Quyền thu hồi nợ là một quyền phát sinh giữa bên nợ và chủ nợ trong quan hệ dân sự, khi đó, chủ nợ sẽ có quyền yêu cầu bên nợ thanh toán, và ngược lại bên nợ sẽ có nghĩa vụ phải trả nợ cho chủ nợ. Tuy nhiên trong một số trường hợp, chủ nợ có thể chuyển quyền thu hồi nợ của mình cho một bên thứ ba khác thay mình thực hiện các công việc thu hồi nợ, điều này có thể dẫn đến sự thay đổi về chủ thể trong quan hệ dân sự cũng như các hậu quả pháp lý. Trong bài viết này, luật sư của TNTP sẽ phân tích về quyền thu hồi nợ có thể được chuyển giao hay không? và những hậu quả pháp lý khi các bên chuyển giao quyền thu hồi nợ.
1. Quyền thu hồi nợ theo quy định của pháp luật
Theo quy định tại Bộ luật Dân sự 2015, mọi quan hệ dân sự đều bao gồm 2 nhóm chủ thể: Bên có quyền yêu cầu và Bên có nghĩa vụ. Trong đó, bên có quyền là bên được hưởng một giá trị, lợi ích vật chất từ bên có nghĩa vụ, hoặc được yêu cầu bên có nghĩa vụ phải thực hiện một công việc nhất định cho mình theo thỏa thuận giữa các bên nằm trong phạm vi pháp luật cho phép. Bên có nghĩa vụ là bên phải giao, cung cấp cho bên có quyền một giá trị, lợi ích vật chất, hoặc thực hiện một công việc nhất định cho bên có quyền theo thỏa thuận giữa các bên nằm trong phạm vi cho phép của pháp luật.
Như vậy, trong lĩnh vực thu hồi nợ thì Chủ nợ sẽ là bên có quyền yêu cầu bên nợ phải thanh toán khoản nợ theo thỏa thuận giữa các bên- hay Quyền thu hồi nợ, và Bên nợ có nghĩa vụ phải thanh toán khoản nợ này cho Chủ nợ. Như vậy, quyền thu hồi nợ là một Quyền yêu cầu gắn với tư cách chủ thể của Chủ nợ trong quan hệ dân sự và được điều chỉnh bởi Bộ luật Dân sự.
2. Chuyển giao Quyền thu hồi nợ
– Tại Điều 365 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về chuyển giao quyền yêu cầu như sau:
Điều 365. Chuyển giao quyền yêu cầu
1. Bên có quyền yêu cầu thực hiện nghĩa vụ có thể chuyển giao quyền yêu cầu đó cho người thế quyền theo thỏa thuận, trừ trường hợp sau đây:
a) Quyền yêu cầu cấp dưỡng, yêu cầu bồi thường thiệt hại do xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín;
b) Bên có quyền và bên có nghĩa vụ có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định về việc không được chuyển giao quyền yêu cầu.
2. Khi bên có quyền yêu cầu chuyển giao quyền yêu cầu cho người thế quyền thì người thế quyền trở thành bên có quyền yêu cầu. Việc chuyển giao quyền yêu cầu không cần có sự đồng ý của bên có nghĩa vụ.
Người chuyển giao quyền yêu cầu phải thông báo bằng văn bản cho bên có nghĩa vụ biết về việc chuyển giao quyền yêu cầu, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Trường hợp bên chuyển giao quyền yêu cầu không thông báo về việc chuyển giao quyền mà phát sinh chi phí cho bên có nghĩa vụ thì bên chuyển giao quyền yêu cầu phải thanh toán chi phí này.
Theo quy định trên có thể thấy, khi bên có quyền yêu cầu thực hiện nghĩa vụ chuyển giao quyền yêu cầu này cho một bên thứ ba khác (gọi là người thế quyền), thì người thế quyền này sẽ trở thành bên có quyền yêu cầu. Như vậy, tư cách chủ thể của người có quyền yêu cầu sẽ được chuyển sang cho người thế quyền đi kèm với sự thay đổi về quyền và nghĩa vụ tương ứng.
Tuy nhiên, việc chuyển giao quyền yêu cầu không được thực hiện trong 02 trường hợp: (i) Quyền yêu cầu cấp dưỡng, yêu cầu bồi thường thiệt hại do xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín; và (ii) Bên có quyền và bên có nghĩa vụ có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định về việc không được chuyển giao quyền yêu cầu. Như vậy,có thể thấy nếu việc chuyển giao Quyền yêu cầu là Quyền thu hồi nợ không nằm trong 02 trường hợp không được thực hiện trên thì sẽ được pháp luật công nhận việc chuyển giao.
– Ngoài ra theo quy định trên thì việc chuyển giao quyền yêu cầu không cần có sự đồng ý của bên có nghĩa vụ, nhưng Người chuyển giao quyền yêu cầu phải thông báo bằng văn bản cho bên có nghĩa vụ biết về việc chuyển giao quyền yêu cầu, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Như vậy, trường hợp Chủ nợ chuyển giao quyền thu hồi nợ cho một Người thế quyền thì việc chuyển giao quyền thu hồi nợ không cần có sự đồng ý của bên có nghĩa vụ là Bên nợ, tuy nhiên Chủ nợ cần phải thông báo bằng văn bản cho Bên nợ về việc chuyển giao Quyền thu hồi nợ cho Người thế quyền, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác để Bên nợ biết về việc chuyển giao quyền này.
Từ những nội dung trên, có thể thấy Quyền thu hồi nợ có thể được chuyển giao cho Bên thế quyền với điều kiện là việc chuyển quyền này phải tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật. Khi đó, sau khi hoàn tất việc chuyển giao quyền thu hồi nợ thì Bên thế quyền sẽ có quyền tiến hành các biện pháp cần thiết để yêu cầu Bên nợ phải thực hiện nghĩa vụ thanh toán khoản nợ với mình.
Trên đây là bài viết của luật sư TNTP về chủ đề: “Quyền thu hồi nợ có thể được chuyển giao hay không?” Mong rằng bài viết này đem lại giá trị cho hoạt động của các doanh nghiệp.
Trân trọng,