Trong hoạt động xây dựng tại Việt Nam, các dự án lớn thường có nhà thầu chính và nhà thầu phụ. Nhà thầu chính ngoài việc phải đảm bảo các cam kết với chủ đầu tư theo nội dung Hợp đồng thầu chính còn có trách nhiệm giám sát, đôn đốc tiến độ công việc của các nhà thầu phụ theo nội dung Hợp đồng thầu phụ. Tuy nhiên, không ít những trường hợp việc chậm tiến độ của nhà thầu phụ gây ảnh hưởng đến tiến độ chung của toàn bộ dự án và ảnh hưởng đến lợi ích của nhà thầu chính. Trong bài viết này, chúng tôi sẽ đưa ra cách xử lý cho nhà thầu chính khi nhà thầu phụ chậm tiến độ hợp đồng thầu phụ đã ký kết.

I. Bên nào phải chịu trách nhiệm đối với chủ đầu tư khi nhà thầu phụ chậm tiến độ?

Tại Khoản 11 và Khoản 12 Điều 2 Nghị định 37/2015/NĐ-CP (“Nghị định 37/2015”) quy định chi tiết về Hợp đồng xây dựng, theo đó:

  • Nhà thầu chính là nhà thầu trực tiếp ký kết hợp đồng xây dựng với chủ đầu tư xây dựng.
  • Nhà thầu phụ là nhà thầu ký kết hợp đồng xây dựng với nhà thầu chính hoặc tổng thầu.

Theo quy định trên, nhà thầu chính sẽ có vai trò trung gian giữa chủ đầu tư và nhà thầu phụ trong một dự án đầu tư xây dựng. Vậy trong trường hợp nhà thầu phụ vi phạm tiến độ, bên nào sẽ phải chịu trách nhiệm đối với chủ đầu tư?

Áp dụng Khoản 3 Điều 4 Nghị định 37/2015/NĐ-CP quy định về nguyên tắc ký kết hợp đồng xây dựng, theo đó, tổng thầu, nhà thầu chính được ký hợp đồng với một hoặc một số nhà thầu phụ, nhưng các nhà thầu phụ này phải được chủ đầu tư chấp thuận, các hợp đồng thầu phụ này phải thống nhất, đồng bộ với hợp đồng thầu chính đã ký với chủ đầu tư. Tổng thầu, nhà thầu chính phải chịu trách nhiệm với chủ đầu tư về tiến độ, chất lượng các công việc đã ký kết, kể cả các công việc do nhà thầu phụ thực hiện.

Ngoài ra, theo quy định tại điểm d Khoản 1 Điều 47 Nghị định 37/2015/NĐ-CP thì khi Nhà thầu chính ký kết Hợp đồng thầu phụ với nhà thầu phụ, nhà thầu chính phải chịu trách nhiệm trước chủ đầu tư về tiến độ, chất lượng, an toàn lao động, bảo vệ môi trường, sai sót của mình và các công việc do các nhà thầu phụ thực hiện.

Như vậy, nếu nhà thầu phụ chậm tiến độ thì nhà thầu chính sẽ phải chịu trách nhiệm với chủ đầu tư về việc chậm tiến độ của nhà thầu phụ đó.

II. Bảo vệ quyền lợi cho nhà thầu chính khi nhà thầu phụ chậm tiến độ

Theo quy định tại Khoản 3 Điều 2 Nghị định 37/2015/NĐ-CP, theo đó:

  • Bên giao thầu là chủ đầu tư hoặc đại diện của chủ đầu tư hoặc tổng thầu hoặc nhà thầu chính.
  • Bên nhận thầu là tổng thầu hoặc nhà thầu chính khi bên giao thầu là chủ đầu tư; là nhà thầu phụ khi bên giao thầu là tổng thầu hoặc nhà thầu chính. Bên nhận thầu có thể là liên danh các nhà thầu.

Như vậy, đối với trường hợp tổng thầu hoặc nhà thầu chính là bên giao thầu thì nhà thầu phụ là bên nhận thầu.

Khi nhà thầu phụ chậm tiến độ theo Hợp đồng thầu phụ đã ký kết, nhà thầu chính hoặc tổng thầu có các quyền sau đây:

1. Tạm dừng hoặc Chấm dứt hợp đồng xây dựng

  • Theo quy định tại Khoản 2 Điều 40 Nghị định 37/2015/NĐ-CP về tạm dừng thực hiện công việc trong hợp đồng xây dựng, theo đó bên giao thầu có quyền tạm dừng thực hiện hợp đồng xây dựng khi bên nhận thầu không đáp ứng các yêu cầu về chất lượng, an toàn lao động và tiến độ theo hợp đồng đã ký kết.

Như vậy, trong quá trình thực hiện hợp đồng xây dựng, nếu nhà thầu phụ không đáp ứng được tiến độ theo hợp đồng thầu phụ đã ký kết, thì nhà thầu chính có quyền tạm dừng thực hiện hợp đồng xây dựng.

  • Ngoài ra theo quy định tại điểm b Khoản 7 Điều 41 Nghị định 37/2015/NĐ-CP về việc chấm dứt hợp đồng, theo đó bên giao thầu có quyền chấm dứt hợp đồng trong trường hợp bên nhận thầu từ chối thực hiện công việc theo hợp đồng hoặc năm mươi sáu (56) ngày liên tục không thực hiện công việc theo hợp đồng, dẫn đến vi phạm tiến độ thực hiện theo thỏa thuận hợp đồng, trừ trường hợp được phép của bên giao thầu.

Do đó, trường hợp nhà thầu phụ từ chối thực hiện công việc theo hợp đồng hoặc năm mươi sáu (56) ngày liên tục không thực hiện công việc theo hợp đồng, dẫn đến vi phạm tiến độ thực hiện theo thỏa thuận thì nhà thầu chính có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng với nhà thầu phụ.

2. Yêu cầu bồi thường thiệt hại

Theo điểm a Khoản 3 Điều 146 Luật Xây dựng 2014 quy định về thưởng, phạt hợp đồng xây dựng, bồi thường thiệt hại do vi phạm và giải quyết tranh chấp hợp đồng xây dựng, theo đó, bên nhận thầu phải bồi thường thiệt hại cho bên giao thầu trong trường hợp chất lượng công việc không bảo đảm với thỏa thuận trong hợp đồng hoặc kéo dài thời hạn hoàn thành do lỗi của bên nhận thầu gây ra.

Như vậy, nhà thầu chính có quyền yêu cầu nhà thầu phụ chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại nếu nhà thầu phụ có lỗi dẫn đến chậm tiến độ dự án theo thỏa thuận trong hợp đồng.

3. Khởi kiện tại tòa án có thẩm quyền

Mặc dù việc tạm ngừng, chấm dứt hợp đồng và bồi thường thiệt hại đã được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật, tuy nhiên không phải lúc nào nhà thầu chính và nhà thầu phụ cũng thống nhất được việc tạm ngừng, chấm dứt hợp đồng hoặc bồi thường. Ngay cả khi đã thống nhất được phương án giải quyết, nhà thầu phụ vẫn có thể không tiến hành bồi thường như đã cam kết trước đó với nhà thầu chính.

Trong trường hợp này, nhà thầu chính có thể khởi kiện nhà thầu phụ tại Tòa án có thẩm quyền để giải quyết tranh chấp theo quy định của pháp luật.

Trên đây là những nội dung và chia sẻ pháp lý về cách xử lý cho nhà thầu chính trong trường hợp nhà thầu phụ chậm tiến độ. Hy vọng bài viết này có ích với bạn.

Có thể bạn chưa đọc bài viết Nhà thầu thi công chậm tiến độ – Giải pháp nào cho chủ đầu tư?

Tham gia Fanpage Giải quyết tranh chấp và Thu hồi nợ để có thêm các thông tin pháp lý bổ ích.

Trân trọng.

Công ty Luật TNHH Quốc tế TNTP và Các Cộng sự

Luật sư: Nguyễn Thanh Hà

Email: ha.nguyen@tntplaw.com