Việc giải quyết tranh chấp tại Trọng tài dần được nhiều doanh nghiệp lựa chọn do các ưu điểm của phương thức này, đặc biệt giải quyết tại Trung tâm trọng tài. Quá trình tố tụng tại Trung tâm trọng tài có những điểm khác biệt so với quá trình tố tụng tại Tòa án. Trong bài viết này, TNTP sẽ phân tích những nội dung cần chú ý khi tiến hành tố tụng Trọng tài.
1. Hồ sơ khởi kiện
Trường hợp thỏa thuận trọng tài thể hiện rõ trung tâm trọng tài giải quyết vụ việc thì nguyên đơn sẽ gửi đơn khởi kiện đến Trung tâm trọng tài đó. Trường hợp các bên không thỏa thuận cụ thể về Trung tâm trọng tài có thẩm quyền giải quyết, các bên cần thỏa thuận Trung tâm trọng tài trong trường hợp này, nếu không thỏa thuận được thì việc lựa chọn tổ chức trọng tài để giải quyết tranh chấp được thực hiện theo yêu cầu của nguyên đơn.
Đơn khởi kiện sẽ bao gồm các nội dung sau:
• Ngày, tháng, năm của đơn khởi kiện;
• Thông tin các bên trong vụ tranh chấp (nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan). Ví dụ, đối với doanh nghiệp, các thông tin cần có bao gồm địa chỉ, người đại diện theo pháp luật hoặc người đại diện theo ủy quyền (trường hợp này phải có thông tin của Giấy ủy quyền hoặc Hợp đồng ủy quyền), mã số thuế, điện thoại, email như
• Tóm tắt nội dung vụ tranh chấp;
• Cơ sở khởi kiện (Ghi rõ nội qung thỏa thuận trọng tài);
• Các yêu cầu cụ thể của nguyên đơn và trị giá tranh chấp;
• Các vấn đề khác như tên, địa chỉ liên hệ của người được nguyên đơn chọn làm trọng tài viên hoặc đề nghị Trung tâm trọng tài chỉ định trọng tài viên; thông tin liên hệ của nguyên đơn;…
Ngoài Đơn khởi kiện, nguyên đơn cần chuẩn bị các tài liệu sau: Thỏa thuận trọng tài; bản chính hoặc bản sao có chứng thực của các tài liệu có liên quan đến tranh chấp như hợp đồng, thỏa thuận,… Đây là các tài liệu quan trọng để Trung tâm trọng tài có cơ sở xem xét yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.
2. Thời hiệu khởi kiện
Tương tự như quá trình tố tụng tại Tòa án, các bên cần lưu ý về thời hiệu khởi kiện. Căn cứ Điều 33 Luật Trọng tài thương mại 2010, trừ trường hợp luật chuyên ngành có quy định khác, thời hiệu khởi kiện theo thủ tục trọng tài là 02 năm, kể từ thời điểm quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm.
Doanh nghiệp cần lưu ý thời hiệu khởi kiện để đảm bảo quyền lợi của mình, vì trường hợp doanh nghiệp nộp đơn khởi kiện nằm ngoài thời hạn theo quy định của pháp luật, Trung tâm trọng tài có thể từ chối thụ lý giải quyết đơn khởi kiện.
3. Phí trọng tài
Một lưu ý cũng rất quan trọng khi tiến hành tố tụng trọng tài là phí trọng tài. Sau khi nhận được hồ sơ khởi kiện của nguyên đơn, Trung tâm trọng tài sẽ ban hành Thông báo về việc nộp phí trọng tài và gửi đến cho nguyên đơn. Phí trọng tài và thời hạn nộp phí trọng tài sẽ do Trung tâm trọng tài ấn định. Trong trường hợp Nguyên đơn không nộp đủ phí trọng tài trong thời hạn do Trung tâm ấn định thì được coi là rút Đơn khởi kiện.
Ngoài ra, phí Trọng tài thường cao hơn đáng kể so với án phí tại Tòa án. Do vậy, doanh nghiệp phải cân nhắc phí trọng tài trước khi quyết định khởi kiện, doanh nghiệp có thể yêu cầu Trung tâm Trọng tài được các bên lựa chọn cung cấp phí trọng tài dự kiến để cân nhắc, xem xét.
4. Thành lập Hội đồng trọng tài
Khác với quá trình tố tụng tại Tòa án, việc chỉ định Thẩm phán giải quyết vụ án thuộc về Chánh án Tòa án. Đối với thủ tục tố tụng trọng tài, nguyên đơn và bị đơn đều có quyền lựa chọn Trọng tài viên giải quyết tranh chấp theo mong muốn hoặc đề nghị Trung tâm trọng tài chỉ định Trọng tài viên. Nếu bị đơn không chọn Trọng tài viên hoặc không đề nghị Trung tâm trọng tài chỉ định Trọng tài viên, thì trong thời hạn quy định, Trung tâm trọng tài sẽ chỉ định Trọng tài viên cho bị đơn.
Ngoài ra, các bên có thể tự do thỏa thuận số lượng Trọng tài viên (đảm bảo là số lẻ). Trường hợp khi các bên không có thỏa thuận về số lượng Trọng tài viên thì Hội đồng Trọng tài sẽ gồm có ba trọng tài viên.
5. Hiệu lực của Phán quyết trọng tài và thi hành Phán quyết trọng tài
Căn cứ Khoản 10 Điều 3 Luật Trọng tài thương mại 2010, Phán quyết trọng tài là quyết định của Hội đồng Trọng tài giải quyết toàn bộ nội dung vụ tranh chấp và chấm dứt tố tụng Trọng tài. Ngoài ra, phán quyết trọng tài là chung thẩm và có hiệu lực kể từ ngày ban hành, điều này có nghĩa là tranh chấp đã được giải quyết bởi Trung tâm trọng tài sẽ không được xem xét lại bởi Tòa án, trừ trường hợp hủy phán quyết trọng tài theo quy định của pháp luật.
Chậm nhất là ba mươi (30) ngày kể từ ngày kết thúc phiên họp cuối cùng, Trung tâm trọng tài sẽ ban hành phán quyết trọng tài và gửi đến các bên ngay sau ngày ban hành. Phán quyết trọng tài là chung thẩm và có hiệu lực kể từ ngày ban hành. Hết thời hạn thi hành phán quyết trọng tài mà bên phải thi hành phán quyết không tự nguyện thi hành và cũng không yêu cầu huỷ phán quyết trọng tài, bên được thi hành phán quyết trọng tài có quyền làm đơn yêu cầu Cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền thi hành phán quyết trọng tài.
Trên đây là bài viết của TNTP về chủ đề “Những nội dung cần chú ý khi tiến hành tố tụng Trọng tài”. Mong rằng bài viết trên đem lại giá trị cho các độc giả trong quá trình giải quyết tranh chấp.
Trân trọng,