sản, quyền, nghĩa vụ, thành viên, cổ đông của công ty hiện có để thành lập một hoặc một số công ty TNHH, CTCP mới mà không chấm dứt tồn tại của công ty bị tách. Từ đây, tương tự với quy định về tách công ty, có thể hiểu, chỉ công ty TNHH và CTCP có thể tổ chức lại doanh nghiệp bằng hình thức chia doanh nghiệp.

Điều 198 LDN 2020 quy định về chia công ty như sau:

– Về cách thức tiến hành: Công ty TNHH, CTCP có thể chuyển một phần tài sản, quyền, nghĩa vụ, thành viên, cổ đông của công ty hiện có để thành lập một hoặc một số công ty TNHH, CTCP mới mà không chấm dứt tồn tại của công ty bị tách.

– Về thủ tục: Do hậu quả pháp lý của việc tách công ty là một công ty mới được thành lập, độc lập với công ty cũ nên cần tách biệt rõ vốn, thành viên, cổ đông giữa công ty cũ và công ty mới nên pháp luật quy định công ty bị tách có nghĩa vụ thực hiện thủ tục tách như sau:

(1) Đối với các công ty được tách, các công ty được tách phải được đăng ký doanh nghiệp; và
(2) Công ty bị tách phải đăng ký thay đổi vốn điều lệ, số lượng thành viên, cổ đông tương ứng với phần vốn góp, cổ phần và số lượng thành viên, cổ đông giảm xuống (nếu có).

– Về việc kế thừa quyền và nghĩa vụ: Các công ty được tách sẽ kế thừa toàn bộ quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp được phân chia theo Nghị quyết, Quyết định của doanh nghiệp.

Riêng đối với nghĩa vụ đã phát sinh trước khi tách công ty, sau khi đăng ký doanh nghiệp, công ty bị tách và công ty được tách phải cùng liên đới chịu trách nhiệm về các nghĩa vụ, các khoản nợ chưa thanh toán, hợp đồng lao động và nghĩa vụ tài sản khác của công ty bị tách, trừ trường hợp công ty bị tách, công ty được tách, chủ nợ, khách hàng và người lao động của công ty bị tách đạt được các thỏa thuận khác.

Trên đây là bài viết “Pháp luật điều chỉnh về hình thức tổ chức lại doanh nghiệp: Chia, Tách Doanh nghiệp” mà TNTP gửi đến quý độc giả. Hi vọng bài viết hữu ích đối với những ai đang quan tâm đến vấn đề này.

Trân trọng,