Tại hai phần trước, TNTP đã phân tích 02 trường hợp mà NSDLĐ có thể áp dụng hình thức xử lý kỷ luật sa thải với NLĐ, cụ thể: NLĐ có hành vi trộm cắp, tham ô, đánh bạc, cố ý gây thương tích, sử dụng ma túy tại nơi làm việc và NLĐ có hành vi tiết lộ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của NSDLĐ. Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng tiếp tục bàn luận đến trường hợp NLĐ bị xử lý kỷ luật sa thải khi thực hiện hành vi gây thiệt hại nghiêm trọng hoặc đe dọa gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về tài sản, lợi ích của NSDLĐ.

2. Các trường hợp NSDLĐ được áp dụng hình thức xử lý kỷ luật lao động sa thải

2.3 NLĐ có hành vi gây thiệt hại nghiêm trọng hoặc đe dọa gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về tài sản, lợi ích của NSDLĐ

Khoản 2 Điều 125 BLLĐ 2019 quy định về hai hành vi có thể khiến NLĐ bị xử lý kỷ luật theo hình thức sa thải, cụ thể là (i) hành vi gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản, lợi ích của NSDLĐ (ii) hành vi chưa gây ra thiệt hại trên thực tế, nhưng có khả năng gây ra thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về tài sản, lợi ích của NSDLĐ.

Hiện nay, BLLĐ 2019 và các văn bản hướng dẫn chưa quy định cụ thể về các hành vi được coi là gây thiệt hại nghiêm trọng và đe dọa gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về  tài sản, lợi ích của NSDLĐ. Do vậy, NSDLĐ nên quy định những hành vi này trong NQLĐ để có căn cứ xử lý vi phạm của NLĐ. Hành vi “đe dọa gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về tài sản, lợi ích của người sử dụng lao động” được hiểu là hành vi dù chưa gây ra thiệt hại thực tế nhưng có khả năng gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về tài sản, lợi ích của NSDLĐ. Ví dụ, NLĐ có hành vi hút thuốc trong kho hàng chứa các sản phẩm may mặc, xả nước dẫn đến ngập lụt trong kho chứa sản phẩm linh kiện điện tử,…

Để xử lý kỷ luật sa thải đối với NLĐ trong trường hợp này, NSDLĐ cần căn cứ vào mức độ thiệt hại của hành vi vi phạm của NLĐ. BLLĐ 2019 không quy định mức độ thiệt hại khi nào được coi là nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng, nên việc xác định mức độ thiệt hại cần căn cứ vào Nội quy lao động của doanh nghiệp. Tùy vào đặc thù của doanh nghiệp, mô hình kinh doanh, ngành nghề kinh doanh, mỗi doanh nghiệp xác định mức độ “thiệt hại nghiêm trọng”, “thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng” khác nhau.

Tuy nhiên, doanh nghiệp cần quy định mức độ thiệt hại nghiêm trọng, thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng phù hợp với thực tế. Bởi để Nội quy lao động có hiệu lực thì Nội quy lao động cần được Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tại địa phương chấp thuận, hơn nữa nếu xuất hiện tranh chấp giữa NLĐ và doanh nghiệp về sa thải và tranh chấp này được giải quyết tại Tòa án, mỗi bên đều phải đưa ra các lập luận, lý lẽ để chứng minh cho yêu cầu của mình, lúc này, NSDLĐ không thể chỉ dựa trên quy định tại Nội quy lao động, mà cần dựa trên sự phù hợp giữa NQLĐ, quy định pháp luật và thực tiễn cuộc sống.

Theo hướng dẫn của các cơ quan lao động địa phương và quan điểm xét xử các vụ việc tranh chấp lao động tại tòa án, việc xác định mức độ thiệt hại nghiêm trọng thường được hiểu là từ 10 tháng lương tối thiểu vùng trở lên được áp dụng tại nơi NLĐ làm việc. Đây là cách suy luận gián tiếp từ quy định về trách nhiệm vật chất tại Điều 129 BLLĐ 2019. Theo đó, nếu NLĐ gây “thiệt hại không nghiêm trọng” do sơ suất với giá trị không quá 10 tháng lương tối thiểu vùng do Chính phủ công bố được áp dụng tại nơi NLĐ làm việc, thì NLĐ phải bồi thường nhiều nhất là 03 tháng tiền lương.

Như vậy, doanh nghiệp có thể quy định thiệt hại nghiêm trọng có giá trị cao hơn 10 tháng lương tối thiểu vùng do Chính phủ công bố được áp dụng tại nơi NLĐ làm việc; ii) thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng có giá trị cao hơn 15 tháng lương tối thiểu vùng do Chính phủ công bố được áp dụng tại nơi NLĐ làm việc.

Về mức lương tối thiểu tháng, Nghị định 38/2022/NĐ-CP quy định kể từ ngày 01/7/2022, mức lương tối thiểu tháng theo vùng được thực hiện như sau: Vùng I là 4.680.000 đồng/tháng; Vùng II là 4.160.000 đồng/tháng; Vùng III là 3.640.000 đồng/tháng; Vùng IV 3.250.000 đồng/tháng. Ví dụ, doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng I, thiệt hại được coi là nghiêm trọng khi nhiều hơn 46.800.000 đồng, thiệt hại được coi là đặc biệt nghiêm trọng khi nhiều hơn 70.200.000 đồng.

Như vậy, khi xử lý sa thải kỷ luật đối với NLĐ trong trường hợp NLĐ có hành vi gây thiệt hại nghiêm trọng hoặc đe dọa gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản, lợi ích của NSDLĐ cần đảm bảo: (i) NLĐ thực hiện hành vi gây thiệt hại nghiêm trọng hoặc đe dọa gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về tài sản, lợi ích của NSDLĐ; (ii) Nội quy lao động đã quy định rõ mức độ xác định thiệt hại nghiêm trọng, thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng; (iii) Nội quy lao động đã quy định về các hành vi được coi là gây thiệt hại nghiêm trọng hoặc đe dọa gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về tài sản, lợi ích của NSDLĐ; (iv) NSDLĐ chứng minh được hành vi vi phạm của NLĐ.

Trên đây là trường hợp thứ ba mà NSDLĐ có thể căn cứ để xử lý kỷ luật lao động theo hình thức sa thải đối với NLĐ. Hi vọng bài viết giúp ích cho quý độc giả. Chúng tôi sẽ tiếp tục phân tích các trường hợp NSDLĐ được áp dụng hình thức sa thải đối với NLĐ trong các bài viết tiếp theo.

Trân trọng.

  1. Để biết thêm thông tin và nhận được các bài viết mới nhất của Công ty Luật TNHH Quốc tế TNTP và Các Cộng sự, vui lòng tham gia các Fanpage trên Facebook của chúng tôi tại:
  1. Để cập nhật các kiến thức pháp lý, vui lòng tìm hiểu theo đường link sau:

https://dsdc.com.vn/category/chia-se-kien-thuc-phap-ly-ban-tin-phap-ly/

  1. Để biết thêm về các dịch vụ pháp lý của Công ty Luật TNHH Quốc tế TNTP và Các Cộng sự, vui lòng tìm hiểu theo các đường link sau:
  1. Để biết thêm thông tin chi tiết, vui lòng liên hệ cho chúng tôi theo thông tin sau:

Công ty Luật TNHH Quốc tế TNTP và Các Cộng sự

Luật sư Nguyễn Thanh Hà

Số điện thoại: 0931 798 818

Email: ha.nguyen@tntplaw.com