Trong hoạt động kinh doanh thương mại hiện nay, Hợp đồng mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ, Hợp đồng góp vốn đầu tư và Hợp đồng có đối tượng là bất động sản là 3 loại Hợp đồng thương mại phổ biến và hay phát sinh tranh chấp trên thực tế. Tại phần 1, TNTP đã nêu ra những phương án để ngăn ngừa rủi ro khi rà soát Hợp đồng mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ. Tiếp theo, trong phần 2 này, TNTP sẽ phân tích những nội dung mà doanh nghiệp nên tập trung khi rà soát Hợp đồng góp vốn đầu tư.

1. Hợp đồng góp vốn đầu tư là gì?

Hợp đồng góp vốn là một hình thức Hợp đồng thương mại mà thông qua đó, nhà đầu tư thực hiện đầu tư thông qua việc góp tài sản để tạo thành vốn điều lệ của công ty, gọi tắt là góp vốn. Việc góp vốn bao gồm góp vốn để thành lập công ty hoặc góp thêm vốn điều lệ vào công ty đã được thành lập. Do đó, Hợp đồng góp vốn được coi là một thỏa thuận giữa nhà đầu tư và bên nhận đầu tư, xác lập quyền và lợi ích của các bên tương ứng trên cơ sở của việc góp vốn.

Sở dĩ Hợp đồng góp vốn được coi là Hợp đồng thương mại bởi theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, tranh chấp giữa công ty với các thành viên, tranh chấp giữa các thành viên của công ty liên quan đến việc thành lập, hoạt động của công ty là tranh chấp về kinh doanh, thương mại thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án. Vì vậy, Hợp đồng góp vốn đầu tư là một loại hình hợp đồng thương mại.

2. Những lưu ý khi rà soát Hợp đồng góp vốn đầu tư

(i) Đối tượng góp vốn

Đầu tư là một hoạt động đặc thù mà tại đó, nhà đầu tư có thể là cá nhân nước ngoài, pháp nhân nước ngoài hoặc cá nhân Việt Nam, pháp nhân Việt Nam. Tùy từng đối tượng và ngành nghề mà pháp luật cho phép hoặc không cho phép cá nhân hoặc pháp nhân thực hiện đầu tư thông qua hình thức góp vốn. Ví dụ, cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân không được sử dụng tài sản nhà nước góp vốn vào doanh nghiệp để thu lợi riêng cho cơ quan, đơn vị của mình.

Vì vậy, đầu tiên, Hợp đồng góp vốn đầu tư cần ghi rõ các thông tin của các nhà đầu tư. Nếu nhà đầu tư là cá nhân, Hợp đồng cần ghi Họ và tên, Ngày tháng năm sinh, CMND/CCCD/Hộ chiếu, Quốc tịch, Địa chỉ cư trú/tạm trú, Địa chỉ liên hệ. Nếu nhà đầu tư là pháp nhân, Hợp đồng cần ghi Tên pháp nhân, Mã số doanh nghiệp, Địa chỉ trụ sở đăng ký, Địa chỉ liên hệ, và thông tin của Người đại diện pháp nhân ghi tương tự như thông tin của nhà đầu tư là cá nhân.

(ii) Tỷ lệ góp vốn

Tùy thuộc vào từng đối tượng góp vốn, ngành nghề của công ty nhận vốn góp, loại hình của công ty nhận vốn góp mà pháp luật không cho phép hoặc cho phép nhà đầu tư sở hữu phần vốn góp, cổ phần với một tỷ lệ xác định. Do đó, trước khi thực hiện góp vốn, nhà đầu tư cần đảm bảo đã nắm bắt được các quy định của pháp luật về sở hữu phần vốn góp, cổ phần và ký kết Hợp đồng góp vốn phù hợp với quy định của pháp luật.

Ví dụ như theo Khoản 2 Điều 26 Luật Đầu tư 2020, nhà đầu tư nước ngoài phải đăng ký góp vốn trước khi thay đổi thành viên nếu việc góp vốn đó dẫn đến kết quả là nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ trên 50% vốn điều lệ của tổ chức kinh tế. Như vậy, tỷ lệ góp vốn là một căn cứ quan trọng để xác định nghĩa vụ và thủ tục cần thực hiện của nhà đầu tư khi góp vốn, đặc biệt là khi có nhà đầu tư nước ngoài.

(iii) Tài sản góp vốn

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 35 Luật Doanh nghiệp 2020, tài sản góp vốn có thể là Đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng, giá trị quyền sử dụng đất, quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ, bí quyết kỹ thuật, tài sản khác có thể định giá được bằng Đồng Việt Nam. Tuy nhiên trong mọi trường hợp, chỉ cá nhân, tổ chức là chủ sở hữu hợp pháp hoặc có quyền sử dụng hợp pháp đối với tài sản góp vốn mới có quyền sử dụng tài sản đó để góp vốn.

(iv) Thời hạn góp vốn

Thời hạn góp vốn là một trong những quy định cần có khi soạn thảo hoặc rà soát Hợp đồng góp vốn. Việc quy định thời hạn góp vốn, lộ trình góp vốn sẽ ràng buộc nghĩa vụ của các thành viên góp vốn. Đồng thời, thời hạn góp vốn đảm bảo công ty hoạt động đúng quy định của pháp luật, tránh trường hợp công ty đăng ký vốn điều lệ một đằng, thực tế góp một nẻo, đến khi có tranh chấp xảy ra công ty có thể bị bên tranh chấp tố giác là lừa đảo, công ty “ma”. Quy định này cũng tạo dựng cơ sở để các thành viên có niềm tin vào việc hợp tác với nhau và có căn cứ khởi kiện nếu có thành viên không thực hiện góp vốn theo thời hạn đã cam kết làm phát sinh thiệt hại cho những thành viên còn lại.

(v) Phương thức góp vốn

Chuyển khoản thông qua một ngân hàng hoạt động hợp pháp tại Việt Nam là một hình thức được ưu tiên sử dụng khi nhà đầu tư thực hiện các giao dịch góp vốn. Các chứng cứ về việc hiện hữu một giao dịch có tính chất góp vốn sẽ được khai thác thông qua sao kê, giấy nộp tiền, phiếu báo có hoặc các tài liệu có nội dung tương tự phát hành bởi ngân hàng. Phương thức này sẽ giúp giảm thiểu rủi ro hơn so với việc góp vốn trực tiếp bằng tiền mặt, do sự xác nhận của ngân hàng sẽ là một chứng cứ xác đáng trong trường hợp phát sinh tranh chấp trong quá trình góp vốn.

(vi) Lợi nhuận và chịu lỗ

Lợi nhuận là mục đích lớn nhất của việc đầu tư, do đó điều khoản quy định về phân chia lợi nhuận là một điều khoản rất quan trọng cần được thể hiện chi tiết và rõ ràng. Việc chi trả lợi nhuận có thể được thực hiện hàng tháng, hàng quý hoặc hàng năm tương ứng với tỷ lệ góp vốn.

Tuy nhiên, không phải lúc nào hoạt động kinh doanh cũng phát sinh lợi nhuận. Đồng thời với lợi nhuận là khả năng phát sinh lỗ khi đầu tư. Vì vậy, nhà đầu tư nên tính toán rủi ro và quy định rõ mức chịu lỗ tương ứng với tỷ lệ góp vốn cũng như trách nhiệm của mỗi nhà đầu tư trong trường hợp phát sinh lỗ.

(vii) Thu hồi vốn góp

Trong thực tế, không thiếu những trường hợp nhà đầu tư sau khi ký Hợp đồng và hoàn thành góp vốn đầu tư muốn thu hồi vốn góp. Tuy nhiên, Hợp đồng không quy định hoặc quy định mập mờ khiến cho việc thu hồi vốn góp gặp nhiều khó khăn, dễ xảy ra tranh chấp với những nhà đầu tư khác. Vì vậy, Hợp đồng góp vốn đầu tư cần phải có nội dung quy định rõ về các trường hợp mà nhà đầu tư được quyền thu hồi vốn góp, trình tự, thủ tục thu hồi vốn góp.

Thông thường, nhà đầu tư muốn rút vốn sẽ chuyển nhượng phần vốn góp của mình cho một nhà đầu tư khác hoặc một bên thứ ba, như vậy nhà đầu tư có thể rút vốn góp của mình mà không phải điều chỉnh vốn điều lệ của công ty. Công ty chỉ thực hiện thủ tục điều chỉnh tỷ lệ sở hữu vốn và thành viên của công ty.

Trên đây là những chia sẻ của TNTP về việc ngăn ngừa rủi ro khi rà soát Hợp đồng góp vốn đầu tư. Hy vọng bài viết ” Ngăn ngừa rủi ro khi rà soát 3 loại Hợp đồng thương mại (Phần 2)” sẽ giúp các bạn hiểu rõ hơn về hoạt động góp vốn đầu tư và cân nhắc khi có dự định đầu tư sau này.

Trân trọng.

Phần 1 của Bài viết: Ngăn ngừa rủi ro khi rà soát 3 loại Hợp đồng thương mại (Phần 1)

Tham gia Fanpage GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP VÀ THU HỒI NỢ để có thêm thông tin pháp lý bổ ích.

Công ty Luật TNHH Quốc tế TNTP và Các Cộng sự

Luật sư Nguyễn Thanh Hà

Email: ha.nguyen@tntplaw.com