Hợp đồng tín dụng (“HĐTD”) và việc xử lý tài sản thế chấp là một phần quan trọng của hệ thống tài chính và ngân hàng, giúp thúc đẩy sự phát triển kinh tế và hỗ trợ các doanh nghiệp và cá nhân tiếp cận nguồn vốn. Tuy nhiên, khi các bên không thực hiện đúng cam kết hoặc có các tranh chấp phát sinh, việc giải quyết tranh chấp về hợp đồng tín dụng và xử lý tài sản thế chấp trở nên phức tạp và nhạy cảm. Theo đó, TNTP gửi đến Quý bạn đọc bài viết với nội dung “Tranh chấp về hợp đồng tín dụng và xử lý tài sản thế chấp”.
1. Hợp đồng tín dụng và tài sản thế chấp
Hợp đồng tín dụng là một thỏa thuận pháp lý bằng văn bản giữa người bên cho vay (tổ chức tín dụng) và bên vay (cá nhân hoặc pháp nhân) về việc thỏa thuận cung cấp một khoản tiền vay với các điều khoản cụ thể về lãi suất, thời hạn vay, và cách thức trả nợ.
Tài sản thế chấp (hay tài sản bảo đảm) là tài sản mà bên vay dùng để đảm bảo cho khoản vay, và trong trường hợp bên vay không thể thực hiện nghĩa vụ trả nợ, bên cho vay có quyền xử lý tài sản thế chấp để thu hồi nợ.
2. Các tranh chấp phổ biến về về hợp đồng tín dụng
Tranh chấp hợp đồng tín dụng là một loại tranh chấp phát sinh từ quan hệ của các bên trong hợp đồng tín dụng. Nội dung tranh chấp thường xoay quanh những vấn đề như:
• Tranh chấp do các bên vi phạm nghĩa vụ trong HĐTD: Bên vay không thực hiện đúng cam kết về thanh toán tiền gốc và lãi theo các điều khoản của hợp đồng hoặc các vi phạm liên quan đến sử dụng vốn không đúng mục đích, cung cấp thông tin không trung thực.
• Tranh chấp về chủ thể xác lập, thực hiện hợp đồng: Tranh chấp về tư cách pháp lý và thẩm quyền của các bên khi ký kết hợp đồng, hoặc sự không rõ ràng về quyền và nghĩa vụ trong hợp đồng.
• Tranh chấp về pháp luật giải quyết tranh chấp HĐTD: Mâu thuẫn về việc lựa chọn luật áp dụng và phương thức giải quyết tranh chấp.
• Đặc biệt phổ biến hiện nay là các tranh chấp xảy ra từ việc thực hiện biện pháp bảo đảm đối với HĐTD và xử lý tài sản thế chấp.
3. Các nguyên nhân tranh chấp trong quá trình xử lý tài sản thế chấp
Bộ luật Dân sự 2015 hiện hành và Luật Các tổ chức tín dụng 2010 và các văn bản quy phạm pháp luật kèm theo cũng quy định rất chi tiết về quy trình khi xử lý tài sản thế chấp. Tuy nhiên, trên thực tế việc xử lý tài sản thế chấp gặp phải không ít khó khăn, nguyên nhân chủ yếu như sau:
• Trong quá trình xử lý tài sản thế chấp tổ chức tín dụng trong quá trình xử lý tài sản không thông báo đầy đủ cho chủ tài sản cũng như bên vay hoặc thực hiện không đúng các bước trong việc xử lý tài sản. Cuối cùng dẫn đến việc xảy ra tranh chấp và mất rất nhiều thời gian xử lý tranh chấp tại Tòa.
• Tranh chấp cũng có thể phát sinh trong quá trình đấu giá và bán tài sản thế chấp. Quy trình đấu giá không minh bạch, giá bán không hợp lý hoặc bên vay và bên sở hữu tài sản thế chấp không được thông báo kịp thời về việc đấu giá tài sản của mình. Điều này dẫn đến các tranh chấp pháp lý về việc công nhận hoặc hủy bỏ kết quả đấu giá.
• Trong một số trường hợp, tài sản thế chấp sẽ liên quan đến quyền lợi của bên thứ ba (Ví dụ: bên đồng sở hữu, người thụ hưởng tài sản,…). Trong trường này nếu việc xử lý tài sản thế chấp gây ảnh hưởng đến quyền lợi của bên thứ ba có thể gây ra tranh chấp.
4. Giải pháp giải quyết tranh chấp
• Thương lượng và hòa giải: là phương thức giải quyết tranh chấp đầu tiên và ưu tiên nhằm tránh việc kéo dài xung đột và giảm thiểu chi phí pháp lý. Các bên có thể tìm kiếm sự đồng thuận thông qua đàm phán thương lượng trực tiếp hoặc sử dụng dịch vụ hòa giải từ bên thứ ba.
• Trọng tài: là phương thức giải quyết tranh chấp thay thế cho tòa án và thường được sử dụng khi các bên có điều khoản trọng tài trong hợp đồng. Quy trình trọng tài thường nhanh chóng và ít tốn kém hơn so với việc khởi kiện tại tòa án.
• Tòa án: Giải quyết tranh chấp tại Tòa án là phương thức phổ biến hiện nay đang được sử dụng.
Việc tranh chấp hợp đồng tín dụng và xử lý tài sản thế chấp là một quy trình phức tạp, đòi hỏi sự tuân thủ nghiêm ngặt các quy định pháp luật. Để giảm thiểu tranh chấp và đảm bảo quyền lợi hợp pháp của tất cả các bên liên quan, các tổ chức tín dụng cũng như bên vay, bên thế chấp nên cân nhắc tham vấn ý kiến hoặc tìm kiếm sự hỗ trợ từ các luật sư có kinh nghiệm trong lĩnh vực này. Luật sư có thể cung cấp những tư vấn pháp lý chính xác, giúp các bên hiểu rõ quyền và nghĩa vụ của mình, cũng như hướng dẫn xử lý các tình huống pháp lý phức tạp. Điều này không chỉ giúp đảm bảo tính minh bạch và công bằng trong quá trình xử lý tài sản, mà còn góp phần giảm thiểu rủi ro pháp lý và tránh những tranh chấp kéo dài không cần thiết. Việc tìm kiếm sự hỗ trợ từ chuyên gia pháp lý, đội ngũ luật sư sẽ là bước đi quan trọng để bảo vệ quyền lợi của các bên.
Trên đây là bài viết “Tranh chấp về hợp đồng tín dụng và xử lý tài sản thế chấp” mà TNTP gửi đến Quý bạn đọc. Trường hợp có vấn đề cần trao đổi, vui lòng liên hệ với TNTP để được hỗ trợ.
Trân trọng,