Trong đời sống, có nhiều sự kiện pháp lý phát sinh không liên quan đến tranh chấp nhưng vẫn cần sự công của Tòa án để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức. Việc dân sự là quy trình pháp lý được áp dụng để xem xét và giải quyết các yêu cầu của cá nhân, tổ chức theo trình tự, thủ tục do pháp luật quy định. Tuy nhiên, thực tế nhiều người vẫn còn nhầm lẫn giữa vụ án dân sự và việc dân sự. Trong bài viết này, TNTP sẽ làm rõ và đưa ra quy trình giải quyết việc dân sự theo quy định pháp luật.
1. Khái niệm, đặc điểm của việc dân sự và phân biệt giữa việc dân sự với vụ án dân sự
Trước khi đi vào quy trình giải quyết việc dân sự, cần hiểu rõ và phân biệt về khái niệm “việc dân sự” và sự khác biệt giữa việc dân sự và vụ án dân sự.
(i) Việc dân sự được quy định tại Điều 361 Bộ luật Dân sự 2015 là những yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức với Tòa án giải quyết các việc về yêu cầu dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động. Đặc điểm của việc dân sự là không có tranh chấp giữa các bên, mà chỉ có yêu cầu từ một bên đối với Tòa án về việc công nhận hoặc không công nhận một sự kiện pháp lý nào đó là căn cứ phát sinh quyền và nghĩa vụ dân sự.
Ví dụ: Yêu cầu tuyên bố một người mất tích hoặc đã chết; Yêu cầu hạn chế năng lực hành vi dân sự; Yêu cầu công nhận tài sản vô chủ;…
(ii) Vụ án dân sự là các tranh chấp phát sinh giữa các đương sự về quyền lợi và nghĩa vụ của họ, yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp đó. Trong vụ án dân sự, sẽ có nguyên đơn (người yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình), bị đơn và người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.
(iii) Từ định nghĩa nêu trên, có thể phân biệt vụ án dân sự và việc dân sự theo các tiêu chí sau:
a. Tính tranh chấp
• Vụ án dân sự: Có tranh chấp xảy ra.
• Việc dân sự: Không có tranh chấp xảy ra.
b. Hình thức giải quyết
• Vụ án dân sự: Khởi kiện tại tòa.
• Việc dân sự: Yêu cầu Tòa án công nhận hoặc không công nhận một sự kiện pháp lý nào đó là căn cứ phát sinh quyền và nghĩa vụ dân sự.
c. Cách thức giải quyết của Tòa án
• Vụ án dân sự Có thể trải qua các giai đoạn: sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm hoặc tái thẩm.
• Việc dân sự: Tòa án xác minh, ra quyết định, tuyên bố theo yêu cầu của cá nhân, tổ chức.
d. Phí, lệ phí
• Vụ án dân sự: Án phí theo giá ngạch (tính theo %) và án phí không theo giá ngạch (cố định).
• Việc dân sự: Lệ phí cố định (được quy định cụ thể tại Nghị quyết 326/2016 quy định về mức thu, miễn, giảm thu nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Tòa án).
2. Quy trình giải quyết việc dân sự
(i) Bước 1: Nộp đơn yêu cầu giải quyết việc dân sự
• Người yêu cầu giải quyết việc dân sự phải nộp đơn yêu cầu giải quyết việc dân sự tại Tòa án có thẩm quyền. Thẩm quyền giải quyết việc dân sự của Tòa án được xác định dựa trên thẩm quyền theo lãnh thổ và thẩm quyền theo cấp xét xử.
• Theo quy định tại Điều 362 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, đơn yêu cầu cần trình bày đầy đủ các thông tin cơ bản bao gồm ngày tháng năm làm đơn, tên Tòa án có thẩm quyền giải quyết, cùng các thông tin chi tiết về người yêu cầu như họ tên, địa chỉ, số điện thoại và địa chỉ email nếu có.
Nội dung chính của đơn cần nêu rõ vấn đề cụ thể yêu cầu Tòa án giải quyết, kèm theo lý do, mục đích và căn cứ pháp lý của yêu cầu đó. Đơn cũng phải ghi rõ thông tin của những người có liên quan nếu có, cùng các thông tin bổ sung khác mà người yêu cầu xét thấy cần thiết cho việc giải quyết yêu cầu của mình.
(ii) Bước 2: Tòa án xem xét đơn yêu cầu giải quyết việc dân sự
Việc xem xét đơn khởi kiện được quy định cụ thể tại điều 363 Bộ luật Dân sự 2015. Theo đó, sau khi nhận được đơn yêu cầu, Tòa án xem xét tính hợp lệ của hồ sơ. Thẩm phán được phân công có trách nhiệm kiểm tra tính hợp pháp của đơn yêu cầu …như sau:
• Nếu đơn yêu cầu chưa đầy đủ nội dung theo quy định, Thẩm phán sẽ thông báo để người yêu cầu sửa đổi, bổ sung trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận được thông báo.
• Trả lại đơn yêu cầu trong trường hợp: người yêu cầu không có quyền yêu cầu hoặc không đủ năng lực hành vi tố tụng; hoặc sự việc đã được Tòa án hoặc cơ quan có thẩm quyền giải quyết; hoặc yêu cầu không thuộc thẩm quyền của Tòa án; hoặc người yêu cầu không bổ sung, sửa đổi đơn trong thời hạn quy định; hoặc người yêu cầu không nộp lệ phí; hoặc tự rút đơn yêu cầu.
• Nếu đơn yêu cầu đáp ứng đầy đủ điều kiện thụ lý, Thẩm phán sẽ thông báo cho người yêu cầu thực hiện nghĩa vụ nộp lệ phí và ban hành thông báo thụ lý đơn yêu cầu.
(iii) Bước 3: Giai đoạn chuẩn bị xét đơn yêu cầu
Sau khi thụ lý, Tòa án tiến hành giai đoạn chuẩn bị xét đơn yêu cầu giải quyết việc dân dự. Thẩm phán được phân công có trách nhiệm kiểm tra tính hợp pháp của đơn yêu cầu, xác minh các tình tiết của vụ việc và triệu tập những người có liên quan nếu cần thiết. Thời hạn cho giai đoạn này là 01 tháng hoặc 02 tháng đối với việc dân sự phức tạp theo quy định tại Điều 366 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.
(iv) Bước 4: Giai đoạn mở phiên họp giải quyết việc dân sự
Sau khi xem xét toàn bộ nội dung và chứng cứ, Tòa án sẽ ra quyết định giải quyết việc dân sự. Quyết định này có hiệu lực ngay và là cơ sở pháp lý để thực hiện các quyền, nghĩa vụ phát sinh liên quan.
3. Kháng cáo, kháng nghị giải quyết việc dân sự
• Người yêu cầu, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc giải quyết việc dân sự có quyền kháng cáo, Viện kiểm sát cùng cấp, Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp có quyền kháng nghị quyết định giải quyết việc dân sự để yêu cầu Tòa án trên một cấp trực tiếp giải quyết lại theo thủ tục phúc thẩm.
Tuy nhiên, riêng đối với các trường hợp sau không thuộc phạm vi kháng cáo, kháng nghị cụ thể: Yêu cầu công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án; yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn, thỏa thuận nuôi con, chia tài sản khi ly hôn; các yêu cầu liên quan đến việc công nhận thỏa thuận của cha, mẹ về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn hoặc công nhận sự thay đổi theo quy định pháp luật về hôn nhân và gia đình.
• Đối với các quyết định của Tòa án, người yêu cầu và những người có quyền lợi liên quan có quyền kháng cáo trong vòng 10 ngày kể từ ngày ra quyết định theo Điều 375 BLTTDS 2015.
Quy trình giải quyết việc dân sự đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức trong những vấn đề pháp lý không phát sinh tranh chấp. Việc hiểu rõ và tuân thủ đầy đủ các quy định về trình tự, thủ tục pháp lý là yếu tố quan trọng để đảm bảo quá trình giải quyết việc dân sự diễn ra nhanh chóng, hiệu quả và công bằng, đồng thời bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các bên liên quan.
Trên đây là bài viết của TNTP về đề tài “Quy trình giải quyết việc dân sự theo quy định pháp luật”. Hy vọng bài viết có ích đối với quý độc giả.
Trân trọng,