Bảo hiểm nhân thọ là một dịch vụ mang lại nhiều giá trị, đảm bảo cho sức khỏe, tính mạng, sức khỏe của người tham gia được hệ thống bảo hiểm đảm bảo một phần rủi ro, và cũng mang ý nghĩa tích lũy một phần nhỏ tài sản cho tương lai sau này. Tuy nhiên hiện nay nhiều loại hình dịch vụ bảo hiểm đang phát sinh những vấn đề dẫn đến việc khách hàng có thể phát sinh những khoản nợ không lường trước. Sau đây, luật sư của TNTP sẽ phân tích những rủi ro nợ xấu khách hàng có thể gặp khi giao kết Hợp đồng bảo hiểm nhân thọ.
1. Người mua không hiểu toàn bộ nội dung của Hợp đồng
Khi được các nhân viên bảo hiểm tư vấn các gói bảo hiểm, người mua thường chọn gói bảo hiểm theo tư vấn của các nhân viên bảo hiểm mà rất ít khi tự kiểm tra từng nội dung Hợp đồng. Khi đó, người mua đã tự đặt mình vào hoàn cảnh rủi ro khi dễ dàng đặt bút ký kết một hợp đồng mà mình chưa hiểu toàn bộ nội dung, với những điều khoản ràng buộc, điều khoản phạt vi phạm nếu khách hàng muốn hủy ngang hợp đồng.
Thực tế cho thấy các Hợp đồng bảo hiểm nhân thọ thường có số lượng nội dung rất lớn, từ vài chục đến vài trăm trang khiến khách hàng không thể có đủ thời gian và kiên nhẫn để đọc từng điều, khoản. Chính điều này khiến các khách hàng không hiểu rõ về nội dung hợp đồng và có thể nảy sinh nhiều rủi ro sau này, hất là khi khách hàng chỉ biết lựa chọn gói bảo hiểm theo tư vấn của các nhân viên.
2. Nhân viên bán bảo hiểm khiến khách hàng hiểu nhầm
Chính vì nội dung Hợp đồng bảo hiểm rất dài nên khách hàng chỉ có thể đặt niềm tin vào các nhân viên bảo hiểm, những người được đào tạo chuyên nghiệp và có thể xác định rõ yêu cầu của khách hàng để lựa chọn gói bảo hiểm phù hợp nhất với họ. Tuy nhiên, với hoạt động Bancassurance (Phân phối bảo hiểm qua ngân hàng), rất nhiều nhân viên ngân hàng với kiến thức chuyên môn không cao do chỉ được đào tạo cấp tốc qua vài khóa học khi giới thiệu các gói bảo hiểm đã tư vấn không đầy đủ khiến khách hàng hiểu nhầm về những lợi ích mình được hưởng, cũng như mức đóng bảo hiểm hàng tháng. Điều này có thể dẫn đến việc khách hàng phải giao kết một hợp đồng bảo hiểm không phù hợp, với những điều khoản không thực sự cần thiết nhưng lại tốn kém rất nhiều chi phí của khách hàng. Điều này vô hình chung đã đẩy khách hàng vào tình thế bất lợi, phải đóng những khoản phí bảo hiểm cao bất ngờ so với những nội dung họ được nhân viên tư vấn.
Ngoài ra, thực tế hiện nay cho thấy nhiều trường hợp do áp lực doanh số bán bảo hiểm ngày càng cao, các nhân viên ngân hàng thực hiện hoạt động Bancassurance chỉ đưa ra các điều khoản, nội dung có lợi cho khách hàng và cố tình giấu đi các thông tin bất lợi, rủi ro của khách hàng khi giao kết nhằm mục đích khiến khách hàng giao kết hợp đồng. Khi đó, khách hàng sẽ là người chịu rủi ro nhất với những lời tư vấn có cánh của các nhân viên bán bảo hiểm. Điều này khiến niềm tin của khách hàng đối với ngân hàng và các công ty bảo hiểm ngày càng giảm sút nghiêm trọng.
3. Khách hàng không còn đủ khả năng tham gia đóng bảo hiểm
Vì nhiều lý do khác nhau, trong quá trình tham gia bảo hiểm nhân thọ, khách hàng có thể không còn khả năng chi trả các khoản phí bảo hiểm, điều này dẫn đến việc khách hàng trở thành một bên nợ và có thể phải chịu các chế tài phạt hoặc lãi suất của Hợp đồng bảo hiểm. Khi khách hàng đã lâm vào tình trạng nợ xấu bảo hiểm thì sẽ bị công ty bảo hiểm tiến hành các biện pháp để thu hồi nợ, gây ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng cuộc sống của khách hàng.
Tuy nhiên, theo quy định mới tại Điều 26 và Điều 27 Luật kinh doanh bảo hiểm 2022 có hiệu lực từ ngày 01/01/2023, trường hợp khách hàng không còn đủ khả năng trả phí bảo hiểm thì có thể đơn phương chấm dứt hợp đồng bảo hiểm, khi đó công ty bảo hiểm nhân thọ sẽ có trách nhiệm trả tiền bảo hiểm cho khách hàng trước thời điểm đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng bảo hiểm và có quyền khấu trừ phí bảo hiểm đến thời điểm đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng bảo hiểm. Như vậy, quy định này đã hạn chế rủi ro cho khách hàng trong trường hợp không còn khả năng tham gia đóng bảo hiểm. Tuy nhiên, nếu Hợp đồng bảo hiểm của khách hàng được giao kết trước thời điểm Luật kinh doanh bảo hiểm 2022 có hiệu lực thì khách hàng vẫn phải thực hiện các nội dung thanh toán đã cam kết trước đó.
Trên đây là bài viết của luật sư TNTP về chủ đề: “ Rủi ro nợ xấu cho khách hàng khi giao kết Hợp đồng bảo hiểm nhân thọ”. Mong rằng bài viết này đem lại giá trị cho các độc giả.
Trân trọng,