Trong quá trình giải quyết vụ án dân sự, việc đương sự (nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan) mất (qua đời) có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau. Sự kiện này làm phát sinh những hệ quả pháp lý đặc biệt, ảnh hưởng đến tiến trình tố tụng và quyền lợi của các bên liên quan. Qua bài viết này, TNTP sẽ phân tích chi tiết về các hệ quả pháp lý khi đương sự mất trong quá trình giải quyết vụ án dân sự.
1. Khái niệm đương sự trong vụ án dân sự
• Theo Điều 68 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, đương sự trong vụ án dân sự bao gồm các cơ quan, tổ chức, hoặc cá nhân tham gia vào quá trình tố tụng, gồm có:
– Nguyên đơn: Người khởi kiện, yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
– Bị đơn: Người bị nguyên đơn khởi kiện, yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp.
– Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: Người tham gia tố tụng để bảo vệ quyền lợi của mình có liên quan đến vụ án.
2. Xác định quyền và nghĩa vụ của đương sự có thể chuyển giao hay không
• Khi một đương sự mất, cần phải xác định quyền và nghĩa vụ của họ có thể chuyển giao cho người thừa kế hay không. Theo khoản 1 Điều 74 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 khi một đương sự mất mà quyền, nghĩa vụ về tài sản được thừa kế thì người thừa kế tham gia tố tụng.
• Tuy nhiên đối với các quyền và nghĩa vụ đó gắn liền với nhân thân không gắn với tài sản (ví dụ: yêu cầu ly hôn, tranh chấp quyền nuôi con, yêu cầu tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự…), thì theo quy định tại Khoản 1 Điều 25 Bộ luật Dân sự các quyền, nghĩa vụ đó không thể chuyển giao.
3. Hệ quả pháp lý khi đương sự mất trong quá trình giải quyết vụ án dân sự
a. Tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự khi đương sự mất trong quá trình giải quyết vụ án dân sự
• Theo Điểm a Khoản 1 Điều 214 BLTTDS 2015, Tòa án ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án trong trường hợp một trong các đương sự mất mà chưa xác định được người thừa kế hoặc người thừa kế chưa thể tham gia tố tụng ngay. Việc tạm đình chỉ nhằm bảo đảm quyền lợi của người thừa kế và tạo điều kiện để họ tham gia tố tụng.
• Khi lý do tạm đình chỉ không còn, trong vòng 03 ngày làm việc, Tòa án có trách nhiệm ra quyết định tiếp tục giải quyết vụ án. Quyết định này sẽ được gửi đến các bên đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan và Viện kiểm sát cùng cấp để bảo đảm quá trình tố tụng được thực hiện theo đúng quy định pháp luật.
b. Bổ sung người thừa kế tham gia tố tụng khi đương sự mất trong quá trình giải quyết vụ án dân sự
• Khi đương sự mất, quyền và nghĩa vụ của họ trong vụ án sẽ được chuyển giao cho người thừa kế theo quy định của pháp luật về thừa kế. Theo quy định quyền thừa kế có thể được xác lập theo di chúc hoặc theo pháp luật. Trong trường hợp đương sự mất không để lại di chúc, những người thừa kế sẽ được xác định theo quy định tại Điều 615 Bộ luật Dân sự 2015.
• Người thừa kế có quyền tham gia tố tụng để tiếp tục bảo vệ quyền lợi của đương sự đã mất. Tòa án sẽ thông báo và hướng dẫn người thừa kế tham gia tố tụng. Đồng thời, người thừa kế cũng có quyền chủ động đề nghị Tòa án bổ sung vào quá trình tố tụng nhằm tiếp tục giải quyết vụ án theo đúng quy định pháp luật.
Tuy nhiên, cùng cần phải lưu ý rằng việc kế thừa quyền luôn đi kèm với nghĩa vụ tương ứng. Như vậy, những người thừa kế có trách nhiệm thanh toán các nghĩa vụ tài sản của đương sự mất tương ứng với phạm vi di sản được thừa hưởng, trừ khi có thỏa thuận khác. Trong trường hợp bị đơn mất, nghĩa vụ bồi thường hoặc thanh toán (nếu có) sẽ do người thừa kế thực hiện trong phạm vi di sản được hưởng.
c. Đình chỉ giải quyết vụ án
Trong trường hợp đương sự mất nhưng không có người thừa kế hoặc quyền, nghĩa vụ của họ không thể chuyển giao, Tòa án sẽ ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án theo quy định tại Điều 217 Bộ Luật tố tụng dân sự 2015.
Việc đình chỉ giải quyết vụ án trong các trường hợp này nhằm đảm bảo tính khách quan và phù hợp với nguyên tắc kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng trong tố tụng dân sự.
4. Một số hướng giải quyết của Tòa án theo quy định của pháp luật khi đương sự mất trong quá trình giải quyết vụ án dân sự.
• Trường hợp đương sự là cá nhân đang tham gia tố tụng mất mà quyền, nghĩa vụ về tài sản của họ được thừa kế thì người thừa kế tham gia tố tụng.
• Trường hợp đương sự là cá nhân đã mất, cơ quan, tổ chức đã hợp nhất, sáp nhập, chia, tách, giải thể mà chưa có cơ quan, tổ chức, cá nhân kế thừa quyền và nghĩa vụ tố tụng của cơ quan, tổ chức, cá nhân đó thì Tòa án ra quyết định Tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự.
• Trường hợp nguyên đơn hoặc bị đơn là cá nhân đã mất mà quyền, nghĩa vụ của họ không được thừa kế thì Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự.
• Trường hợp tổ chức không có tư cách pháp nhân tham gia quan hệ dân sự mà người đại diện đang tham gia tố tụng mất thì tổ chức đó phải cử người khác làm đại diện để tham gia tố tụng; nếu không cử được người đại diện hoặc tổ chức đó phải chấm dứt hoạt động, bị giải thể thì các cá nhân là thành viên của tổ chức đó tham gia tố tụng.
5. Bàn luận mở rộng về các trường hợp
• Trong một số trường hợp, dù đương sự đã mất nhưng việc giải quyết vụ án vẫn gặp trở ngại do di sản thừa kế chưa được chia hoặc người thừa kế cố tình từ chối nhận di sản nhằm né tránh nghĩa vụ tài sản.
• Nếu di sản chưa được phân chia, Tòa án có thể phải tạm đình chỉ vụ án cho đến khi có quyết định rõ ràng về quyền thừa kế. Việc này có thể kéo dài thời gian giải quyết tranh chấp, đặc biệt trong những vụ án có liên quan đến nhiều tài sản hoặc có tranh chấp giữa những người thừa kế về quyền hưởng di sản. Trong trường hợp này, Tòa án có thể yêu cầu tiến hành thủ tục phân chia di sản trước khi tiếp tục giải quyết vụ án dân sự nhằm đảm bảo quyền lợi của các bên liên quan.
• Mặt khác, nếu người thừa kế từ chối nhận di sản nhằm né tránh trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài sản của đương sự mất, Tòa án có thể xem xét các biện pháp để bảo vệ quyền lợi của chủ nợ hoặc các bên liên quan. Theo quy định tại Điều 620 Bộ Luật dân sự thì người thừa kế không được từ chối nhận di sản nhằm trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ tài sản của mình đối với người khác
Việc đương sự mất trong quá trình giải quyết vụ án dân sự làm phát sinh nhiều hệ quả pháp lý phức tạp, đòi hỏi Tòa án và các bên liên quan phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của pháp luật. Quy trình xử lý bao gồm việc tạm đình chỉ, xác định người thừa kế, và quyết định tiếp tục hoặc đình chỉ vụ án nhằm bảo đảm quyền lợi hợp pháp của các bên.
Trên đây là bài viết của TNTP về đề tài “Hệ quả pháp lý khi đương sự mất trong quá trình giải quyết vụ án dân sự”. Hy vọng bài viết có ích đối với quý độc giả.
Trân trọng,