Ý nghĩa của Nghị định 151/2025/NĐ-CP của Chính phủ về thẩm quyền của chính quyền địa phương 02 cấp, phân quyền, phân cấp trong lĩnh vực đất đai

Sau khi Quốc Hội đã thông qua Hiến pháp sửa đổi và Luật Tổ chức chính quyền địa phương theo tinh thần của cuộc cánh mạng tinh gon bộ máy do Tổng Bí thư Tô Lâm phát động, rất nhiều văn bản quy phạm pháp luật đã được ban hành để cụ thể hóa các chủ trương này. Một trong các văn bản có ý nghĩa quan trọng là Nghị định 151/2025/NĐ-CP trong lĩnh vực đất đai với nhiều thay đổi về thẩm quyền và có tác động đến nhiều thủ tục hành chính liên quan đến lĩnh vực đất đai tại Việt Nam. Trong bài viết này, luật sư của TNTP sẽ phân tích những ý nghĩa quan trọng của Nghị định 151/2025/NĐ-CP.
1.Mở rộng thẩm quyền của Chủ tịch UBND cấp xã
a.Chuyển giao thẩm quyền từ UBND cấp huyện và Chủ tịch UBND cấp huyện
Theo quy định tại Điều 5 Nghị định 151, một số thẩm quyền của UBND cấp huyện và Chủ tịch UBND cấp huyện sẽ được chuyển giao cho Chủ tịch UBND cấp xã với giới hạn trong một số điều khoản cụ thể của Luật Đất đai, Từ việc chấp thuận một số phương án sử dụng đất nông nghiệp, quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, quyết định giá bán đất khi thu hồi quyền sử dụng đất. Cho đến việc cưỡng chế, thu hồi đất, thực hiện quyết định giải quyết tranh chấp đất đai,…
b.Chuyển giao thẩm quyền từ UBND cấp tỉnh và Chủ tịch UBND cấp tỉnh
Theo quy định tại Điều 10 Nghị định 151, một số thẩm quyền của UBND cấp tỉnh sẽ được phân quyền, phân cấp cho UBND cấp xã, Chủ tịch UBND cấp xã như quyết định biện pháp khắc phục, mức hỗ trợ đối với từng dự án cụ thể khi nhà nước thu hồi đất; thẩm quyền thu hồi đất và xử lý trường hợp thu hồi đất, tài sản gắn liền với đất là tài sản công; Quyết định giao đất không thu tiền sử dụng đất; Phê duyệt phương án bố trị lại diện tích đất ở thành khu dân cư; Quyết định giao đất, cho thuê đất cảng hàng không, sân bay dân dụng ,…
c.Cấp xã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Ngoài ra, một thay đổi lớn là thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền sẽ thuộc về Chủ tịch UBND xã và UBND cấp xã theo các trường hợp quy định tại điểm h Điều 5 Nghị định 151;và điểm đ Điều 10 Nghị định 151.
Như vậy có thể thấy Chủ tịch UBND xã và UBND cấp xã đã được trao thêm nhiều quyền hạn bổ sung, khiến năng việc quyết định các vấn đề vốn trước đây phải do UBND cấp huyện hoặc cấp tỉnh thực hiện nay được rút gọn về thủ tục. Tuy nhiên, đi kèm với thẩm quyền được mở rộng là trách nhiệm lớn hơn cho các cán bộ tại cấp xã, nhiều thẩm quyền từ UBND cấp tỉnh và cấp huyện nay được UBND xã phụ trách sẽ đòi hỏi năng lực của cán bộ cấp xã phải được nâng cao tương ứng để đảm bảo chất lượng công việc, thời gian xử lý và đảm bảo đúng thẩm quyền được giao. Đây vừa là thách thức, vừa là cơ hội để UBND cấp xã được nâng cao năng lực ngang tầm nhiệm vụ, vận dụng kỹ năng để áp dụng vào các công việc thực tiễn nhằm nâng cao năng lực quản lý, vận hành và đóng góp nhiều hơn cho bộ máy Nhà nước và xã hội nói chung, xứng tầm với kỳ vọng mà Đảng và Nhà nước giao phó.
2.Tạo điều kiện và giảm bớt thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất
a.Người yêu cầu cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và đăng ký biến động đất đai được lựa chọn nơi nộp hồ sơ trên địa bàn cấp tỉnh
Theo quy định cũ tại Nghị định số 101/2024/NĐ-CP trước đây quy định việc nộp hồ sơ đăng ký mới hoặc đăng ký biến động đất đai phải nộp tại nơi có đất. Tuy nhiên theo quy định tại Khoản 1 Điều 18 Nghị định 151, trường hợp đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất lần đầu; và trường hợp đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất thì người yêu cầu được lựa chọn một trong các nơi nộp hồ sơ trên địa bàn cấp tỉnh mà không còn bị giới hạn như trước.
Có thể thấy quy định mới tại Nghị định 151 đã đảm bảo tốt hơn quyền lợi của người dân khi rút ngắn được thời gian, tiết kiệm công sức khi thực hiện việc nộp hồ sơ. Từng bước nâng cao chất lượng dịch vụ trong giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến đất đai.
b.Cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất không cần thực hiện thủ tục xác nhận đất không tranh chấp
Theo quy định tại Luật Đất đai 2013, một trong những điều kiện để đăng ký, thực hiện quyền sử dụng đất là đất không có tranh chấp. Khi đó, khi người yêu cầu nộp hồ sơ cần phải xin xác nhận của UBND cấp xã nơi có đất về việc đất không có tranh chấp, không vi phạm quy hoạch.
Tuy nhiên theo quy định mới tại Khoản 4 Điều 18 Nghị định 151, Ủy ban nhân dân cấp xã khi thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất tại các Điều 137, 138, 139 và 140 Luật Đất đai 2024 không phải thực hiện riêng việc xác nhận về:
- Sự phù hợp với quy hoạch;
- Không tranh chấp;
- Đất sử dụng ổn định.
Như vậy có thể thấy, người thực hiện thủ tục xin cấp mới hoặc thay đổi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất không cần xác nhận đất không tranh chấp. Cơ quan nhà nước khi thực hiện thủ tục hành chính về đất đai cũng không được yêu cầu người sử dụng cung cấp văn bản xác nhận đất không tranh chấp. Thay đổi này có ý nghĩa rất lớn khi giảm bớt được thời gian thực hiện thủ tục hành chính về đất đai, tiết kiệm thời gian và nguồn lực của cả người yêu cầu và cơ quan nhà nước.
Từ một số thay đổi đã nêu trên, có thể thấy Nghị định 151/2025/NĐ-CP đã có nhiều thay đổi tích cực và tác động sâu rộng đến thẩm quyền, thủ tục hành chính liên quan đến đất đai, cũng như bảo đảm hơn quyền lợi của người dân khi thực hiện các thủ tục này. Các thay đổi này là một bước tiến quan trọng để tăng hiệu quả trong công tác quản lý và thực thi pháp luật, giảm sự chồng chéo trong thẩm quyền của các cấp chính quyền và quan trọng hơn là đã đem lại ý nghĩa đúng với tinh thần của Đảng và Nhà nước về tinh gọn bộ máy theo Nghị quyết 18.
Trên đây là bài viết phân tích của luật sư TNTP về Nghị định 151/2025/NĐ-CP. Mong rằng bài viết này đem lại giá trị cho các độc giả.
Trân trọng,