Thủ tục đòi nợ luôn khó thực hiện đặc biệt là thu hồi khoản nợ từ việc cho cá nhân vay tiền bởi người vay thường không có khả năng trả nợ, hoặc cố tình khất nợ. Khi muốn thu hồi khoản nợ cho người khác vay, mặc dù sử dụng nhiều cách nhưng con nợ vẫn chây ì, không chịu thanh toán nợ thì bạn có thể khởi kiện bên nợ tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền. Vậy trình tự, thủ tục khởi kiện bên nợ ra Tòa án phải tiến hành như thế nào?
1. Điều kiện khởi kiện bên nợ ra tòa án
Thứ nhất là tranh chấp vay nợ còn trong thời hiệu khởi kiện. Căn cứ Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 thì thời hiệu khởi kiện là 02 năm, kể từ ngày cá nhân, cơ quan, tổ chức biết được quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm. Trước đây khi hết thời hiệu khởi kiện thì theo Bộ luật tố tụng dân sự 2005 bạn vẫn được quyền nộp đơn lên Tòa án để kiện đòi tài sản và vẫn được Tòa án thụ lý giải quyết. Tuy nhiên theo Bộ luật TTDS mới thì không còn như thế. Tòa án vẫn tiếp nhận hồ sơ khởi kiện đòi nợ của bạn nhưng có xem xét giải quyết hay trả hồ sơ còn dựa vào đơn giải trình lý do khởi kiện quá hạn mà bạn nộp lên.
Thứ hai là việc nộp hồ sơ khởi kiện đòi nợ đúng thẩm quyền của Tòa án. Đương sự có quyền yêu cầu Tòa án cấp Huyện nơi bị đơn cư trú, làm việc để khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết nếu đương sự không ở nước ngoài, tài sản tranh chấp không ở nước ngoài và không cần phải ủy thác tư pháp cho cơ quan ở nước ngoài. Nếu đương sự ở nước ngoài hoặc tài sản tranh chấp ở nước ngoài hoặc cần phải ủy thác tư pháp cho cơ quan ở nước ngoài thì đương sự phải yêu cầu Tòa án cấp Tỉnh nơi bị đơn cư trú, làm việc để khởi kiện.
2. Thủ tục khởi kiện bên nợ ra Tòa án
Hồ sơ khởi kiện gồm:
- Đơn khởi kiện đòi theo mẫu
- Các tài liệu, chứng cứ chứng minh cho yêu cầu khởi kiện là có căn cứ và hợp pháp (Giấy tờ vay nợ/Hợp đồng vay và các tài liệu khác)
- Giấy xác nhận của cơ quan nhà nước về địa chỉ cư trú, làm việc của bị đơn
- Nếu người khởi kiện là cá nhân: Bản sao có công chứng chứng thực CMND hoặc sổ hộ khẩu của người khởi kiện
- Nếu người khởi kiện là tổ chức: Giấy phép đăng ký doanh nghiệp hoặc quyết định thành lập, giấy phép hoạt động.
Nộp đơn khởi kiện
Sau khi Tòa án nhận được hồ sơ khởi kiện sẽ tiến hành các công việc sau:
- Nếu vụ việc thuộc trường hợp trả lại đơn khởi kiện theo quy định tại Bộ luật tố tụng dân sự thì Tòa án trả lại đơn khởi kiện và các tài liệu chứng cứ kèm theo đơn khởi kiện cho người khởi kiện.
- Nếu vụ việc không thuộc trường hợp trả lại đơn khởi kiện nhưng Đơn khởi kiện chưa đúng mẫu quy định hoặc không đủ các nội dung quy định thì Tòa án thông báo cho người khởi kiện sửa đổi, bổ sung theo thời hạn ấn định.
- Nếu vụ việc đủ điều kiện khởi kiện và đơn khởi kiện đã làm đúng theo quy định thì Tòa án cho người khởi kiện nộp tạm ứng án phí trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo.
Thông báo nộp Tiền tạm ứng án phí
Sau khi hồ sơ khởi kiện đủ điều kiện thụ lý thì Tòa án gửi giấy báo nộp tiền tạm ứng án phí cho người khởi kiện. Trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày nhận giấy báo của Tòa án về việc nộp tiền tạm ứng án phí, người khởi kiện phải đóng tiền tạm ứng án phí tại Cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền.
Thụ lý vụ án
Sau khi người khởi kiện đóng tạm ứng án phí sẽ được nhận lại Biên lai đóng tiền tạm ứng án phí từ Cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền. Theo đó, tòa án sẽ ra thông báo thụ lý vụ án khi người khởi kiện nộp cho Tòa án biên lai thu tiền tạm ứng án phí.
Hòa giải, tiếp cận chứng cứ và tranh luận tại Tòa án
Sau khi thụ lý vụ án, Tòa án sẽ tiến hành các phiên hòa giải và công khai chứng cứ trong khoảng thời gian từ 2-3 tháng, kể từ ngày thụ lý vụ án. Nếu các bên hòa giải không thành trong giai đoạn này, Tòa án sẽ tiến hành đưa vụ án ra xét xử và thông báo lịch xét xử đến các nguyên đơn.
Trên đây là bài viết hướng dẫn thủ tục nộp đơn khởi kiện, hồ sơ cần chuẩn bị để khởi kiện bên nợ ra Tòa án. Hy vọng thông qua bài viết này, TNTP có thể giúp các bạn hiểu rõ hơn về trình tự, thủ tục khởi kiện bên nợ ra Tòa án, qua đó cân nhắc và xem xét lựa chọn hình thức đòi nợ phù hợp.
Trân trọng,