Khi xảy ra tranh chấp, nếu các bên không thể giải quyết thông qua hòa giải, thương lượng thì thông thường, lựa chọn của các bên là khởi kiện tại Tòa án hoặc Trọng tài tùy theo nhu cầu của các bên. Việc khởi kiện này nhằm đảm bảo mỗi bên đều được bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều tổ chức và cá nhân chỉ nộp đơn khởi kiện rồi chờ đợi Cơ quan tiếp nhận đơn khởi kiện thụ lý, GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP mà không nắm rõ các quy định của pháp luật về tố tụng cũng như những thời điểm quan trọng cần phải lưu ý trong quá trình tố tụng. Do đó, bài viết pháp lý này sẽ chỉ ra các thời điểm quan trọng mà các bên trong tranh chấp cần lưu ý khi tham gia tố tụng tại Tòa án giai đoạn sơ thẩm.

Theo đó, các thời điểm quan trọng trong quá trình tố tụng tại Tòa án giai đoạn sơ thẩm như sau:

Nộp đơn khởi kiện

Theo quy định của pháp luật, đơn khởi kiện có thể được nộp trực tiếp tại Tòa án, nộp qua đường dịch vụ bưu chính và gửi trực tuyến bằng hình thức điện tử qua Cổng thông tin điện tử của Tòa án (nếu có).

Ngày khởi kiện sẽ được xác định là ngày đương sự nộp đơn khởi kiện tại Tòa án hoặc ngày được ghi trên dấu của tổ chức dịch vụ bưu chính nơi gửi. Trường hợp không xác định được ngày, tháng, năm theo dấu bưu chính nơi gửi thì ngày khởi kiện là ngày đương sự gửi đơn tại tổ chức dịch vụ bưu chính. Như vậy, thời điểm nộp đơn khởi kiện sẽ là căn cứ để Tòa án tính ngày khởi kiện và xác định thời điểm nhận đơn khởi kiện.

Phân công Thẩm phán và Xem xét đơn khởi kiện

Theo quy định tại Khoản 2, Khoản 3 Điều 191 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn khởi kiện, Chánh án Tòa án phân công một Thẩm phán xem xét đơn khởi kiện.

Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày được phân công, Thẩm phán phải xem xét đơn khởi kiện và có một trong các quyết định sau:

  • Yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện;
  • Thông báo thụ lý vụ án;
  • Chuyển đơn khởi kiện cho Tòa án có thẩm quyền và thông báo cho người khởi kiện;
  • Trả lại đơn khởi kiện.

Đây là một thời điểm quan trọng trong quá trình tố tụng giai đoạn sơ thẩm bởi nếu muốn giải quyết vụ án thì Tòa án phải thụ lý vụ án. Do đó, các bên phải lưu ý chuẩn bị và nộp đầy đủ hồ sơ khởi kiện và các tài liệu, chứng cứ kèm theo, xem xét kỹ quyền khởi kiện và các điều kiện khởi kiện cũng như thẩm quyền giải quyết của Tòa án trước khi nộp đơn khởi kiện để tránh việc phải bổ sung đơn khởi kiện, chuyển đơn khởi kiện gây mất thời gian cho việc GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP.

Nộp tạm ứng án phí

Khi xét thấy vụ án có đầy đủ cơ sở để khởi kiện và thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nơi nhận đơn thì Tòa án sẽ thông báo cho người khởi kiện để làm thủ tục nộp tiền tạm ứng án phí.

Theo Khoản 2 Điều 195 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày nhận được giấy báo của Tòa án về việc nộp tiền tạm ứng án phí, người khởi kiện phải nộp tiền tạm ứng án phí và nộp cho Tòa án biên lai thu tiền tạm ứng án phí.

Đây là điều kiện tiên quyết để Tòa án thụ lý vụ án. Do đó, người khởi kiện nên chú ý khi nhận được giấy báo của Tòa án và nhanh chóng nộp tạm ứng án phí để Tòa án thụ lý vụ án, làm cơ sở đầu tiên để GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP.

Thụ lý vụ án

Thời điểm Tòa thụ lý vụ án là thời điểm Tòa bắt đầu xem xét chi tiết hồ sơ khởi kiện và các tình tiết, chứng cứ trong hồ sơ để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên.

Theo quy định tại Khoản 3 Điều 195 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, Thẩm phán thụ lý vụ án khi người khởi kiện nộp cho Tòa án biên lai thu tiền tạm ứng án phí. Trường hợp người khởi kiện được miễn hoặc không phải nộp tiền tạm ứng án phí thì Thẩm phán thụ lý vụ án khi nhận được đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo.

Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày thụ lý vụ án, Thẩm phán phải ra thông báo về việc thụ lý vụ án và gửi cho nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và Viện kiểm sát cùng cấp.

Yêu cầu phản tố của bị đơn và Yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 199 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan phải nộp cho Tòa án văn bản ghi ý kiến của mình đối với yêu cầu của nguyên đơn và tài liệu, chứng cứ kèm theo, yêu cầu phản tố, yêu cầu độc lập (nếu có).

Việc xác định yêu cầu phản tố của bị đơn và yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là rất quan trọng trong vụ án bởi nó đảm bảo cả bị đơn và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan cũng có thể bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình khi GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP chứ không chỉ có nguyên đơn được bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp. Ngoài ra, việc xác định yêu cầu phản tố, yêu cầu độc lập còn là cơ sở để tính tạm ứng án phí đối với bị đơn và người có quyền, nghĩa vụ liên quan.

Bị đơn và người có quyền, nghĩa vụ liên quan cần lưu ý yêu cầu phản tố, yêu cầu độc lập chỉ được Tòa án chấp nhận nếu được đưa ra trước thởi điểm mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải.

Phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải

Đây là một thủ tục bắt buộc trong quá trình tố tụng giai đoạn sơ thẩm nhằm đảm bảo mọi chứng cứ đều được công khai và hợp pháp, được Tòa án chấp nhận; phiên hòa giải được diễn ra để các bên thương lượng, thỏa thuận việc GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP nếu có thể, tránh tạo áp lưc lên Tòa án khi phải xét xử quá nhiều vụ việc.

Theo Khoản 1 Điều 205 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, Tòa án tiến hành Phiên họp hòa giải giữa các đương sự trong thời hạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm vụ án. Trường hợp vụ án không được hòa giải hoặc không tiến hành hòa giải được thì Thẩm phán tiến hành phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ mà không tiến hành hòa giải.

Quyết định đưa vụ án ra xét xử

Trường hợp các đương sự không hòa giải được và không thuộc các trường hợp tạm đình chỉ giải quyết vụ án, đình chỉ giải quyết vụ án thì Tòa án sẽ ra Quyết định đưa vụ án ra xét xử. Theo đó, Quyết định này ghi rõ những người tham gia phiên tòa và ngày, giờ, tháng, năm, địa điểm mở phiên tòa. Vì vậy, các bên cần lưu ý đọc kỹ Quyết định để có mặt hoặc đại diện theo ủy quyền tham gia phiên tòa sơ thẩm và thực hiện việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Phiên tòa sơ thẩm

Phiên tòa sơ thẩm sẽ được diễn ra theo ngày, giờ, tháng, năm được ghi trong Quyết định đưa vụ án ra xét xử và sẽ chỉ bị hoãn trong một số trường hợp quy định tại Khoản 1 Điều 233 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.

Tại phiên tòa sơ thẩm, các đương sự và đại diện của đương sự sẽ trình bày vụ việc và sử dụng các chứng cứ để làm rõ và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Sau khi kết thúc phần tranh luận tại phiên tòa sơ thẩm, Hội đồng xét xử sẽ nghị án và ra Bản án sơ thẩm. Hội đồng xét xử tuyên đọc bản án với sự có mặt của các đương sự, đại diện cơ quan, tổ chức và cá nhân khởi kiện.

Bản án sẽ có hiệu lực pháp luật sau 15 ngày kể từ ngày tuyên án nếu không có kháng cáo, kháng nghị. Bản án có hiệu lực pháp luật chính là cơ sở pháp lý xác định kết quả GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP của các bên. Như vậy, đây là căn cứ để đương sự kháng cáo hoặc các bên thi hành bản án nếu bản án có hiệu lực pháp luật.

Ngoài những thời điểm được nêu trên, quá trình tố tụng tại Tòa án giai đoạn sơ thẩm còn có những thời điểm đáng lưu ý khác như áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, định giá và thẩm định giá. Tuy nhiên, bài viết chỉ nêu ra các thời điểm đặc biệt quan trọng, các thủ tục bắt buộc trong quá trình GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP cũng như các thời điểm xuất hiện thường xuyên trong thủ tục tố tụng sơ thẩm. Qua đây, chúng tôi mong rằng bài viết này có ích cho bạn.

Trân trọng.

 

Có thể bạn quan tâm đến: Những lưu ý khi thương lượng để giải quyết tranh chấp

Công ty luật TNHH Quốc tế TNTP và Các Cộng sự

Tầng 4 số 200 phố Nguyễn Lương Bằng, phường Quang Trung, quận Đống Đa, Hà Nội

Luật sư Nguyễn Thanh Hà

Email: ha.nguyen@tntplaw.com