Trong lĩnh vực xây dựng, việc nghiệm thu và bàn giao công trình là bước quan trọng nhằm xác nhận rằng công trình đã hoàn thành đúng theo yêu cầu kỹ thuật, đảm bảo chất lượng và phù hợp với các điều khoản trong hợp đồng. Sau khi công trình được bàn giao, trách nhiệm của các bên cũng thay đổi tùy theo quy định pháp luật và các thỏa thuận trong hợp đồng. Bài viết này, TNTP sẽ làm rõ quy định về nghiệm thu và trách nhiệm của các bên sau khi bàn giao công trình.

1. Quy định về nghiệm thu công trình

Nghiệm thu công trình là quá trình đánh giá, kiểm tra toàn bộ các hạng mục, kết cấu công trình để xác nhận rằng công trình đã được thi công hoàn chỉnh, đạt tiêu chuẩn kỹ thuật và an toàn trước khi đưa vào sử dụng. Theo quy định tại Luật Xây dựng 2014, Chủ đầu tư có trách nhiệm tổ chức nghiệm thu công trình xây dựng, tổ chức, cá nhân tham gia nghiệm thu chịu trách nhiệm về sản phẩm do mình xác nhận khi nghiệm thu công trình xây dựng. Theo đó, việc nghiệm thu công trình cần tuân thủ các nguyên tắc và quy trình sau:

• Việc nghiệm thu công trình xây dựng được quy định tại Điều 123 Luật Xây dựng 2014, gồm: nghiệm thu các công việc trong quá trình thi công và các giai đoạn chuyển bước thi công khi cần; và nghiệm thu hoàn thành hạng mục công trình, hoàn thành công trình để đưa vào khai thác, sử dụng.

• Theo quy định tại Nghị định số 06/2021/NĐ-CP về quản lý chất lượng, thi công xây dựng và bảo trì công trình xây dựng, thì tùy thuộc vào tính chất và điều kiện riêng biệt của mỗi công trình, chủ đầu tư và các nhà thầu có thể đưa ra thỏa thuận cụ thể về quy trình nghiệm thu gồm: nghiệm thu giai đoạn thi công xây dựng hoặc bộ phận công trình.

Trước khi đưa công trình vào khai thác, sử dụng, chủ đầu tư có trách nhiệm tổ chức và trực tiếp tham gia nghiệm thu toàn bộ hạng mục công trình. Tuy nhiên, nếu công trình vẫn còn một số tồn tại nhưng việc thi công cơ bản hoàn thành theo thiết kế, tồn tại không ảnh hưởng đến khả năng chịu lực, tuổi thọ, công năng và đảm bảo an toàn, đáp ứng quy định pháp luật, chủ đầu tư cũng có thể quyết định nghiệm thu có điều kiện để đưa công trình hoặc hạng mục vào khai thác tạm thời.

Trường hợp nếu một phần công trình đã hoàn thành và đáp ứng điều kiện, chủ đầu tư có thể nghiệm thu phần đó để khai thác tạm. Kết quả nghiệm thu phải được xác nhận bằng biên bản. Chủ đầu tư phải tiếp tục thi công và nghiệm thu phần còn lại, đảm bảo an toàn và không ảnh hưởng đến phần đã đưa vào khai thác.

2. Trách nhiệm của các bên sau khi bàn giao công trình

Việc bàn giao công trình xây dựng được quy định tại Điều 27 Nghị định số 06/2021/NĐ-CP, theo đó phải tuân thủ các yêu cầu sau: Công trình đã nghiệm thu; và đảm bảo an toàn khi vận hành, khai thác.

Chủ đầu tư có trách nhiệm tiếp nhận công trình theo hợp đồng, và những người tham gia bàn giao phải chịu trách nhiệm về sản phẩm đã xác nhận. Nếu chủ đầu tư không đồng thời là người quản lý, chủ đầu tư phải bàn giao công trình cho đơn vị quản lý sử dụng sau khi đã nghiệm thu, và việc bàn giao phải được lập thành biên bản.

Sau khi công trình được bàn giao, trách nhiệm của các bên sẽ được quy định cụ thể trong hợp đồng xây dựng và các quy định pháp luật hiện hành. Dưới đây là một số trách nhiệm chính của các bên:

a) Trách nhiệm của Chủ đầu tư và người quản lý sử dụng

• Thanh toán chi phí: Sau khi nhận bàn giao công trình, chủ đầu tư có trách nhiệm thanh toán toàn bộ hoặc phần còn lại của chi phí theo các điều khoản hợp đồng. Điều này bao gồm cả các khoản chi phí phát sinh đã được thỏa thuận (nếu có) và các khoản bảo đảm thanh toán cho nhà thầu. Đồng thời, trong thời hạn bảo hành công trình, chủ đầu tư có trách nhiệm kiểm tra và nghiệm thu việc thực hiện bảo hành của nhà thầu.

• Bảo quản và sử dụng công trình: Sau khi nhận bàn giao, chủ đầu tư, chủ sở hữu hoặc người quản lý chịu trách nhiệm về việc bảo quản và sử dụng công trình đúng mục đích.

• Trong thời gian bảo hành công trình xây dựng, khi phát hiện hư hỏng hoặc khiếm khuyết, chủ đầu tư, chủ sở hữu, hoặc người quản lý, sử dụng công trình phải thông báo cho chủ đầu tư để yêu cầu nhà thầu thi công xây dựng và nhà thầu cung ứng thiết bị thực hiện bảo hành. Đồng thời, chủ sở hữu hoặc người quản lý, sử dụng công trình cũng có trách nhiệm tham gia xác nhận hoàn thành bảo hành khi được chủ đầu tư yêu cầu.

• Chịu trách nhiệm về chất lượng công trình sau khi nghiệm thu nếu trong quá trình sử dụng phát sinh vấn đề về chất lượng không do lỗi của nhà thầu hoặc nhà cung cấp.

b) Trách nhiệm của Nhà thầu

• Khắc phục các lỗi nghiệm thu: Nếu trong quá trình nghiệm thu có phát hiện sai sót hoặc không đạt yêu cầu kỹ thuật và chưa được nhiệm thu. nhà thầu phải chịu trách nhiệm khắc phục các lỗi này.

• Bảo hành công trình: Sau khi bàn giao, nhà thầu có nghĩa vụ bảo hành công trình theo quy định pháp luật và hợp đồng. Thời gian bảo hành thường được các bên thỏa thuận trong hợp đồng và dao động tùy theo loại công trình.

Khi kết thúc thời gian bảo hành, nhà thầu lập báo cáo hoàn thành gửi chủ đầu tư, để chủ đầu tư phải xác nhận việc hoàn thành bảo hành và hoàn trả tiền bảo hành (hoặc giải tỏa thư bảo lãnh) nếu yêu cầu được đáp ứng.

Các nhà thầu khảo sát, thiết kế, thi công xây dựng công trình, cung ứng thiết bị, cùng với các nhà thầu liên quan khác, đều có trách nhiệm về chất lượng công việc mà mình đã thực hiện, ngay cả sau thời gian bảo hành.

c) Trách nhiệm của đơn vị tư vấn thiết kế và tư vấn giám sát

• Tư vấn trong quá trình bảo hành và bảo trì: Đơn vị tư vấn thiết kế có trách nhiệm hỗ trợ chủ đầu tư và nhà thầu trong việc khắc phục những sai sót về thiết kế, nếu có, và đề xuất các giải pháp sửa chữa trong quá trình bảo hành.

• Chịu trách nhiệm về thiết kế: Nếu xảy ra sự cố công trình liên quan đến sai sót trong thiết kế, đơn vị tư vấn thiết kế phải chịu trách nhiệm và phối hợp với nhà thầu để khắc phục. Họ phải đảm bảo rằng các bản vẽ, tài liệu kỹ thuật được áp dụng đúng quy chuẩn và tiêu chuẩn.

• Giám sát việc bảo hành: Đơn vị tư vấn giám sát, nếu có trong thỏa thuận, tiếp tục giám sát quá trình bảo hành và sửa chữa của nhà thầu, đảm bảo rằng các công việc bảo hành được thực hiện đúng chất lượng.

Nghiệm thu và bàn giao công trình là những bước quan trọng trong quá trình xây dựng, đòi hỏi sự tuân thủ nghiêm ngặt các quy định pháp luật và các điều khoản hợp đồng. Chủ đầu tư, nhà thầu và các bên liên quan cần thực hiện đầy đủ trách nhiệm của mình sau khi bàn giao để đảm bảo chất lượng công trình, cũng như hạn chế tối đa các tranh chấp có thể phát sinh. Việc hiểu rõ trách nhiệm và quyền lợi của các bên sau khi bàn giao sẽ giúp quá trình quản lý dự án diễn ra suôn sẻ và hiệu quả hơn.

Trên đây là bài viết “Quy định về nghiệm thu và trách nhiệm của các bên sau khi bàn giao công trình” mà TNTP gửi đến Quý độc giả. TNTP hi vọng bài viết này giúp ích cho Quý độc giả.

Trân trọng,