Việc bị phát sinh các khoản công nợ trong quá trình hoạt động của các doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng là điều không doanh nghiệp nào mong muốn, tuy nhiên không nhiều doanh nghiệp biết cách để hạn chế phát sinh công nợ trong quá trình hoạt động. Do đó trong bài viết này, luật sư của TNTP sẽ đưa ra ý kiến về cách để hạn chế công nợ trong lĩnh vực xây dựng.
1. Kiểm soát nguồn tiển của doanh nghiệp
Kiểm soát nguồn tiền của doanh nghiệp là việc doanh nghiệp có phương pháp quản lý, theo dõi chi phí, lợi nhuận trong quá trình hoạt động. Đây là công việc quan trọng mà các doanh nghiệp luôn phải thực hiện để đảm bảo quá trình hoạt động không bị gián đoạn. Trường hợp doanh nghiệp kiểm soát nguồn tiền không hiệu quả sẽ dẫn đến việc thiếu hụt vốn để phát triển, làm giảm khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp và có thể dẫn đến việc doanh nghiệp không đủ khả năng để tiếp tục hoạt động.
Việc kiểm soát nguồn tiền có tác động rất lớn đến việc hạn chế công nợ, vì khi đã có thể nắm được chi tiết các khoản chi phí và công nợ thì doanh nghiệp sẽ có thể sớm đưa ra quyết định để xử lý các khoản công nợ khi đến hạn, đồng thời phân loại các khoản nợ để thuận tiện cho việc thu hồi công nợ sau này. Trường hợp doanh nghiệp không có khả năng kiểm soát nguồn tiền hiệu quả đồng nghĩa với việc doanh nghiệp không thể kiểm soát hay phòng ngừa các khoản công nợ có thể phát sinh với các đối tác. Do đó, kiểm soát nguồn tiền là một công việc quan trọng để doanh nghiệp hạn chế công nợ có thể phát sinh sau này.
2. Xác định và phân loại công nợ
Để có thể biết được những đối tác nào có thể trở thành các bên nợ tiềm tàng thì doanh nghiệp cũng cần phải xác định và phân loại các khoản công nợ. Một số khoản nợ nhỏ có thể được theo dõi để chuẩn bị cho quá trình thu hồi nợ nếu cần thiết, nhưng các khoản công nợ lớn thì nên được xem xét để tiến hành các biện pháp thu hồi cần thiết. Các đối tác của doanh nghiệp nên được phân loại dựa trên khả năng tài chính và mức độ quan trọng của họ đối với doanh nghiệp để xác định các đối tác này có trở thành một bên nợ trong tương lai hay không.
Tùy thuộc vào giá trị và thời gian phát sinh công nợ mà các phương pháp thu hồi công nợ cũng sẽ khác nhau, do đó việc xác định và phân loại công nợ là điều cần thiết để doanh nghiệp hạn chế công nợ. Nếu các khoản công nợ không được xác định và phân loại rõ ràng sẽ trực tiếp ảnh hưởng đến quá trình thu hồi công nợ, và xa hơn là dòng tiền của doanh nghiệp khi không thể thu hồi các khoản công nợ này vì khi không thể xác định và phân loại công nợ, doanh nghiệp sẽ rất khó để có các biện pháp cần thiết để ưu tiên thu hồi các khoản nợ quan trọng và có giá trị lớn, có khả năng thu hồi cao. Khi đó quá trình thu hồi công nợ của doanh nghiệp sẽ khó khăn hơn rất nhiều và có thể không thể thu hồi được khoản nợ, dẫn đến việc các khoản tiền của doanh nghiệp bị mất và không thể bù đắp.
3. Doanh nghiệp không có khả năng thu hồi công nợ hiệu quả
Đây là lý do lớn nhất dẫn đến việc doanh nghiệp dễ phát sinh công nợ, vì khi không có khả năng thu hồi công nợ hiệu quả thì các khoản công nợ sẽ ngày càng phát sinh mà không được xử lý. Thông thường, các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh sẽ thường chỉ tập trung vào các công việc chuyên môn và thường có ít kinh nghiệm trong việc thu hồi công nợ. Điều này dẫn đến việc doanh nghiệp không biết nên tiến hành các công việc nào để thu hồi nợ hiệu quả đối với các bên nợ khác nhau, cũng như cân đối tài chính và thời gian để tiến hành các công việc này. Hậu quả là doanh nghiệp không thể thu hồi công nợ và còn có thể gây lãng phí tài chính và thời gian để tiến hành các hoạt động thu hồi công nợ không hiệu quả.
Để khắc phục điều này thì doanh nghiệp cần có phương pháp đào tạo hoặc tuyển chọn đội ngũ nhân viên có kinh nghiệm trong lĩnh vực thu hồi nợ, khi các nhân viên này có kiến thức chuyên môn tốt và hiểu biết pháp luật sẽ tiến hành các hoạt động thu hồi công nợ hiệu quả, đúng pháp luật và hạn chế được các rủi ro cho doanh nghiệp khi tiến hành các hoạt động thu hồi công nợ.
Trên đây là bài viết của luật sư TNTP về chủ đề: “Làm thế nào để hạn chế công nợ trong lĩnh vực xây dựng?”. Mong rằng bài viết này đem lại giá trị cho các độc giả.
Trân trọng.