Trọng tài là phương thức được sử dụng phổ biến để giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế. Theo nguyên tắc lãnh thổ, phán quyết của trọng tài chỉ có hiệu lực trong phạm vi quốc gia nơi phán quyết được tuyên. Chính vì vậy, để một phán quyết được tuyên trên lãnh thổ của một quốc gia có thể được thi hành trên lãnh thổ của một quốc gia khác, các bên sẽ phải tiến hành thủ tục công nhận và cho thi hành phán quyết đó. TNTP sẽ trình bày các nguyên tắc cơ bản về công nhận và cho thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài tại Việt Nam trong bài viết này.
1. Nguyên tắc thứ nhất: Dựa trên cơ sở của Điều ước quốc tế
Theo khoản 1 Điều 424 BLTTDS 2015, phán quyết của Trọng tài nước ngoài sẽ được xem xét công nhận và cho thi hành tại Việt Nam nếu cả hai quốc gia cùng là thành viên của điều ước quốc tế về công nhận và cho thi hành phán quyết của Trọng tài nước ngoài.
Nguyên tắc này được cụ thể hóa trong quy định tại Điều 1 của Công ước New York năm 1958 mà Việt Nam là thành viên. Phạm vi Công ước được quy định như sau: i) Áp dụng cho công nhận và thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài được đưa ra tại vùng lãnh thổ của bất kỳ quốc gia nào ngoài quốc gia được yêu cầu công nhận và cho thi hành, và xuất phát từ các tranh chấp giữa pháp nhân hoặc cá nhân; ii) Áp dụng cho phán quyết trọng tài không được coi là phán quyết trọng tài trong nước tại quốc gia được yêu cầu công nhận và cho thi hành. Các nguyên tắc áp dụng Công ước: i) Công ước áp dụng với các quốc gia thành viên; ii) Công ước cũng áp dụng trên cơ sở có đi có lại với các quốc gia không phải là thành viên; iii) Công ước chỉ áp dụng với những tranh chấp phát sinh từ quan hệ thương mại; iv) Nguyên tắc không phân biệt đối xử.
Ngoài Công ước New York năm 1958, vấn đề công nhận và cho thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài tại Việt Nam còn được quy định tại các hiệp định tương trợ tư pháp, hiệp định về khuyến khích và bảo hộ đầu tư mà Việt Nam đã ký với quốc gia khác trên thế giới, ví dụ như: Hiệp định với Italia, Hiệp định với Malaysia, Hiệp định với Pháp, Hiệp định với Singapore, Hiệp định với Campuchia, Hiệp định với Trung Quốc,…
2. Nguyên tắc thứ hai: Có đi có lại
Nguyên tắc này có vai trò quan trọng trong quan hệ quốc tế, theo đó một quốc gia sẽ áp dụng cho cá nhân hoặc tổ chức nước ngoài chế độ tương tự như đối với công dân hoặc tổ chức trong nước. Thông thường, chế độ này là chế độ tối huệ quốc, chế độ quốc gia, hoặc một dạng đặc biệt khác. Trong một số trường hợp, nguyên tắc có thể mang tính tiêu cực, chẳng hạn như một quốc gia áp dụng các biện pháp “trả đũa” nếu quyền lợi của cá nhân, tổ chức bị hạn chế ở quốc gia khác.
Nguyên tắc này vẫn chưa được quy định cụ thể trong Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015 về cơ sở pháp lý để đảm bảo quyền thực hiện, trình tự, thủ tục, thẩm quyền áp dụng. Tuy nhiên, trong Luật Tương trợ tư pháp năm 2007, Tòa án áp dụng nguyên tắc này dựa theo công bố của Bộ Ngoại giao về danh sách các nước áp dụng nguyên tắc có đi có lại với Việt Nam. Mặc dù vậy, hiện chưa có cơ chế để chứng minh, xây dựng danh sách các phán quyết của trọng tài Việt Nam đã được công nhận tại nước ngoài. Nguyên tắc này được sử dụng chủ yếu dựa trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau giữa các quốc gia.
Việc các quốc gia áp dụng nguyên tắc này không nhất thiết phải là thành viên của điều ước quốc tế nào liên quan đến vấn đề này, do đó Tòa án Việt Nam vẫn công nhận và cho thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài nếu Tòa án nước ngoài công nhận và cho thi hành phán quyết của Trọng tài Việt Nam ở nước đó.
3. Nguyên tắc thứ ba: không trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật của Việt Nam
Nguyên tắc này được ghi nhận tại điểm b Khoản 2 Điều 459 BLTTDS 2015. Đây là nguyên tắc nhằm đảm bảo quyền lợi của các bên trong các vụ việc có yếu tố nước ngoài và thể hiện sự tôn trọng đối với pháp luật và chủ quyền quốc gia. Phán quyết của trọng tài nước ngoài sẽ chỉ được công nhận và thi hành tại Việt Nam nếu không trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam.
Trên đây là bài viết “Các nguyên tắc cơ bản về công nhận và cho thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài tại Việt Nam” mà TNTP gửi đến bạn đọc. Trường hợp có vấn đề cần trao đổi, vui lòng liên hệ với TNTP để được hỗ trợ kịp thời.
Trân trọng,