Phát sinh tranh chấp và công nợ là một trong những vấn đề không tránh khỏi trong quá trình hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Thay vì chủ động hạn chế rủi ro qua hệ thống hỗ trợ pháp lý từ khi thành lập, nhiều doanh nghiệp chỉ tìm đến sự hỗ trợ từ các văn phòng luật sư khi xảy ra tranh chấp hoặc công nợ khó đòi.
Từ năm 2019 đến nay, do dịch bệnh Covid-19 kéo dài, diễn biến phức tạp đã tác động nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của hầu hết doanh nghiệp ở các lĩnh vực. Các công ty hầu như bị hạn chế tiếp cận thị trường, khách hàng, chuỗi cung ứng bị gián đoạn, nhiều lao động phải nghỉ việc dẫn đến doanh thu giảm mạnh. Nhiều công ty, tập đoàn trong nước lâm vào tình trạng phá sản và giải thể do doanh thu không đáp ứng được hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực của mình. Do đó, có thể thấy dịch bệnh Covid-19 cũng là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng phát sinh công nợ khó đòi và xảy ra tranh chấp trong thời gian qua.
Đồng thời, trong thời kỳ hội nhập quốc tế như hiện nay, Việt Nam đã ký kết nhiều Hiệp ước thương mại và tham gia các tổ chức kinh tế quốc tế, dẫn đến việc pháp luật về kinh doanh ngày càng trở lên phức tạp. Do đó, nhiều doanh nghiệp không hiểu rõ về pháp lý bị rơi vào trạng thái bị động, lúng túng, không xử lý kịp thời dẫn đến việc phát sinh tranh chấp và công nợ.
Một điều dễ nhận thấy nhất là doanh nghiệp không lường trước được những rủi ro có thể xảy ra khi giao kết hợp đồng và không đảm bảo được quyền và lợi ích hợp pháp của mình khi tham gia giao kết hợp đồng. Từ đó, khi không hiểu rõ được quy định của luật pháp dẫn đến việc phát sinh tranh chấp, công nợ, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động kinh doanh của cả bộ máy.
Nguyên nhân tiếp theo dẫn đến tình trạng ngày càng nhiều tranh chấp, công nợ phát sinh trong quá trình hoạt động kinh doanh là do thói quen không tuân thủ quy ước giữa hai bên của nhiều công ty. Trong quá trình hoạt động kinh doanh và giao kết hợp đồng có nhiều doanh nghiệp hiểu và có kiến thức về pháp luật, tuy nhiên, một số trường hợp vì lợi ích kinh tế đã có những hành vi làm trái pháp luật dẫn đến việc tranh chấp phát sinh.
Thực tế cho thấy, hiện nay vẫn còn nhiều doanh nghiệp chưa nhận thấy được vai trò quan trọng của các văn phòng luật sư trong quá trình hoạt động nên thiếu sự quan tâm đầu tư. Ngay trong quá trình dự toán chi phí kinh doanh, doanh nghiệp cũng không có dự trù tài chính cho việc tư vấn pháp luật.
Bên cạnh đó, đối với các công ty vừa và nhỏ thì chi phí thuê một văn phòng luật sư hoặc luật sư để tư vấn trong quá trình hoạt động kinh doanh cũng là một vấn đề cần phải cân nhắc. Nhiều doanh nghiệp có tâm lý sợ chi phí cao và chất lượng tư vấn của các văn phòng luật sư còn hạn chế.
Khi phát sinh tranh chấp giữa các doanh nghiệp đòi hỏi cần phải được giải quyết một cách minh bạch và hiệu quả. Bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các chủ thể, góp phần ngăn chặn sự vi phạm pháp luật trong hoạt động của các doanh nghiệp, bảo đảm trật tự pháp luật, kỷ cương xã hội. Trong đó, sự hiểu biết về pháp luật đối với việc xảy ra tranh chấp và phát sinh công nợ là cơ sở để các văn phòng luật sư tư vấn hỗ trợ công ty về pháp lý trong hoạt động kinh doanh, bảo đảm môi trường pháp lý rõ ràng cho chủ thể tham gia các mối quan hệ kinh tế với nhau.
Như vậy, có thể nhận thấy trong thời gian vừa qua, đặc biệt là trong thời kì đại dịch Covid–19 vẫn đang diễn biến phức tạp tại Việt Nam, tình trạng ngày càng xảy ra nhiều tranh chấp, công nợ phát sinh trong quá trình hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Do đó, các công ty cần lưu ý, tìm hiểu rõ các quy định của pháp luật trước khi tiến hành giao kết hợp đồng, những rủi ro có thể xảy ra nhằm đảm bảo tối đa quyền và lợi ích của mình. Ngoài ra, các doanh nghiệp có thể lựa chọn phương án hỗ trợ, tư vấn từ các văn phòng luật sư trong quá trình kinh doanh của mình để đạt được hiệu quả cao.
Nhằm nâng cao tính cấp thiết của các văn phòng luật sư hiện nay đối với các doanh nghiệp trong việc hỗ trợ giải quyết tranh chấp và thu hồi công nợ, chuyên trang Diễn đàn Pháp luật – Tạp chí Đời sống & Pháp luật sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc trong bài tiếp theo. Luật sư Nguyễn Thanh Hà, giám đốc Công ty luật TNHH quốc tế TNTP và các cộng sự sẽ cùng đồng hành và chia sẻ về vấn đề này.