Trong bối cảnh kinh tế và xã hội ngày càng phát triển, khi mà các doanh nghiệp cạnh tranh ngày càng gay gắt thì việc bảo mật thông tin là điều tối quan trọng trong hoạt động kinh doanh. Do đó, hiện nay, để phần nào bảo vệ bản thân khỏi việc bị lộ thông tin và nhận được phần bồi thường xứng đáng nếu thông tin bị lộ, ngoài việc giao kết hợp đồng lao động (“HĐLĐ”), doanh nghiệp còn giao kết thêm một loại thỏa thuận nữa. Đó chính là Thỏa thuận bảo mật thông tin.

Trong bài viết này, luật sư của TNTP sẽ phân tích vấn đề giữa trên 02 quan điểm là NDA và HĐLĐ (1) độc lập theo Án lệ số 69/2023/AL về Thẩm quyền của Trọng tài thương mại trong việc giải quyết tranh chấp thỏa thuận bảo mật thông tin và không cạnh tranh (“Án lệ số 69”); và (2) không độc lập dựa trên bản chất của hai thỏa thuận.

1. NDA và HĐLĐ là hai thỏa thuận độc lập theo Án lệ số 69

• Án lệ số 69 được thông qua vào ngày 18/8/2023 bởi Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, có nguồn là Quyết định số 755/2018/QĐ-PQTT ngày 12/6/2018 của Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh về việc “Yêu cầu hủy phán quyết trọng tài” (“Quyết định số 755”).

• Tình huống vụ việc

Theo đó, tình huống vụ việc là người lao động (“NLĐ”) và người sử dụng lao động (“NSDLĐ”) ký kết thỏa thuận bảo mật thông tin và cạnh tranh về việc sau khi chấm dứt hợp đồng lao động, NLĐ không được làm công việc tương tự hoặc công việc cạnh tranh với NSDLĐ trong thời hạn nhất định, nếu có tranh chấp sẽ giải quyết bằng Trọng tài thương mại.

• Lý do yêu cầu hủy phán quyết trọng tài của NLĐ

NSDLĐ đã khởi kiện NLĐ do vi phạm điều khoản NDA đã được ký kết tại Trung tâm Trọng tài Quốc tế VIAC và đã thắng kiện. Không chấp nhận phán quyết của VIAC, NLĐ đã đề nghị Tòa án hủy Phán quyết trọng tài với nguyên do:

“Vụ tranh chấp không thuộc thẩm quyền giải quyết của trung tâm trọng tài do đây là tranh chấp lao động”

• Nhận định của Tòa án

Phản hồi yêu cầu của NLĐ, Tòa án giải thích rằng:

(1) NLĐ đã không thực hiện quyền của mình được quy định tại khoản 4 Điều 35 Luật Trọng tài thương mại 2010:

“Trường hợp bị đơn cho rằng vụ tranh chấp không thuộc thẩm quyền của Trọng tài, không có thỏa thuận trọng tài, thỏa thuận trọng tài vô hiệu hoặc thỏa thuận trọng tài không thể thực hiện được thì phải nêu rõ điều đó trong bản tự bảo vệ”

(2) Bản thân Luật sư – người đại diện cho NLĐ cũng đã khẳng định lại quan điểm NDA hoàn toàn độc lập với các HĐLĐ giữa hai bên trong vụ tranh chấp tại Phiên họp cuối cùng giữa các bên.

Do đó, Hội đồng xét đơn xác định thỏa thuận NDA là một thỏa thuận độc lập, khi có tranh chấp thì thuộc thẩm quyền giải quyết của Trọng tài như sự lựa chọn của các bên từ khi ký kết.

• Đánh giá nội dung Án lệ số 69 về xác định NDA và HĐLĐ là hai thỏa thuận độc lập

Án lệ số 69 tập trung vào việc xác định thẩm quyền giải quyết tranh chấp dựa trên mặt khách quan của vụ việc chứ không phải xác định tính độc lập của 02 loại văn bản dựa trên bản chất mối quan hệ giữa chúng. Theo đó, Tòa án nhận định 02 văn bản đó độc lập là bởi:

(1) NLĐ không thực hiện quyền của mình theo quy định của pháp luật, đồng nghĩa với việc NLĐ không phản đối về thẩm quyền giải quyết tranh chấp của Trọng tài thương mại; và

(2) Luật sư đại diện của NLĐ có cách tiếp cận vụ việc chưa phù hợp.

Hai nguyên do này không trực tiếp khẳng định NDA và HĐLĐ độc lập với nhau mà chỉ là căn cứ để qua đó, Tòa án xác định thẩm quyền giải quyết tranh chấp của một vụ việc thực tế.

Có thể thấy, thông qua việc xác định tính độc lập giữa NDA và HĐLĐ, nội dung Án lệ số 69 tập trung đưa ra nhận định để xác định thẩm quyền giải quyết tranh chấp là Tòa án hay Trọng tài thương mại xoay quay một vấn đề chưa được điều chỉnh một cách rõ ràng bởi pháp luật.

2. NDA và HĐLĐ không độc lập

• Căn cứ pháp lý

Cụ thể, căn cứ theo tại khoản 2 Điều 21 Bộ Luật Lao động 2019:

“…2. Khi người lao động làm việc có liên quan trực tiếp đến bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ theo quy định của pháp luật thì người sử dụng lao động có quyền thỏa thuận bằng văn bản với người lao động về nội dung, thời hạn bảo vệ bí mật kinh doanh, bảo vệ bí mật công nghệ, quyền lợi và việc bồi thường trong trường hợp vi phạm.”

Như vậy, việc thỏa thuận NDA với NLĐ là một quyền của NLSDLĐ được quy định trong Bộ Luật Lao động.

• NDA là thỏa thuận phát sinh từ quan hệ lao động

Theo đó, NDA là thỏa thuận:

(1) Được ký kết được ký kết giữa NLĐ và NSDLĐ;

(2) Được giao kết đồng thời với HĐLĐ.

(3) Theo như nội dung Án lệ số 69, NDA không được tự nhiên được thỏa thuận và đứng riêng lẻ mà cần có HĐLĐ – các điều khoản về mức lương, sử dụng cơ sở vật chất, tiếp cận bí mật thông tin,…, chỉ rõ cách NLĐ được tiếp cận với thông tin của doanh nghiệp – thì mới phát sinh nhu cầu thỏa thuận NDA.

Như vậy, TNTP cho rằng NDA là thỏa thuận phát sinh từ quan hệ lao động, chịu sự điều chỉnh của pháp luật về lao động hiện hành và không phải là thỏa thuận độc lập với HĐLĐ.

Trên đây là bài viết “Thỏa thuận bảo mật thông tin (NDA) có phải là thoả thuận độc lập với hợp đồng lao động” của luật sư TNTP, Hy vọng bài viết này sẽ hữu ích đối với quý độc giả.

Trân trọng,