Trong cuộc sống, việc vay tiền để đáp ứng nhu cầu chi tiêu hay đầu tư kinh doanh là điều rất phổ biến. Tuy nhiên không phải lúc nào bên vay cũng thanh toán tiền vay đúng thời hạn theo thỏa thuận. Điều này có thể dẫn đến tranh chấp giữa các bên. Chính vì vậy, quyền yêu cầu tiền lãi khi bên vay chậm thanh toán là một vấn đề được đặt ra để đảm bảo quyền lợi của bên cho vay và đồng thời cũng tạo thêm áp lực cho bên vay trong việc trả nợ. Trong bài viết này, TNTP sẽ phân tích quyền yêu cầu tiền lãi khi bên vay chậm thanh toán trong phạm vi hợp đồng vay tài sản là tiền thông thường giữa cá nhân, pháp nhân không phải là tổ chức tín dụng với nhau (sau đây gọi là hợp đồng vay tài sản).
1. Hoạt động vay tiền và tiền lãi
● Hoạt động vay tiền, theo ngôn ngữ pháp lý được gọi là hợp đồng vay tài sản, tại Điều 463 Bộ luật dân sự (BLDS) năm 2015, hợp đồng vay tài sản được quy định là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản (ở đây là tiền) cho bên vay và khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay toàn bộ khoản tiền đã vay trước đó. Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì bên vay còn phải trả tiền lãi cho bên cho vay.
● Tiền lãi là một khoản tiền mà bên vay phải trả cho bên cho vay theo sự thỏa thuận hoặc theo quy định của pháp luật. Tiền lãi bao gồm tiền lãi do các bên thỏa thuận trong hợp đồng, tiền lãi do pháp luật quy định, trong đó bao gồm tiền lãi do chậm thanh toán – lãi chậm trả.
2. Xác định lãi, lãi suất trong hợp đồng vay tài sản thuộc trường hợp áp dụng Bộ luật Dân sự năm 2015
● Trường hợp vay không có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả nợ hoặc trả không đầy đủ thì bên cho vay có quyền yêu cầu trả tiền lãi với mức lãi suất 10%/năm trên số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.
Tiền lãi trên nợ gốc quá hạn chưa trả = (nợ gốc quá hạn chưa trả) x (lãi suất 10%/năm) x (thời gian chậm trả nợ gốc).
● Trường hợp vay có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả hoặc trả không đầy đủ thì bên vay phải trả lãi như sau:
a) Lãi trên nợ gốc trong hạn chưa trả theo lãi suất thỏa thuận nhưng không vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay (trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác) tương ứng với thời hạn vay chưa trả lãi trên nợ gốc tại thời điểm xác lập hợp đồng. Trường hợp các bên có thỏa thuận về việc trả lãi nhưng không xác định rõ lãi suất và có tranh chấp thì lãi suất được xác định bằng 10%/năm.
Tiền lãi trên nợ gốc trong hạn chưa trả = (nợ gốc chưa trả) x (lãi suất theo thỏa thuận hoặc lãi suất 10%/năm) x (thời gian vay chưa trả lãi trên nợ gốc).
b) Trường hợp chậm trả lãi trên nợ gốc trong hạn thì còn phải trả lãi trên nợ lãi theo mức lãi suất 10%/năm tương ứng với thời gian chậm trả tiền lãi trên nợ gốc, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Tiền lãi trên nợ lãi chưa trả = (nợ lãi chưa trả) x (lãi suất 10%/năm) x (thời gian chậm trả tiền lãi trên nợ gốc);
c) Lãi trên nợ gốc quá hạn chưa trả bằng 150% mức lãi suất vay do các bên thỏa thuận trong hợp đồng tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Mức lãi suất trên nợ gốc quá hạn do các bên thỏa thuận không được vượt quá 150% của mức lãi suất 20%/năm.
Tiền lãi trên nợ gốc quá hạn chưa trả = (nợ gốc quá hạn chưa trả) x (lãi suất do các bên thỏa thuận hoặc 150% lãi suất vay do các bên thỏa thuận) x (thời gian chậm trả nợ gốc).
3. Các trường hợp bên cho vay không có quyền yêu cầu tiền lãi do chậm thanh toán
● Do các bên thỏa thuận: Trong trường hợp các bên có thỏa thuận, có thể là thỏa thuận trong hợp đồng hoặc thỏa thuận tại thời điểm mà các bên vay chậm thực hiện thanh toán. Do việc yêu cầu tiền lãi chậm thanh toán là quyền, chính vì vậy bên cho vay có thể yêu cầu hoặc không yêu cầu bên vay thực hiện việc trả tiền lãi do chậm thanh toán;
● Do lỗi của bên cho vay: Trong trường hợp bên vay chậm thanh toán hoàn toàn do lỗi của bên cho vay thì bên cho vay có thể không có quyền yêu cầu bên vay phải thực hiện nghĩa vụ trả tiền lãi do chậm thanh toán. Ví dụ như bên cho vay cố ý không nhận tiền thanh toán của bên vay đúng thời hạn;
● Do sự kiện bất khả kháng: Theo Điều 156 BLDS năm 2015, việc phát sinh sự kiện bất khả kháng sẽ loại trừ trách nhiệm dân sự, trong đó có nghĩa vụ trả tiền lãi do chậm thanh toán, chính vì vậy lúc này bên cho vay sẽ không có quyền yêu cầu bên vay phải thực hiện nghĩa vụ này. Sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép.
Trên đây là nội dung bài viết “Quyền yêu cầu tiền lãi khi bên vay chậm thanh toán”. Chúng tôi hy vọng bài viết sẽ có ích đối với bạn.
Trân trọng,