Để dòng tiền trong hoạt động kinh doanh được duy trì ổn định và hạn chế tối đa các rủi ro, doanh nghiệp cần có cơ chế kiểm soát hiệu quả các khoản công nợ hiện hữu và có thể phát sinh trong tương lai. Trong bài viết này, luật sư của TNTP sẽ đưa ra các quan điểm về tầm quan trọng của việc kiểm soát công nợ trong hoạt động của doanh nghiệp.

1. Thế nào là kiểm soát công nợ

Theo từ điển Tiếng Việt, “kiểm soát” là việc đặt một sự vật, hiện tượng nằm trong phạm vi quyền hành của một đối tượng nào đó, hoặc để phát hiện, ngăn chặn những gì trái với quy định trong một phạm vi nhất định.

Về góc độ pháp lý, việc kiểm soát trong các cơ quan nhà nước và chính phủ thể hiện ở hai giai đoạn chính là: “giám sát” và “thanh tra”. Theo đó, “giám sát” là theo dõi hoạt động của một đối tượng nhất định trong quá trình vận hành để đảm bảo việc tuân thủ pháp luật, còn “thanh tra” là sự xem xét từ bên ngoài vào hoạt động của một đối tượng nhất định nhằm phát hiện, ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật.

Từ những nội dung trên, TNTP cho rằng kiểm soát công nợ trong hoạt động của doanh nghiệp là một hệ thống các công việc nhằm mục đích đảm bảo cho việc doanh nghiệp luôn có thể theo dõi tình hình khoản nợ của mình, bao gồm cả các khoản nợ đang phát sinh và sẽ phát sinh để có thể lên kế hoạch xử lý các khoản nợ phù hợp, tránh việc bỏ quên hoặc khiến khoản nợ rơi vào trạng thái khó thu hồi.

2. Kiểm soát công nợ cần làm gì?

Để kiểm soát công nợ, doanh nghiệp cần thực hiện 03 vấn đề cụ thể như sau:

a) Tổng hợp và phân loại khoản nợ

Trước khi có thể kiểm soát công nợ, doanh nghiệp cần biết bức tranh toàn cảnh đối với tình hình công nợ của doanh nghiệp mình. Các khoản nợ cần được ghi nhận và phân loại dựa trên các yếu tố khác nhau, như: Giá trị khoản nợ; Thời gian phát sinh khoản nợ; Mức độ quan trọng của đối tác; Khả năng tài chính của đối tác,… để thuận lợi trong việc kiểm soát công nợ

Doanh nghiệp có thể lựa chọn các tiêu chí phù hợp để phân loại cụ thể từng khoản nợ khác nhau tùy theo mục tiêu của mình, việc phân loại này là đặc biệt cần thiết để doanh nghiệp có thể tiến hành các biện pháp phù hợp để thu hồi nợ về sau nhằm tối ưu khả năng tài chính và nhân lực của mình.

b) Lên kế hoạch kiểm soát phù hợp với từng khoản nợ

Như mọi hoạt động trong hoạt động kinh doanh, các doanh nghiệp cần phải có kế hoạch để kiểm soát công nợ với các đối tác của mình. Tuy mục đích cuối cùng của việc kiểm soát công nợ là thu hồi các khoản nợ này, nhưng không phải tất cả các khoản nợ đều có thể được thu hồi hiệu quả với một phương pháp giống nhau.

Doanh nghiệp có thể căn cứ vào khả năng tài chính của mình để xác định mức giới hạn cho giá trị khoản nợ mà doanh nghiệp có thể phát sinh là bao nhiêu. Điều này nhằm mục đích tạo ra lằn ranh an toàn để doanh nghiệp kịp thời chuẩn bị cho kịch bản bị thâm hụt tài chính do không duy trì được dòng tiền ổn định bởi các khoản nợ phát sinh.

Sau khi đã xác định mức giới hạn chịu đựng của mình, doanh nghiệp cần đặt ra mục tiêu thu hồi các khoản nợ phù hợp với chiến lược kinh doanh của mình, thông thường theo kinh nghiệm của TNTP, doanh nghiệp cần tập trung thu hồi các khoản nợ theo các thứ tự ưu tiên sau: Giá trị khoản nợ > Thời gian phát sinh nợ > Tầm quan trọng của đối tác > Thái độ của bên nợ.

Sau khi đã hoàn thiện kế hoạch kiểm soát công nợ, doanh nghiệp sẽ bắt đầu tiến hành các công việc phù hợp để kiểm soát và thu hồi công nợ phù hợp.

c) Triển khai công việc phù hợp

Như đã đề cập ở trên, mục đích cuối cùng của việc kiểm soát công nợ là thu hồi các khoản nợ để đảm bảo dòng chảy tài chính, bảo vệ thành quả lao động của doanh nghiệp. Các công việc cần thiết phải thực hiện cụ thể gồm:

Thương lượng: Doanh nghiệp chỉ định các bộ phận liên quan để trao đổi, liên hệ với bên nợ nhằm yêu cầu thanh toán. Do là bước đầu tiên nên ưu tiên chỉ nhắc nhở bên nợ biết về việc thanh toán thay vì gây áp lực không cần thiết.

Yêu cầu thanh toán: Sau khi doanh nghiệp đã thực hiện việc nhắc nợ qua thương lượng nhưng không có kết quả thì có thể tiến hành yêu cầu thanh toán chính thức thông qua các buổi làm việc, trao đổi qua email hoặc văn bản. Tại giai đoạn này, doanh nghiệp cần đưa ra áp lực phù hợp để bên nợ không nên trì hoãn việc thanh toán thêm nữa, việc gây áp lực có thể là việc thông báo sẽ tiến hành khởi kiện nếu cần thiết nếu quá trình trao đổi giữa hai bên không đem lại kết quả.

Khởi kiện: Là biện pháp nên thực hiện cuối cùng khi các bước trên không đem lại kết quả. Khi đó doanh nghiệp cần nộp Đơn khởi kiện và các tài liệu có liên quan đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp bao gồm Tòa án hoặc Trung tâm trọng tài thương mại phù hợp với sự thỏa thuận giữa các bên. Khi đó, các cơ quan có thẩm quyền sẽ nhân danh quyền lực nhà nước để tiến hành các biện pháp cưỡng chế buộc bên nợ phải thanh toán khoản nợ.

Trên đây là bài viết của luật sư TNTP về chủ đề: Kiểm soát công nợ trong hoạt động của doanh nghiệp. Mong rằng bài viết này đem lại giá trị cho các độc giả trong hoạt động của mình.

Trân trọng,