Trong lĩnh vực xây dựng, việc bảo hành công trình không chỉ là yếu tố đảm bảo chất lượng và độ bền của dự án, mà còn là một cam kết ràng buộc pháp lý giữa các bên tham gia. Nhà thầu chịu trách nhiệm sửa chữa, khắc phục những hư hỏng, khiếm khuyết xảy ra sau khi hoàn thành dự án trong một khoảng thời gian nhất định, nhằm bảo đảm công trình vận hành ổn định và an toàn. Tuy nhiên, khi nhà thầu không tuân thủ các nghĩa vụ bảo hành, điều này có thể gây ra những thiệt hại nghiêm trọng cho chủ đầu tư. Vậy trách nhiệm pháp lý của nhà thầu khi không thực hiện bảo hành là gì? Bằng bài viết này, TNTP sẽ gửi đến Qúy bạn đọc nội dung bài viết “Trách nhiệm pháp lý của Nhà thầu trong thực hiện bảo hành công trình: quy định và biện pháp xử lý”.
1. Căn cứ pháp lý xác định trách nhiệm của Nhà thầu trong việc bảo hành công trình
Trách nhiệm của Nhà Thầu trong việc bảo hành công trình được xác định dựa trên các nguyên tắc cơ bản trong luật và hợp đồng Các bên đã thỏa thuận. Trong hợp đồng xây dựng, các bên đều phải tuân thủ những điều khoản về việc bảo hành công trình. Trường hợp Nhà Thầu vi phạm các điều khoản này, trách nhiệm của Nhà Thầu sẽ được xem xét trên các cơ sở sau:
• Luật xây dựng 2014 và Các nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành quy định về nghĩa vụ của Nhà thầu, Cụ thể tại khoản 1 Điều 125 Luật xây dựng 2014 quy định “1. Nhà thầu thi công xây dựng có trách nhiệm bảo hành công trình do mình thi công. Nhà thầu cung ứng thiết bị công trình, thiết bị công nghệ có trách nhiệm bảo hành thiết bị do mình cung cấp”.
Tuy nhiên, Nhà thầu thi công xây dựng công trình, nhà thầu cung ứng thiết bị có quyền từ chối bảo hành trong các trường hợp hư hỏng, khiếm khuyết phát sinh không phải do lỗi của nhà thầu gây ra hoặc do nguyên nhân bất khả kháng được quy định trong hợp đồng xây dựng. Trường hợp hư hỏng, khiếm khuyết phát sinh do lỗi của nhà thầu mà nhà thầu không thực hiện bảo hành thì chủ đầu tư có quyền sử dụng tiền bảo hành để thuê tổ chức, cá nhân khác thực hiện bảo hành. Chủ đầu tư, chủ sở hữu hoặc người quản lý, sử dụng công trình có trách nhiệm thực hiện đúng quy định về vận hành, bảo trì công trình xây dựng trong quá trình khai thác, sử dụng công trình.
• Hợp đồng đã ký kết: Hợp đồng là văn bản pháp lý chính ưu tiên để xác định nghĩa vụ và trách nhiệm của Nhà thầu trong việc bảo hành công trình. Điều khoản bảo hành trong hợp đồng xây dựng đối với Nhà thầu thường quy định những nội dung sau: Thời gian bảo hành cụ thể cho từng loại công trình, phần việc; Quyền và nghĩa vụ của các bên trong thời gian bảo hành: nhà thầu phải chịu trách nhiệm về lỗi kỹ thuật, hư hỏng và sửa chữa trong thời gian bảo hành mà không phát sinh thêm chi phí; Cách thức yêu cầu bảo hành và thời hạn khắc phục lỗi sau khi nhận được yêu cầu,…
2. Biện pháp xử lý trong trường hợp Nhà thầu không thực hiện bảo hành
• Điều khoản phạt vi phạm hợp đồng: Các hợp đồng xây dựng thường có điều khoản về phạt vi phạm khi một bên không tuân thủ cam kết. Mức phạt có thể do các bên tự thỏa thuận, Tuy nhiên đối với công trình xây dựng sử dụng vốn đầu tư công, vốn nhà nước ngoài đầu tư công, mức phạt hợp đồng không vượt quá 12% giá trị phần hợp đồng bị vi phạm. Việc phạt vi phạm là biện pháp để răn đe và đảm bảo nhà thầu sẽ tuân thủ đầy đủ các cam kết về bảo hành.
• Bồi thường thiệt hại do vi phạm điều khoản bảo hành: Nếu Nhà thầu không bảo hành gây ra hư hỏng hoặc thiệt hại cho công trình, nhà thầu sẽ phải chịu trách nhiệm bồi thường toàn bộ hoặc một phần thiệt hại đó. Việc bồi thường được xác định dựa trên mức độ hư hỏng, giá trị thiệt hại và các điều khoản quy định trong hợp đồng. Điều này bao gồm cả thiệt hại về tài sản và các chi phí phát sinh do việc sửa chữa hoặc thay thế.
– Thiệt hại trực tiếp: Chủ đầu tư có thể yêu cầu nhà thầu bồi thường các khoản chi phí phát sinh do việc kéo dài thời gian thi công, như tiền thuê nhân công, máy móc thiết bị, hoặc phí quản lý dự án. Ví dụ, nếu công trình bị kéo dài thêm 3 tháng, chủ đầu tư có thể yêu cầu bồi thường chi phí thuê máy móc và công nhân cho khoảng thời gian này.
– Thiệt hại gián tiếp: Những thiệt hại khác như mất cơ hội kinh doanh hoặc chậm tiến độ khai thác dự án cũng có thể được tính vào yêu cầu bồi thường. Điều này phụ thuộc vào việc các bên có thỏa thuận trước trong hợp đồng hay không, và chủ đầu tư cần chứng minh được thiệt hại cụ thể.
Theo Điều 419 của Bộ luật Dân sự 2015 và khoản 5 Điều 146 Luật Xây dựng 2014, bên vi phạm hợp đồng (nhà thầu) phải bồi thường toàn bộ thiệt hại do hành vi vi phạm gây ra, bao gồm cả thiệt hại về tài sản, thu nhập bị mất, và chi phí hợp lý mà bên bị thiệt hại (chủ đầu tư) phải gánh chịu.
• Tạm dừng thanh toán: Chủ đầu tư có quyền tạm dừng thanh toán các khoản tiền giữ lại (nếu có) cho nhà thầu cho đến khi nhà thầu khắc phục được tình trạng hư hỏng, khiếm khuyết của công trình.
Theo hợp đồng, thường có một khoản tiền giữ lại (thường từ 5-10% giá trị hợp đồng) được giữ lại sau khi hoàn thành công trình, chỉ được thanh toán sau khi hết thời gian bảo hành hoặc sau khi đã khắc phục hết lỗi kỹ thuật nếu có.
• Thuê nhà thầu khác: Trường hợp hư hỏng, khiếm khuyết phát sinh do lỗi của nhà thầu mà nhà thầu không thực hiện bảo hành thì chủ đầu tư có quyền sử dụng tiền bảo hành để thuê tổ chức, cá nhân khác thực hiện bảo hành.
3. Giải pháp hạn chế rủi ro khi nhà thầu không thực hiện bảo hành
Để giảm thiểu rủi ro phát sinh từ việc nhà thầu không thực hiện nghĩa vụ bảo hành, chủ đầu tư cần chủ động áp dụng các biện pháp phòng ngừa ngay từ giai đoạn lập hợp đồng và giám sát thực hiện dự án. Một số giải pháp cụ thể bao gồm:
• Xây dựng hợp đồng chi tiết và chặt chẽ: Hợp đồng xây dựng cần nêu rõ các điều khoản liên quan đến nghĩa vụ bảo hành của nhà thầu, Chủ đầu tư phải thỏa thuận trong hợp đồng xây dựng với các nhà thầu tham gia xây dựng công trình về quyền và trách nhiệm của các bên trong bảo hành công trình xây dựng; thời hạn bảo hành công trình xây dựng, thiết bị công trình, thiết bị công nghệ; biện pháp, hình thức bảo hành; giá trị bảo hành; việc lưu giữ, sử dụng, hoàn trả tiền bảo hành, tài sản bảo đảm, bảo lãnh bảo hành hoặc các hình thức bảo lãnh khác có giá trị tương đương. Các nhà thầu nêu trên chỉ được hoàn trả tiền bảo hành, tài sản bảo đảm, bảo lãnh bảo hành hoặc các hình thức bảo lãnh khác sau khi kết thúc thời hạn bảo hành và được chủ đầu tư xác nhận đã hoàn thành trách nhiệm bảo hành. Ngoài ra, hợp đồng nên bao gồm các điều khoản phạt vi phạm rõ ràng và mức độ bồi thường thiệt hại cụ thể khi nhà thầu không thực hiện bảo hành.
• Yêu cầu nhà thầu bảo lãnh bảo hành: Chủ đầu tư có thể yêu cầu nhà thầu cung cấp bảo lãnh bảo hành từ ngân hàng hoặc tổ chức tài chính có uy tín. Bảo lãnh bảo hành sẽ đóng vai trò đảm bảo tài chính cho việc sửa chữa, khắc phục các hư hỏng, khiếm khuyết nếu nhà thầu không thực hiện đúng cam kết. Điều này giúp chủ đầu tư có thêm một nguồn lực dự phòng để xử lý các rủi ro bảo hành.
Trách nhiệm pháp lý của nhà thầu khi không thực hiện bảo hành công trình theo hợp đồng là vấn đề quan trọng cần được xem xét kỹ lưỡng. Để tránh các tranh chấp pháp lý không mong muốn, cả chủ đầu tư và nhà thầu cần tuân thủ đúng các điều khoản trong hợp đồng và quy định pháp luật liên quan. Khi xảy ra vi phạm, việc xử lý nhanh chóng, hợp lý sẽ giúp bảo vệ quyền lợi của các bên và duy trì mối quan hệ hợp tác lâu dài.
Trên đây là bài viết “Trách nhiệm pháp lý của Nhà thầu trong thực hiện bảo hành công trình: quy định và biện pháp xử lý” mà TNTP gửi đến Quý độc giả. TNTP hi vọng bài viết này giúp ích cho Quý độc giả.
Trân trọng,