Thu hồi nợ luôn là một vấn đề quan trọng đối với doanh nghiệp để có thể đảm bảo tài chính ổn định. Tuy nhiên để nâng cao khả năng thu hồi công nợ thì doanh nghiệp cần có kiến thức để biết được khoản nợ nào dễ và khó để có phương án thu hồi phù hợp. Trong bài viết dưới đây, luật sư của TNTP sẽ đưa ra các quan điểm để tư vấn cho các doanh nghiệp cách nhận biết những khoản nợ dễ thu hồi trong lĩnh vực xây dựng.
1. Các khoản nợ mà bên nợ hợp tác thanh toán
Thái độ thiện chí của bên nợ là điều quan trọng để thu hồi được khoản nợ đầy đủ và nhanh chóng. Để nhận ra thiện chí muốn thanh toán của bên nợ cũng rất đơn giản khi doanh nghiệp chỉ cần đưa ra yêu cầu thanh toán khi đến hạn, nếu bên nợ có thiện chí thanh toán sẽ nhanh chóng tiến hành trả nợ, hoặc nếu không thể thực hiện thanh toán ngay thì bên nợ sẽ cam kết về lộ trình thanh toán khoản nợ.
Tuy nhiên, việc bên nợ hợp tác thanh toán ngay khi doanh nghiệp yêu cầu là điều rất hiếm và chỉ có thể thực hiện khi bên nợ có khả năng tài chính ổn định để đảm bảo thanh toán nhanh chóng khoản nợ. Do đó nếu xác định được khoản nợ nào mà bên nợ hợp tác thanh toán thì doanh nghiệp nên tập trung để yêu cầu thanh toán càng sớm càng tốt.
2. Bên nợ có hoạt động kinh doanh ổn định
Điều kiện tiên quyết để bên nợ có khả năng thanh toán khoản nợ nhanh chóng là phải có khả năng tài chính tốt, khi đó, doanh nghiệp cần xác định được khả năng tài chính của bên nợ để tập trung yêu cầu bên nợ thanh toán. Thông thường một bên nợ kinh doanh ổn định sẽ có các đặc điểm như sau:
– Nguồn thu của bên nợ dồi dào, thường xuyên đẩy mạnh phát triển kinh doanh
– Trụ sở, nhà máy của bên nợ hoạt động ổn định với số lượng nhân viên không bị biến động
– Ít xảy ra các tranh chấp phát sinh liên quan đến công nợ
Trong trường hợp xác định được bên nợ vẫn có hoạt động kinh doanh ổn định thì doanh nghiệp cần chủ động đưa ra yêu cầu thanh toán vì khi đó bên nợ sẽ dễ dàng có khả năng thanh toán nhanh chóng khoản nợ. Thậm chí trong trường hợp bên nợ không thiện chí thanh toán thì doanh nghiệp vẫn hoàn toàn có thể khởi kiện vụ việc để yêu cầu các cơ quan có thẩm quyền buộc bên nợ phải thanh toán, với việc bên nợ hoạt động ổn định thì các cơ quan nhà nước sẽ dễ dàng tiến hành các biện pháp cưỡng chế thi hành án để thu hồi khoản nợ.
3. Khoản nợ mà các bên đã có đối chiếu công nợ
Đối chiếu công nợ là tài liệu xác nhận và liệt kê các khoản công nợ giữa các bên để xác định khoản tiền cuối cùng mà bên nợ có nghĩa vụ phải thanh toán với xác nhận của bên nợ. Đây là tài liệu quan trọng để tiến hành các việc thu hồi nợ mà một khi doanh nghiệp đã buộc bên nợ xác nhận thì quá trình thu hồi công nợ sẽ thuận lợi hơn rất nhiều.
Những khoản nợ mà bên nợ đã xác nhận vào đối chiếu công nợ sẽ có khả năng thu hồi cao hơn, vì khi bên nợ đã thừa nhận giá trị khoản nợ thì khi đó doanh nghiệp có đủ căn cứ để yêu cầu thanh toán dựa trên số liệu tại biên bản đối chiếu công nợ. Việc thừa nhận tại đối chiếu công nợ thể hiện qua xác nhận bởi chữ ký của đại diện các bên và được đóng dấu, do đó có giá trị chứng minh rõ ràng nghĩa vụ phải thanh toán của bên nợ.
4. Khoản nợ mới phát sinh
Khoảng thời gian từ 01 đến 03 tháng kể từ thời điểm phát công nợ là thời điểm vàng để thu hồi nợ. Khi đó, quá trình tiến hành các biện pháp thu hồi nợ sẽ đơn giản do bên nợ thường chưa phát sinh các vấn đề trong hoạt động kinh doanh, và việc xác định giá trị khoản nợ cũng như thu thập các tài liệu, chứng cứ sẽ dễ dàng hơn rất nhiều so với việc để khoản nợ kéo dài. Ngoài ra, do khoản nợ mới phát sinh nên việc đối chiếu, xác nhận công nợ giữa các bên sẽ đơn giản do số liệu sổ sách chưa bị tồn đọng quá lâu dẫn đến việc khó theo dõi, xác minh khoản nợ. Như vậy, một khoản nợ mới sẽ thuận lợi hơn cho quá trình chuẩn bị và tiến hành các công việc thu hồi nợ, do đó doanh nghiệp cần ưu tiên thu hồi các khoản nợ mới này càng sớm càng tốt để hạn chế các rủi ro về sau.
Trên đây là chia sẻ của luật sư TNTP về chủ đề: “Những khoản nợ nào là dễ thu hồi trong lĩnh vực xây dựng?”. Mong rằng bài viết này đem lại giá trị cho các độc giả.
Trân trọng,