Trong thời đại công nghệ thông tin phát triển như hiện nay, thương mại điện tử đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của người tiêu dùng. Việc mua bán hàng hóa, dịch vụ đã mang lại nhiều tiện ích cho người tiêu dùng, đồng thời, mở ra cơ hội kinh doanh lớn cho các tổ chức, cá nhân. Tuy nhiên, sự phát triển này cũng đặt ra nhiều thách thức, đặc biệt liên quan đến trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân kinh doanh đối với người tiêu dùng. Bài viết này sẽ phân tích các trách nhiệm pháp lý mà các tổ chức, cá nhân kinh doanh phải tuân thủ khi thực hiện các giao dịch trên không gian mạng.

1. Định nghĩa

Chương 3 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023, Nghị định số 98/2020/NĐ-CP ngày 26/8/2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và một số văn bản pháp luật khác đã quy định về việc xử phạt vi phạm khi tổ chức, cá nhân kinh doanh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng trách nhiệm đối với người tiêu dùng.

Theo các quy định này, có thể hiểu, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đối với người tiêu dùng trong giao dịch trên không gian mạng là nghĩa vụ mà tổ chức, cá nhân kinh doanh phải thực hiện theo quy định của pháp luật đối với người tiêu dùng. Trường hợp tổ chức, cá nhân kinh doanh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đủ các trách nhiệm pháp luật quy định thì phải chịu hậu quả theo quy định của pháp luật.

2. Chủ thể kinh doanh trên không gian mạng

Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023 quy định cụ thể về tổ chức, cá nhân kinh doanh trên không gian mạng bao gồm:

  • Tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ thông qua hệ thống thông tin tự mình thiết lập hoặc qua nền tảng số.
  • Tổ chức thiết lập, vận hành nền tảng số trung gian.

3. Một số nội dung trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh đối với người tiêu dùng trong giao dịch trên không gian mạng theo quy định của Luật Bảo vệ người tiêu dùng 2023

Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023 với nhiều điểm mới nhằm giải quyết các vấn đề phát sinh trong bối cảnh chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ. Do đó, Luật đã bổ sung chương về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh đối với người tiêu dùng trong giao dịch đặc thù trong đó có quy định cụ thể về vấn đề kinh doanh trong không gian mạng.

a. Trách nhiệm cung cấp thông tin chính xác và đầy đủ

Khi kinh doanh trên không gian mạng, tổ chức, cá nhân phải cung cấp đầy đủ và chính xác các thông tin liên quan đến sản phẩm, dịch vụ mà họ cung cấp. Điều này bao gồm nhưng không giới hạn ở việc công khai các thông tin về giá cả, chất lượng, nguồn gốc xuất xứ, điều kiện bảo hành, và các chính sách đổi trả.

b. Trách nhiệm bảo vệ thông tin cá nhân của người tiêu dùng

Với sự gia tăng của các giao dịch thương mại điện tử, vấn đề bảo vệ thông tin cá nhân của người tiêu dùng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên không gian mạng có trách nhiệm thu thập, lưu trữ và xử lý thông tin cá nhân của người tiêu dùng một cách an toàn và bảo mật, đồng thời chỉ sử dụng thông tin này cho các mục đích đã được người tiêu dùng đồng ý.

c. Trách nhiệm liên quan đến hợp đồng mẫu, điều kiện giao dịch chung

Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023 quy định các trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh đối với người tiêu dùng liên quan đến hợp đồng như sau:

  • Cung cấp chính xác, đầy đủ nội dung hợp đồng để người tiêu dùng nghiên cứu trước khi giao dịch;
  • Trách nhiệm đảm bảo tuân thủ quy định về hình thức và nội dung của hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung;
  • Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh trong việc đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung trước khi giao kết với người tiêu dùng trong một số lĩnh vực đặc theo Danh mục sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ phải đăng ký do Thủ tướng chính phủ ban hành, sửa đổi.

d. Trách nhiệm giải quyết khiếu nại và tranh chấp

Trong quá trình giao dịch thương mại điện tử, khiếu nại và tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh có khả năng phát sinh. Do đó, các tổ chức, cá nhân kinh doanh có trách nhiệm thiết lập và duy trì một quy trình giải quyết khiếu nại hiệu quả, công bằng và minh bạch.

e. Trách nhiệm tuân thủ quy định về quảng cáo và khuyến mại

Trong các giao dịch thương mại điện tử, quảng cáo và khuyến mại là những công cụ quan trọng để thu hút khách hàng. Tuy nhiên, các tổ chức, cá nhân kinh doanh cần phải tuân thủ chặt chẽ các quy định của pháp luật về quảng cáo và khuyến mại, nhằm đảm bảo không gây hiểu lầm hoặc lừa đảo người tiêu dùng.

Theo Luật Quảng cáo 2012, nội dung quảng cáo phải trung thực, rõ ràng, không gây nhầm lẫn về sản phẩm, dịch vụ được quảng cáo. Bất kỳ hành vi quảng cáo sai sự thật, không chính xác hoặc gây nhầm lẫn đều có thể bị xử phạt nghiêm trọng. Tương tự, các chương trình khuyến mại phải được thực hiện minh bạch, đúng quy định, không làm ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của người tiêu dùng.

Trên đây là bài viết “Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh với người tiêu dùng trong giao dịch trên không gian mạng” mà TNTP gửi đến độc giả. Trường hợp có vấn đề cần trao đổi, vui lòng liên hệ với TNTP để được hỗ trợ kịp thời.

Trân trọng,