Hợp đồng vô hiệu là hợp đồng không đáp ứng được các điều kiện có hiệu lực mà pháp luật về hợp đồng đã yêu cầu hoặc trong trường hợp pháp luật có quy định khác. Các trường hợp khiến một hợp đồng bị tuyên là vô hiệu rất đa dạng, được quy định không chỉ trong Bộ luật Dân sự 2015 còn cả trong luật chuyên ngành. Các bên cần chú ý đến thời hiệu và chủ thể có quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền tuyên bố hợp đồng vô hiệu để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
1. Thời hiệu yêu cầu cơ quan có thẩm quyền tuyên bố hợp đồng vô hiệu
Tùy từng trường hợp hợp đồng vô hiệu, thời hiệu yêu cầu tuyên bố hợp đồng vô hiệu sẽ khác nhau trong từng trường hợp, có thể xác định theo ba nhóm sau đây:
Nhóm 1: Hợp đồng vô hiệu do vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội; hợp đồng vô hiệu do giả tạo; hợp đồng vô hiệu do có đối tượng không thể thực hiện được
Thời hiệu yêu cầu cơ quan có thẩm quyền tuyên bố vô hiệu không bị hạn chế. Như vậy, chủ thể có quyền yêu cầu tuyên bố hợp đồng vô hiệu tại bất kỳ thời điểm nào.
Nhóm 2: Hợp đồng vô hiệu do người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự xác lập, thực hiện; hợp đồng vô hiệu do bị nhầm lẫn; hợp đồng vô hiệu do bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép; hợp đồng vô hiệu do người xác lập không nhận thức và làm chủ được hành vi của mình; hợp đồng vô hiệu do không tuân thủ quy định về hình thức
Thời hiệu yêu cầu cơ quan có thẩm quyền tuyên bố hợp đồng vô hiệu đối với các trường hợp trong nhóm này là 02 năm, kể từ ngày:
• Người đại diện của người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự biết hoặc phải biết người được đại diện tự mình xác lập, thực hiện hợp đồng;
• Người bị nhầm lẫn, bị lừa dối biết hoặc phải biết hợp đồng được xác lập do bị nhầm lẫn, do bị lừa dối;
• Người có hành vi đe dọa, cưỡng ép chấm dứt hành vi đe dọa, cưỡng ép;
• Người không nhận thức và làm chủ được hành vi của mình xác lập hợp đồng;
• Hợp đồng được xác lập trong trường hợp hợp đồng không tuân thủ quy định về hình thức.
Hết thời hiệu quy định mà không có yêu cầu tuyên bố hợp đồng vô hiệu thì hợp đồng có hiệu lực.
Nhóm 3: Hợp đồng vô hiệu theo quy định của pháp luật chuyên ngành
Ngoài BLDS 2015 quy định về các trường hợp hợp đồng vô hiệu thì các luật chuyên ngành cũng có các quy định riêng về những trường hợp vô hiệu của hợp đồng. Hợp đồng được điều chỉnh bởi luật chuyên ngành nào thì sẽ áp dụng luật đó để giải quyết việc tuyên hợp đồng vô hiệu.
2. Chủ thể có quyền yêu cầu tuyên bố và tuyên bố hợp đồng vô hiệu
(a) Chủ thể có quyền yêu cầu tuyên bố
Về cơ bản, chủ thể có quyền yêu cầu tuyên bố hợp đồng vô hiệu là các bên trong quan hệ hợp đồng, chủ thể có quyền và lợi ích liên quan đến hợp đồng. Đối với trường hợp hợp đồng vô hiệu do người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự xác lập, thực hiện thì người có quyền yêu cầu tuyên bố hợp đồng vô hiệu là người đại diện của những người này. Tuy nhiên, đối với những trường hợp hợp đồng vô hiệu do vi phạm điều cấm, trái đạo đức xã hội hoặc hợp đồng vô hiệu do giả tạo, bất kỳ ai có quyền yêu cầu tuyên bố hợp đồng vô hiệu.
(b) Chủ thể có quyền tuyên bố
Chủ thể có thẩm quyền tuyên bố hợp đồng vô hiệu là tòa án hoặc trọng tài. Trọng tài có thẩm quyền giải quyết các tranh chấp sau: Tranh chấp giữa các bên phát sinh từ hoạt động thương mại; Tranh chấp phát sinh giữa các bên trong đó ít nhất một bên có hoạt động thương mại; Tranh chấp khác giữa các bên mà pháp luật quy định được giải quyết bằng Trọng tài.
Trên thực tế, trong một số quan hệ pháp luật, trọng tài không có thẩm quyền tuyên một số hợp đồng là vô hiệu. Ví dụ, trong quan hệ pháp luật lao động, Tòa án là cơ quan duy nhất có thẩm quyền tuyên bố hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể vô hiệu.
Như vậy, để một hợp đồng bị coi là vô hiệu khi có một bản án, quyết định, phán quyết có hiệu lực của tòa án hoặc trọng tài tuyên bố hợp đồng bị vô hiệu, nếu không thì hợp đồng vẫn sẽ có hiệu lực.
Trên đây là bài viết của TNTP về chủ đề “Thời hiệu và chủ thể có quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền tuyên bố hợp đồng vô hiệu”. Mong rằng bài viết trên đem lại giá trị cho các độc giả.
Trân trọng,