Tranh chấp về bản chất là sự mâu thuẫn về quyền và lợi ích giữa hai hoặc nhiều bên có mối quan hệ ràng buộc về quyền và lợi ích nhất định với nhau trên cơ sở hợp đồng hoặc thỏa thuận dân sự. Khi xảy ra tranh chấp, các bên có thể lựa chọn giải quyết tranh chấp bằng nhiều phương thức khác nhau. Trong số các phương thức giải quyết trnah chấp, giải quyết tranh chấp tại Tòa án là phương thức được sử dụng tương đối phổ biến. Khi lựa chọn giải quyết tranh chấp tại Tòa án, để tránh lãng phí thời gian, công sức, tiền bạc, các bên cần lưu ý đến việc vụ việc tranh chấp có đủ điểu kiện để được thụ lý hay không trước khi nộp đơn khởi kiện tại Tòa án. Trong bài viết này, luật sư TNTP sẽ phân tích các điều kiện Tòa án thụ lý tranh chấp để các bên trong tranh chấp nắm được trước khi lựa chọn giải quyết tranh chấp tại Tòa án.
1. Điều kiện về chủ thể khởi kiện
Thứ nhất, chủ thể khởi kiện phải là chủ thể có năng lực hành vi tố tụng dân sự.
Năng lực hành vi tố tụng dân sự được Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 (“BLTTDS 2015”) quy định là khả năng tự mình thực hiện quyền, nghĩa vụ tố tụng dân sự hoặc ủy quyền cho người đại diện tham gia tố tụng dân sự. Theo đó, Điều 69 BLTTDS 2015 quy định như sau:
• Đối với đương sự là cá nhân: Đương sự có đầy đủ năng lực hành vi tố tụng dân sự từ khi đủ mười tám tuổi trở lên, trừ người mất năng lực hành vi dân sự hoặc pháp luật có quy định khác. Theo đó, thông thường, đối với người chưa đủ 18 tuổi, việc thực hiện quyền, nghĩa vụ tố tụng dân sự, việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp sẽ do người đại diện hợp pháp của họ thực hiện.
Ngoại lệ của trường hợp này có thể kể tới trường hợp đương sự là người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi nhưng đã tham gia lao động theo hợp đồng lao động hoặc giao dịch dân sự bằng tài sản riêng của mình, thì được tự mình tham gia tố tụng về những việc có liên quan đến quan hệ lao động hoặc quan hệ dân sự đó.
• Đối với cơ quan tổ chức: Đương sự là cơ quan, tổ chức thì sẽ do người đại diện hợp pháp tham gia tố tụng.
Thứ hai, Chủ thể khởi kiện phải có quyền khởi kiện.
Căn cứ vào Điều 186 BLTTDS 2015 về quyền khởi kiện vụ án, theo đó, cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp khởi kiện vụ án tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền để yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Như vậy, có thể hiểu, tại thời điểm khởi kiện, người khởi kiện có căn cứ cho rằng quyền và lợi ích đã bị xâm phạm thì có quyền khởi kiện để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
2. Điều kiện về thẩm quyền của Toà án
Tòa án chỉ thụ lý các tranh chấp thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án. Theo đó, đối với mỗi vụ việc, người khởi kiện phải xác định đúng và nộp đơn khởi kiện tại Toà án có thẩm quyền.
Thẩm quyền của Tòa án cần được xác định theo thứ tự:
(1) Xác định Tòa án có thẩm quyền theo vụ việc;
(2) Xác định Tòa án có thẩm quyền theo cấp xét xử;
(3) Xác định Tòa án có thẩm quyền theo lãnh thổ.
Ngoài ra, thẩm quyền của Tòa án còn được xác định theo sự lựa chọn của nguyên đơn theo Điều 40 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.
3. Sự việc chưa được giải quyết bằng bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật
Một trong những điều kiện thụ lý tranh chấp là sự việc phải chưa được giải quyết bằng bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật. Trường hợp tranh chấp đã được giải quyết bằng bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án hoặc quyết định đã có hiệu lực của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì Tòa án sẽ không thụ lý vụ án, đồng thời sẽ trả lại đơn khởi kiện cho người khởi kiện. Đối với trường hợp Tòa án đã thụ lý vụ án, khi xác định được sự việc đã được giải quyết bằng các văn bản có hiệu lực, Tòa án sẽ ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án theo Điều 217.1.g BLTTDS 2015.
4. Điều kiện thủ tục tiền tố tụng
Điều kiện thủ tục tiền tố tụng không áp dụng với tất cả các tranh chấp mà chỉ đặt ra đối với một số tranh chấp trong lĩnh vực đặc thù như tranh chấp về lao động, tranh chấp về đất đai,…
Chẳng hạn, trong giải quyết tranh chấp về lao động, trước khi khởi kiện tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền, đối với một số tranh chấp lao động, các bên buộc phải đưa vụ việc ra giải quyết thông qua thủ tục hòa giải của hòa giải viên lao động. Đó là những tranh chấp không thuộc trường hợp không bắt buộc phải qua thủ tục hòa giải quy định tại Điều 188.1 Bộ luật Lao động 2019 và Điều 32.1 BLTTDS 2015. Khi tiến hành thủ tục hòa giải, chỉ trong trường hợp hết thời hạn hòa giải mà hòa giải viên lao động không tiến hành hòa giải hoặc trường hợp hòa giải không thành thì các bên tranh chấp mới có quyền khởi kiện tại Tòa án có thẩm quyền.
5. Điều kiện về nộp tạm ứng án phí
Nộp tiền tạm ứng án phí là nghĩa vụ của người khởi kiện được quy định tại Điều 146.1 BLTTDS 2015. Theo đó, nguyên đơn trong vụ án dân sự phải nộp tiền tạm ứng án phí sơ thẩm trừ trường hợp được miễn hoặc không phải nộp tiền tạm ứng án phí.
Về hậu quả pháp lý khi không thực hiện nghĩa vụ nộp tạm ứng án phí, căn cứ Điều 192.d.1 BLTTDS 2015, hậu quả của việc không nộp tạm ứng án phí là khi hết thời hạn quy định tại Điều 195.2 BLTTDS 2015 mà người khởi kiện không nộp biên lai thu tiền tạm ứng án phí cho Tòa án, nếu không rơi vào trường hợp người khởi kiện được miễn hoặc không phải nộp tiền tạm ứng án phí hoặc có trở ngại khách quan, sự kiện bất khả kháng thì Tòa án sẽ không thụ lý vụ án mà trả lại đơn khởi kiện cho người khởi kiện.
Lưu ý: Điều kiện thụ lý vụ án không bao gồm nội dung về thời hiệu khởi kiện. Tuy nhiên, theo quy định, trường hợp đương sự có yêu cầu áp dụng thời hiệu trước khi Tòa án cấp sơ thẩm ra bản án, quyết định giải quyết vụ án và thời hiệu khởi kiện đã hết thì Tòa án sẽ đình chỉ vụ án dù đã thụ lý vụ án.
Trên đây là nội dung bài viết “Điều kiện tòa án thụ lý tranh chấp – Nội dung đầu tiên cần lưu ý khi lựa chọn giải quyết tranh chấp tại Tòa án” mà TNTP gửi đến quý độc giả. Hi vọng bài viết đem lại lợi ích đối với các độc giả.
Trân trọng,