Là giai đoạn cuối cùng trong thủ tục tố tụng để đảm bảo giá trị thi hành trên thực tế của bản án. Giai đoạn thi hành án tuy được cụ thể trong quy định của pháp luật nhưng trên thực tế, quá trình thi hành án phát sinh nhiều khó khăn có thể ảnh hưởng đến quyền lợi của bên được thi hành. Trong bài viết này, luật sư của TNTP sẽ phân tích những khó khăn có thể gặp phải trong giai đoạn thi hành án dựa trên kinh nghiệm thực tế làm việc của chúng tôi.
1. Nội dung bản án không rõ ràng
• Trong nhiều trường hợp, bản án của Tòa án có thể không ghi nhận cụ thể nội dung cần thi hành, nhất là đối với các tranh chấp liên quan đến tiền hoặc tài sản định giá được bằng tiền.
• Khi nội dung cần thi hành án không rõ ràng sẽ gây khó khăn cho cơ quan thi hành án trong quá trình thực hiện vụ việc. Khi đó, Tòa án có trách nhiệm phải giải thích các nội dung chưa rõ này theo quy định tại Điều 486 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định về việc giải thích, sửa chữa bản án, quyết định, cụ thể:
– Người được thi hành án, người phải thi hành án, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc thi hành bản án, quyết định của Tòa án và cơ quan thi hành án có quyền yêu cầu bằng văn bản Tòa án đã ra bản án, quyết định, giải thích, sửa chữa những điểm chưa rõ trong bản án, quyết định để thi hành.
– Thẩm phán đã ra quyết định hoặc Thẩm phán là chủ tọa phiên tòa có trách nhiệm giải thích, sửa chữa những điểm chưa rõ trong bản án, quyết định của Tòa án. Trường hợp họ không còn là Thẩm phán của Tòa án thì Chánh án Tòa án đó có trách nhiệm giải thích, sửa chữa bản án, quyết định của Tòa án.
– Việc giải thích bản án, quyết định của Tòa án phải căn cứ vào biên bản phiên tòa, biên bản phiên họp, biên bản nghị án. Việc sửa chữa bản án, quyết định được thực hiện theo quy định tại Điều 268 của Bộ luật này.
Như vậy, có thể thấy trường hợp nội dung bản án không rõ ràng thì người được thi hành án, người phải thi hành án, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc thi hành bản án, quyết định của Tòa án và cơ quan thi hành án có quyền yêu cầu Tòa án phải giải thích bản án để có cơ sở thi hành.
2. Bên nợ không còn hoạt động
Nhiều trường hợp yêu cầu khởi kiện của doanh nghiệp được Tòa án chấp nhận bằng bản án có hiệu lực pháp luật, buộc bên nợ phải trả nợ. Tuy nhiên trong quá trình thi hành án xác minh tình trạng của bên nợ không còn hoạt động, Khi đó, khả năng thu hồi nợ là rất thấp.
Vì khi bên nợ không còn hoạt động sẽ không phát sinh doanh thu để trả nợ, khi đó để quá trình thi hành án có thể thu hồi được thì phải trải qua bước xác minh tài sản của bên nợ. Theo quy định tại Điều 44 Luật Thi hành án dân sự 2008, chấp hành viên có quyền tiến hành xác minh điều kiện thi hành án của người phải thi hành án. Trường hợp thi hành án theo đơn yêu cầu, nếu người được thi hành án đã áp dụng các biện pháp cần thiết mà không thể tự xác minh được điều kiện thi hành án của người phải thi hành án thì có thể yêu cầu Chấp hành viên tiến hành xác minh. Việc yêu cầu này phải được lập thành văn bản và phải ghi rõ các biện pháp đã được áp dụng nhưng không có kết quả, kèm theo tài liệu chứng minh.
Như vậy, trường hợp bên nợ không còn hoạt động thì chủ nợ có thể tự mình xác minh tài sản, điều kiện thi hành án của bên nợ, hoặc đề nghị cơ quan thi hành án hỗ trợ xác minh tài sản, điều kiện thi hành án của bên nợ để đảm bảo quá trình thi hành bản án.
Có thể thấy nhiều trường hợp doanh nghiệp tuy “giành chiến thắng” trên bản án nhưng quá trình thi hành án lại gặp phải những khó khăn có thể dẫn đến quyền lợi của mình không thể được đảm bảo. Những khó khăn này đòi hỏi doanh nghiệp phải tiến hành các biện pháp phù hợp với thực tế vụ việc cũng như phù hợp với quy định của pháp luật giải quyết.
Trên đây là bài viết của luật sư TNTP về chủ đề: “Kinh nghiệm thu hồi nợ: Những khó khăn trong giai đoạn thi hành án”. Mong rằng bài viết này có ích với các độc giả.
Trân trọng,