Hợp đồng xây dựng là một trong những loại hợp đồng đặc thù bởi yếu tố kỹ thuật, đặc tính sản phẩm, năng lực chủ thể và trách nhiệm của các bên tham gia trong hợp đồng. Khi tham gia vào quan hệ hợp đồng nói chung, quan hệ hợp đồng xây dựng nói riêng, các bên có nghĩa vụ thực hiện đúng các thỏa thuận trong hợp đồng. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện hợp đồng, bên thi công có thể vi phạm về tiến độ thi công. Vậy trường hợp bên thi công chậm tiến độ trong hợp đồng xây dựng thì sẽ chịu chế tài như thế nào? Quý độc giả vui lòng theo dõi bài phân tích sau của chúng tôi để hiểu rõ hơn về vấn đề này.
1. Quy định chung về hợp đồng xây dựng
- Về chủ thể: Chủ thể của hợp đồng xây dựng gồm bên giao thầu và bên nhận thầu. Bên giao thầu có thể là bất kỳ cá nhân, doanh nghiệp, cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội hay đơn vị vũ trang nhân dân,… có nhu cầu xây dựng. Bên nhận thầu là doanh nghiệp xây dựng có đăng ký kinh doanh hành nghề xây dựng và phải đảm bảo năng lực về chuyên môn, kỹ thuật, kinh nghiệm và tài chính;
- Quyền và nghĩa vụ của các bên: Quyền và nghĩa vụ của các bên được các bên thỏa thuận trong hợp đồng, có thể kể đến các quyền và nghĩa vụ cơ bản sau: bên nhận thầu có nghĩa vụ thực hiện và bàn giao cho bên giao thầu một phần hoặc toàn bộ công trình xây dựng theo đúng yêu cầu của bên giao thầu trong thời hạn nhất định, còn bên giao thầu có nghĩa vụ giao cho bên nhận thầu các số liệu, tài liệu, yêu cầu về khảo sát, thiết kế, mặt bằng xây dựng, vật liệu xây dựng và vốn đầu tư đúng tiến độ, đồng thời có nghĩa vụ nghiệm thu và thanh toán khi công trình hoàn thành từng phần hoặc toàn bộ;
- Về hình thức: Hợp đồng xây dựng phải được ký kết bằng văn bản với các nội dung cơ bản như: đối tượng thực hiện; thời hạn thực hiện; quyền và nghĩa vụ của các bên; phạt vi phạm; bồi thường thiệt hại;…
- Về loại hợp đồng: Hợp đồng xây dựng bao gồm nhiều loại, được phân loại theo tính chất, nội dung công việc thực hiện và giá hợp đồng áp dụng, có thể kể đến như hợp đồng trọn gói, hợp đồng theo đơn giá điều chỉnh,…
2. Tiến độ, chậm tiến độ trong hợp đồng xây dựng
- Tiến độ trong hợp đồng xây dựng được hiểu là sự thỏa thuận của các bên về các mốc hoàn thành, bàn giao các công việc, sản phẩm chủ yếu;
- Chậm tiến độ trong hợp đồng xây dựng là bên nhận thầu (bên thi công công trình, dự án) đã không thực hiện đúng về thời gian thực hiện các hạng mục công việc trong công trình, dự án mà các bên đã thỏa thuận.
3. Phạt chậm tiến độ trong hợp đồng xây dựng
- Về căn cứ phát sinh: Theo quy định tại Điều 146 Luật Xây dựng năm 2014, sửa đổi bổ sung năm 2020, phạt chậm tiến độ trong hợp đồng xây dựng phải được các bên thỏa thuận và ghi trong hợp đồng. Trường hợp các bên không có thỏa thuận và không ghi trong hợp đồng; hoặc có thoả thuận nhưng chỉ thể hiện bằng lời nói và không ghi trong hợp đồng thì bên bị vi phạm sẽ không được áp dụng chế tài phạt vi phạm đối với bên vi phạm;
- Về mức phạt vi phạm: Đối với công trình xây dựng sử dụng vốn nhà nước, mức phạt hợp đồng không vượt quá 12% giá trị phần hợp đồng bị vi phạm. Như vậy, các bên sẽ được thỏa thuận mức phạt, tuy nhiên mức phạt này không được vượt quá 12% giá trị phần hợp đồng vi phạm. Trường hợp các bên thỏa thuận phạt với mức vượt quá 12% giá trị phần hợp đồng bị vi phạm thì phần vượt quá không được áp dụng, trừ trường hợp bên vi phạm tự nguyện chịu phạt và không phát sinh tranh chấp giữa các bên về mức phạt;
Đối với các công trình xây dựng không sử dụng vốn nhà nước thì mức phạt vi phạm sẽ được xác định dựa trên quy định của Bộ luật dân sự (BLDS) năm 2015. Điều 138 Luật Xây dựng năm 2014, sửa đổi bổ sung năm 2020 đã xác định hợp đồng xây dựng là hợp đồng dân sự cho nên mức phạt vi phạm trong trường hợp này được thực hiện theo quy định của BLDS năm 2015, cụ thể mức phạt sẽ do các bên thỏa thuận mà không bị giới hạn, tuy nhiên thỏa thuận này không được trái với quy định của pháp luật và đạo đức xã hội.
Trên đây là bài viết “Quy định về phạt chậm tiến độ trong hợp đồng xây dựng”. Chúng tôi hy vọng bài viết này có ích với các bạn.