Trọng tài thương mại là một trong những phương thức giải quyết tranh chấp phổ được nhiều doanh nghiệp lựa chọn nhờ tính chất linh hoạt trong thủ tục và tính bảo mật trong giải quá trình giải quyết tranh chấp. Trường hợp một bên phải đưa tranh chấp tới Trọng tài thương mại, bên khởi kiện sẽ phải tuân theo quy định tại Luật Trọng tài thương mại. Vì vậy, để các bên nắm rõ cũng như giúp những bên có ý định khởi kiện tại Trọng tài thương mại sẽ thực hiện công việc khởi kiện chính xác theo quy định, trong bài viết này, TNTP sẽ làm rõ khi lựa chọn khởi kiện bằng Trọng tài thương mại, các bên hoặc bên khởi kiện cần làm những gi?

1. Trọng tài thương mại là gì? Phạm vi giải quyết của Trọng tài thương mại

• Trọng tài thương mại là phương thức giải quyết tranh chấp do các bên thoả thuận và được tiến hành theo quy định của Luật Trọng tài thương mại năm 2010 (“Luật TTTM”).

• Phạm vi giải quyết của Trọng tài thương mại (Điều 2 Luật TTTM):

(i) Tranh chấp giữa các bên phát sinh từ hoạt động thương mại.
(ii) Tranh chấp phát sinh giữa các bên trong đó ít nhất một bên có hoạt động thương mại.
(iii) Tranh chấp khác giữa các bên mà pháp luật quy định được giải quyết bằng Trọng tài.

2. Doanh nghiệp cần chuẩn bị gì khi khởi kiện tới Trọng tài thương mại?

Trước khi khởi kiện tới Trung tâm Trọng tài Thương mại, Nguyên đơn cần kiểm tra quy định pháp luật với những vấn đề sau:

• Thỏa thuận giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài thương mại:

Để giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài thương mại, các bên phải có Văn bản thỏa thuận hoặc có nội dung thỏa thuận tại Hợp đồng/Văn bản về việc các bên thống nhất lựa chọn giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài thương mại. Một điểm linh hoạt của Trọng tài thương mại đó là Thỏa thuận trọng tài có thể được lập trước hoặc sau khi xảy ra tranh chấp (Khoản 1 Điều 5 Luật TTTM).

Vì vậy, trường hợp trong Hợp đồng giữa các bên chưa có thỏa thuận trọng tài nhưng các bên muốn tiến hành giải quyết tranh chấp tại Trọng tài thương mại, hoặc thỏa thuận trọng tài trong hợp đồng chưa rõ ràng thì các bên có thể thương lượng bổ sung, điều chỉnh điều khoản về thỏa thuận Trọng tài thương mại trong hợp đồng hoặc xác lập Văn bản thỏa thuận trọng tài trước hoặc sau khi xảy ra tranh chấp.

• Thời hiệu khởi kiện:

Theo quy định tại Điều 33 Luật TTTM, trừ trường hợp luật chuyên ngành có quy định khác, thời hiệu khởi kiện theo thủ tục trọng tài là 02 năm, kể từ thời điểm nguyên đơn biết quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm.

• Soạn Đơn khởi kiện và chuẩn bị các tài liệu kèm theo:

 Theo quy định tại Luật TTTM, trường hợp giải quyết tranh chấp tại Trung tâm trọng tài, nguyên đơn phải làm đơn khởi kiện gửi đến Trung tâm trọng tài. Trường hợp vụ tranh chấp được giải quyết bằng Trọng tài vụ việc, nguyên đơn phải làm đơn khởi kiện và gửi cho bị đơn.

 Đơn khởi kiện phải đảm bảo đầy đủ các nội dung sau:

 Ngày, tháng, năm làm đơn;
 Tên, địa chỉ của các bên; tên, địa chỉ của người làm chứng, nếu có;
 Tóm tắt nội dung tranh chấp;
 Cơ sở và chứng cứ khởi kiện, nếu có;
 Các yêu cầu cụ thể của nguyên đơn và giá trị vụ tranh chấp;
 Tên, địa chỉ người được nguyên đơn chọn làm Trọng tài viên hoặc đề nghị chỉ định Trọng tài viên.

 Kèm theo đơn khởi kiện, phải có thỏa thuận trọng tài, bản chính hoặc bản sao các tài liệu có liên quan.

Thực tiễn cho thấy rằng Trọng tài thương mại sẽ giúp các pháp nhân rút ngắn thời gian, tiết kiệm chi phí, đơn giản hóa thủ tục, bảo đảm được bí mật kinh doanh, …Tuy nhiên, đến nay vẫn nhiều pháp nhân do chuẩn bị chưa đầy đủ trước khi khởi kiện đã dẫn tới quá trình khởi kiện tại Trung tâm Trọng tài thương mại gặp nhiều khó khăn do phải bổ sung tài liệu, chứng cứ, điều chỉnh nhiều lần các văn bản tố tụng gây lãng phí về thời gian và tiền bạc. Do đó, chúng tôi mong rằng qua bài viết này có thể đem lại cho độc giả góc nhìn bao quát để cân nhắc các yếu tố giúp cho việc chuẩn bị khởi kiện tại Trung tâm trọng tài thương mại được đầy đủ để đảm bảo lợi ích của doanh nghiệp.

Trên đây là bài viết của luật sư TNTP về chủ đề: “Cần làm những gì khi lựa chọn khởi kiện bằng trọng tài thương mại”. Mong rằng bài viết này đem lại giá trị với các độc giả.

Trân trọng,