Tranh chấp thương mại là những mâu thuẫn (bất đồng hay xung đột) về quyền và nghĩa vụ giữa các bên trong quá trình thực hiện các hoạt động thương mại. Theo Khoản 3 Điều 317 Luật Thương mại năm 2005, khi phát sinh tranh chấp liên quan đến giao dịch thương mại thì các bên tham gia có quyền yêu cầu Tòa án hoặc Trọng tài giải quyết tranh chấp đó. Tuy nhiên, việc khởi kiện yêu cầu Tòa án hoặc Trọng tài giải quyết quyết tranh chấp phải nằm trong thời hiệu khởi kiện do luật định để đảm bảo tranh chấp được Tòa án hoặc Trọng tài giải quyết. Trong bài viết này, chúng tôi sẽ đề cập và phân tích những vấn đề pháp lý cần lưu ý về thời hiệu khởi kiện tranh chấp thương mại.
1. Những quy định chung về thời hiệu khởi kiện
Thời hiệu khởi kiện tranh chấp thương mại được quy định trong nhiều luật, bộ luật, cụ thể như sau:
● Điều 319 Luật Thương mại năm 2005 quy định Thời hiệu khởi kiện áp dụng đối với các tranh chấp thương mại là hai năm, kể từ thời điểm quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm, trừ trường hợp quy định tại điểm e khoản 1 Điều 237 của Luật này. Theo quy định tại điểm e khoản 1 Điều 237 Luật Thương mại năm 2005, Ngoài những trường hợp miễn trách nhiệm quy định tại Điều 294 của Luật này, thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics không phải chịu trách nhiệm về những tổn thất đối với hàng hoá phát sinh trong các trường hợp sau đây: … e) Sau khi bị khiếu nại, thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics không nhận được thông báo về việc bị kiện tại Trọng tài hoặc Toà án trong thời hạn chín tháng, kể từ ngày giao hàng.
● Điều 336 Bộ luật Hàng hải năm 2015 quy định thời hiệu khởi kiện liên quan đến hợp đồng bảo hiểm hàng hải là 02 năm kể từ thời điểm phát sinh tranh chấp.
● Theo Điều 33 Luật Trọng tài thương mại năm 2010, thời hiệu khởi kiện tại trọng tài đối với các tranh chấp thương mại là 02 năm kể từ thời điểm quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm, trừ trường hợp luật chuyên ngành có quy định khác.
Do được quy định trong nhiều văn bản luật nên thời hiệu khởi kiện tại Tòa án và Trọng tài đối với từng tranh chấp thương mại cụ thể được xác định theo nguyên tắc sau:
● Thứ nhất, thời hiệu khởi kiện được áp dụng theo quy định của luật chuyên ngành nếu tranh chấp liên quan đến luật chuyên ngành như Bộ luật Hàng hải,… và luật chuyên ngành có quy định về thời hiệu khởi kiện khác với quy định tại Luật Thương mại năm 2005.
● Thứ hai, thời hiệu khởi kiện áp dụng theo quy định của Luật thương mại năm 2005.
2. Thời gian không tính vào thời hiệu khởi kiện
Căn cứ Điều 156 Bộ luật Dân sự năm 2015 Điều 44 Luật Trọng tài thương mại năm 2010, thời gian không tính vào thời hiệu khởi kiện tranh chấp thương mại là khoảng thời gian xảy ra một trong các sự kiện sau đây:
● Sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan làm cho chủ thể có quyền khởi kiện không thể khởi kiện trong phạm vi thời hiệu.
Sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép.
Trở ngại khách quan là những trở ngại do hoàn cảnh khách quan tác động làm cho người có quyền, nghĩa vụ dân sự không thể biết về việc quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm hoặc không thể thực hiện được quyền, nghĩa vụ dân sự của mình.
● Trong trường hợp Tòa án quyết định vụ tranh chấp không thuộc thẩm quyền của Hội đồng trọng tài không có thỏa thuận trọng tài, thỏa thuận trọng tài vô hiệu hoặc thỏa thuận trọng tài không thể thực hiện được, Hội đồng trọng tài ra quyết định đình chỉ giải quyết tranh chấp. Nếu không có thỏa thuận khác, các bên có quyền khởi kiện vụ tranh chấp ra Toà án. Thời hiệu khởi kiện ra Toà án được xác định theo quy định của pháp luật. Thời gian từ ngày nguyên đơn khởi kiện tại trọng tài đến ngày Toà án ra quyết định thụ lý giải quyết vụ tranh chấp không tính vào thời hiệu khởi kiện.
3. Bắt đầu lại thời hiệu khởi kiện
Về mặt pháp lý, thời hiệu khởi kiện là thời hạn do luật quy định, mang tính bắt buộc và các bên không được tự thỏa thuận kéo dài hay rút ngắn. Tuy nhiên, trên thực tế, thời hiệu khởi kiện vẫn có thể được bắt đầu lại nếu thuộc một trong các trường hợp theo quy định tại Điều 157 Bộ luật Dân sự năm 2015:
● Bên có nghĩa vụ đã thừa nhận một phần hoặc toàn bộ nghĩa vụ của mình đối với người khởi kiện;
● Bên có nghĩa vụ thừa nhận hoặc thực hiện xong một phần nghĩa vụ của mình đối với người khởi kiện;
● Các bên đã tự hoà giải với nhau.
Khi một trong các sự kiện này xảy ra, thời hiệu khởi kiện sẽ được bắt đầu lại, thời điểm bắt đầu lại là ngày tiếp theo sau ngày xảy ra các sự kiện đó.
Trên đây là nội dung bài viết “Xác định thời hiệu khởi kiện giải quyết tranh chấp thương mại”. Chúng tôi hy vọng bài viết sẽ có ích đối với bạn.
Trân trọng.