Trong hoạt động kinh doanh hiện nay, một trong những nguyên nhân chính dẫn đến việc doanh nghiệp khó kiểm soát dòng tiền và ảnh hưởng đến lợi nhuận là việc phát sinh công nợ. Vậy đâu là những nguyên nhân gây phát sinh công nợ thường gặp? Trong bài viết này, luật sư của TNTP sẽ đưa ra quan điểm về những nguyên nhân gây phát sinh công nợ để bạn đọc có thêm một góc nhìn về vấn đề này.
1. Khả năng kiểm soát tài chính không hiệu quả
Một trong những nguyên nhân quan trọng nhất dẫn đến phát sinh công nợ là việc doanh nghiệp không có khả năng kiểm soát tài chính hiệu quả. Việc kiểm soát không hiệu quả thể hiện ở việc không có quy trình kiểm soát hoặc quá trình kiểm soát tài chính không rõ ràng, cụ thể, minh bạch và gây lãng phí nguồn tiền của doanh nghiệp. Nếu quá trình kiểm soát tài chính không hiệu quả kéo dài sẽ dẫn đến việc thiếu vốn để phát triển kinh doanh, làm giảm khả năng cạnh tranh, thậm chí làm thâm hụt dòng tiền và ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình hoạt động của doanh nghiệp.
Hơn hết, việc kiểm soát tài chính không hiệu quả ảnh hưởng lớn đến việc phát sinh công nợ vì khi đó doanh nghiệp không thể kiểm soát hay phòng ngừa các khoản công nợ có thể phát sinh với các đối tác. Điều này sẽ càng trở thành gánh nặng cho doanh nghiệp theo thời gian vì khi không còn kiểm soát và hạn chế công nợ thì các khoản công nợ sẽ ngày càng nhiều và với số lượng lớn dần theo thời gian, kèm theo là thâm hụt vốn do kiểm soát tài chính không hiệu quả trong nội bộ doanh nghiệp có thể đẩy doanh nghiệp vào trạng thái mất khả năng kiểm soát tài chính, thậm chí khiến doanh nghiệp mất khả năng thanh toán và phải ngừng hoạt động.
2.Lợi nhuận không đủ so với chi phí đã bỏ ra
Mục tiêu chính trong hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp là lợi nhuận, tuy nhiên vì nhiều lý do mà việc kinh doanh của doanh nghiệp không hiệu quả dẫn đến lợi nhuận thấp. Cụ thể là một số nguyên nhân sau:
a) Chi phí đầu vào cao
Việc doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, sản phẩm cần bỏ ra các chi phí đầu vào, tuy nhiên tùy từng thời điểm và các nhà cung cấp khác nhau, cũng như nhu cầu của thị trường mà chi phí đầu vào có thể thay đổi. Trong trường hợp doanh nghiệp bỏ ra chi phí đầu vào cao hơn so với lợi nhuận thu được thì sẽ không đủ để bù đắp cho vốn bỏ ra, và có thể gây phát sinh công nợ nếu nguồn của chi phí đầu vào là tiền đi vay.
b) Chất lượng sản phấm/ dịch vụ đầu ra không đáp ứng được nhu cầu của thị trường:
Trong hoạt động kinh doanh nói chung luôn tồn tại sự đào thải liên tục và khắc nghiệt theo thời gian, nếu doanh nghiệp không thể cung cấp sản phẩm/ dịch vụ với chất lượng đáp ứng được nhu cầu của thị trường thì sẽ dần mất đi khách hàng. Ngoài ra việc xác định sai phân khúc khách hàng, lượng khách hàng cũng như khả năng đáp ứng của doanh nghiệp cũng sẽ dẫn đến việc doanh nghiệp không thể cung cấp được sản phẩm/dịch vụ phù hợp. Nếu doanh nghiệp liên tục không thể đáp ứng được nhu cầu của thị trường thì việc phát sinh công nợ sẽ chỉ là vấn đề thời gian, vì khi đã không thể đáp ứng được nhu cầu của thị trường, lợi nhuận sẽ ngày càng giảm và đến một thời điểm thì doanh nghiệp sẽ không thể tiếp tục kinh doanh vì lợi nhuận không thể bù đắp được vốn bỏ ra.
3. Không có khả năng thu hồi công nợ hiệu quả
Một trong những nguyên nhân rất quan trọng dẫn đến việc doanh nghiệp phát sinh công nợ là lời nhuận không bù đắp được các chi phí bỏ ra trong hoạt động kinh doanh, ngoài các nguyên nhân do hoạt động kinh doanh không hiệu quả, không quản trị vốn hiệu quả thì việc doanh nghiệp không có khả năng thu hồi công nợ từ các đối tác chưa thanh toán cũng là nguyên nhân hàng đầu khiến doanh nghiệp dễ phát sinh công nợ.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc doanh nghiệp không có khả năng thu hồi công nợ hiệu quả, cụ thể:
a) Đội ngũ thu hồi công nợ không hiệu quả
Để thu hồi công nợ hiệu quả thì những nhân viên phụ trách việc thu hồi nợ của doanh nghiệp cần trang bị những kiến thức cần thiết và phải có kinh nghiệm để xử lý các khoản nợ. Trong trường hợp những nhân viên này không được trang bị kiến thức chuyên môn về thu hồi nợ hiệu quả sẽ dấn đến khó thu hồi nợ, thậm chí trường hợp nhân viên thu hồi nợ thiếu hiểu biết pháp luật có thể tiến hành các hoạt động thu hồi nợ trái pháp luật gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi ích doanh nghiệp hoặc thậm chí cấu thành các tội phạm theo quy định tại Bộ luật hình sự.
b) Doanh nghiệp để khoản nợ kéo dài
Công nợ càng có thời gian phát sinh lâu thì càng khó có khả năng thu hồi, khi đó bên nợ sẽ thường có xu hướng trốn tránh thanh toán nhằm chiếm dụng vốn lâu nhất có thể. Việc càng để bên nợ kéo dài thời gian cũng khiến rủi ro cho doanh nghiệp vì một khi bên nợ có quá nhiều khoản nợ thì có thể lâm vào tình trạng mất khả năng thanh toán. Khi bên nợ đã mất khả năng thanh toán thì khả năng thu hồi nợ sẽ rất khó khăn, thậm chí tốn kém thêm các chi phí khác mà không đảm bảo được việc sẽ thu hồi lại được toàn bộ khoản nợ.
Trên đây là bài viết về chủ đề: “Nguyên nhân gây phát sinh công nợ” dựa trên các kinh nghiệm làm việc của luật sư TNTP. Mong rằng bài viết này sẽ đem lại lợi ích cho quá trình hoạt động của các doanh nghiệp.
Trân trọng,