Việc xác định thời điểm chuyển giao quyền sở hữu hàng hóa từ bên bán cho bên mua trong hợp đồng mua bán hàng hóa là vô cùng quan trọng bởi đây là thời điểm bên mua được xác lập quyền sở hữu đối với hàng hóa và có toàn quyền định đoạt, chuyển nhượng hàng hóa đó. Thông thường, quyền sở hữu sẽ được chuyển giao kể từ thời điểm các bên hoàn thành việc giao hàng. Tuy nhiên, đối với một số trường hợp đặc biệt, quyền sở hữu hàng hóa sẽ được chuyển sau khi các bên đáp ứng được một số điều kiện nhất định theo quy định pháp luật.
1. Chuyển quyền sở hữu hàng hóa là gì?
Theo quy định của Luật thương mại 2005, hàng hóa bao gồm những vật gắn liền với đất đai và tất cả các loại động sản, bao gồm cả động sản được hình thành trong tương lai. Căn cứ Điều 158 Bộ luật Dân sự 2015, quyền sở hữu bao gồm quyền chiếm hữu, quyền sử dụng và quyền định đoạt tài sản của chủ sở hữu theo quy định pháp luật. Vì vậy, một người chỉ được coi là chủ sở hữu của một tài sản khi có đủ cả ba quyền trên.
Từ đó, có thể hiểu rằng, chuyển quyền sở hữu hàng hóa là việc một bên chuyển dịch các quyền chiếm hữu, quyền sử dụng, quyền định đoạt đối với hàng hóa thuộc quyền sở hữu của mình cho một bên khác. Như vậy, bên mua chỉ có thể trở thành chủ sở hữu của hàng hóa khi quyền sở hữu hàng hóa được chuyển giao, tức bên mua có đủ quyền sử dụng, quyền chiếm hữu, quyền định đoạt đối với hàng hóa.
2. Thời điểm chuyển quyền sở hữu trong hợp đồng mua bán hàng hóa
Theo quy định pháp luật, quyền sở hữu sẽ được chuyển từ bên bán cho bên mua kể từ khi hàng hóa được chuyển giao, tuy nhiên, tùy theo thỏa thuận của các bên và theo quy định pháp luật, thời điểm chuyển giao quyền sở hữu hàng hóa có thể được quy định khác.
2.1. Đối với hàng hóa thông thường
Căn cứ Điều 62 Luật Thương mại 2005, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác thì quyền sở hữu hàng hóa sẽ được chuyển từ bên bán sang bên mua kể từ thời điểm bán chuyển giao hàng cho bên mua. Như vậy, có thể hiểu rằng, trong trường hợp thông thường, quyền sở hữu hàng hóa đã được chuyển cho bên mua cùng lúc với thời điểm bên bán hoàn thành việc giao hàng. Trong trường hợp các bên có thỏa thuận khác thì quyền sở hữu sẽ được chuyển giao theo thỏa thuận giữa hai bên.
2.2. Đối với hàng hóa mà pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu
Theo quy định pháp luật, bất động sản và một số động sản như ô tô, xe máy, tàu biển, tàu bay,… là loại hàng hóa cần phải đăng ký quyền sở hữu trước khi đưa vào sử dụng, lưu thông. Vì vậy, khi tiến hành mua bán loại hàng hóa này, bên mua sẽ phải tiến hành đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền để xác lập quyền sở hữu của mình đối với hàng hóa đã mua.
Như vậy, khác với các loại hàng hóa thông thường, thời điểm chuyển quyền sở hữu với loại hàng hóa này không được căn cứ vào việc bàn giao hàng hóa, chứng từ hàng hóa hay việc thanh toán mà sẽ căn cứ vào thời điểm bên mua hoàn tất thủ tục đăng ký quyền sở hữu theo quy định pháp luật.
2.3. Đối với hàng hóa bán theo phương thức mua sau khi dùng thử
Căn cứ Điều 452 Bộ luật Dân sự 2015, mua bán hàng hóa theo phương thức mua hàng sau khi dùng thử là trường hợp các bên thỏa thuận về việc bên mua được giữ hàng hóa và dùng thử trong một khoảng thời gian rồi quyết định mua hàng hay không. Trong thời hạn dùng thử, bên mua có thể quyết định mua hoặc không mua; trường hợp hết thời hạn mà bên mua không trả lời thì coi như bên mua đã chấp nhận mua hàng theo các điều kiện đã thỏa thuận trước khi nhận hàng để dùng thử.
Do đó, trong trường hợp này, dù hàng hóa đã được chuyển giao cho bên mua để dùng thử nhưng quyền sở hữu hàng hóa vẫn thuộc về bên bán. Tuy nhiên, trong khoảng thời gian dùng thử, quyền sở hữu của bên bán cũng bị hạn chế bởi bên bán không được bán, tặng cho, cho thuê, trao đổi, thế chấp, cầm cố hàng hóa khi bên mua chưa trả lời. Vì vậy, mặc dù bên bán đã thực hiện việc giao hàng cho bên mua nhưng đây chưa phải thời điểm chuyển quyền sở hữu. Quyền sở hữu chỉ được chuyển cho bên mua khi thời hạn dùng thử kết thúc mà bên mua không trả lời hoặc bên mua đồng ý mua và thực hiện thanh toán cho bên bán.
2.4. Đối với hàng hóa được mua bán theo phương thức trả chậm, trả dần
Mua trả chậm, trả góp là việc bên bán chuyển giao hàng hóa cho bên mua và bên mua sẽ thanh toán cho bên bán một phần giá trị hàng hóa và sẽ thanh toán phần còn lại thành nhiều lần cho đến khi đủ giá trị hàng hóa kèm theo một khoản lãi (nếu có).
Căn cứ khoản 1 Điều 453 Bộ luật Dân sự 2015, các bên có thể thỏa thuận về việc bên mua trả chậm hoặc trả dần tiền mua trong một thời hạn sau khi nhận hàng hóa. Bên bán được bảo lưu quyền sở hữu đối với hàng hóa cho đến khi bên mua trả đủ tiền, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Như vậy, đối với trường hợp này, dù hàng hóa đã được bên bán chuyển giao cho bên mua nhưng bên mua vẫn chưa phải chủ sở hữu hàng hóa cho đến khi bên mua thanh toán đầy đủ giá trị theo thỏa thuận của các bên.
Trên đây là bài viết của TNTP về “Thời điểm chuyển quyền sở hữu trong hợp đồng mua bán”. Hy vọng bài viết có ích đối với độc giả.
Trân trọng,